Ông Phí Thái Bình: “Họ bảo chúng tôi mua ống Trung Quốc giá rẻ, khai đắt lên để lấy tiền“

Xung quanh câu chuyện nguyên nhân vỡ đường ống nước sông Đà - Hà Nội, VietTimes đã có buổi trao đổi với ông Phí Thái Bình - nguyên Phó chủ tịch UBND Tp Hà Nội, nguyên Chủ tịch Vinaconex về vấn đề này.
Ông Phí Thái Bình: “Họ bảo chúng tôi mua ống Trung Quốc giá rẻ, khai đắt lên để lấy tiền“

Trước đó, ngày 22/5, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an quyết định khởi tố ông Phí Thái Bình để điều tra hành vi “Vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Tổng công ty này.

-  Ông có đánh giá gì về kết luận điều tra của cơ quan điều tra?

Tôi không có đánh giá gì nhiều. Tuy nhiên, với tôi dự án gặp sự cố liên tiếp, bản thân tôi cảm thấy rất đau xót vì công sức của mình giờ đây không được trọn vẹn và đặc biệt điều buồn hơn nữa là nhiều lãnh đạo, anh em cùng tâm huyết, tận lực để xây dựng đường ống nước sạch phục vụ nhu cầu của người dân giờ đây lại vướng vào vòng lao lý.

Khi đường ống vỡ, bản thân nhà tôi cũng bị mất nước, sinh hoạt đảo lộn. Tôi về quê người ta nói rằng có phải các anh mua ống của Trung Quốc, ống rẻ, khai đắt lên để lấy tiền. Mình ngỡ ngàng lắm,  mình không hề mua ống Trung Quốc, sao lại có thông tin đó ?

Với tôi, việc người dân bức xúc về vỡ đường ống nước là điều đương nhiên, và tôi thấy một phần trách nhiệm của mình trong đó.

-  Theo ông đâu là nguyên nhân chính dẫn đến việc vỡ ống nước?

Đầu tiên có thể nói, sau khi cung cấp ống composite cốt thủy tinh cho 47km dự án nước Sông Đà, thì chúng tôi tiếp tục cung cấp ống cho 54 dự án khác trên toàn quốc, có cả dự án cấp nước, thoát nước, trong đó có cả đường ống phục vụ cho nhà máy thủy điện phải chịu áp lực lớn hơn đường ống sông Đà, thậm chí là lớn hơn gấp 2 lần.

Thực tế hiện nay ống tại các dự án này sử dụng vẫn bình thường.

Như đã biết kết quả điều tra cho thấy, đường ống nước sông Đà - Hà Nội có 14 lần vỡ và 20 ống vỡ. Nhưng cần phải đặc biệt lưu ý, vì tất cả các ống, mỗi ống vỡ đều có lý lịch của nó, sản xuất ngày nào, đơn vị, thi công nào nhận nó về, lắp ở đâu... từng ống một.

Theo kiểm tra của chúng tôi, những ống vỡ đó đều sản xuất trong năm 2007 -2008, Có 1 lô, loạt 12/20 ống vỡ được sản xuất vào tháng 8/2007. Còn các ống sản xuất thời gian đầu khi nhà máy sản xuất ống mới đi vào hoạt động, tức là từ tháng 1/2005 - 12/2006 thì hoàn toàn không sao cả, cho đến nay là hơn 10 năm rồi vẫn không sao cả...

Vậy, phải chăng do sản xuất lô, loạt này (trong năm 2007 -2008 - PV) có lỗi ? Phải tìm nguyên nhân là tại sao. Ví dụ sản xuất, vật tư, vật liệu đầu vào, vận chuyển có tốt không hay đơn vị thi công quăng quật, lắp đặt có đúng không hay để dị vật ở dưới,... có thử áp lực ống hay không?

Tiếp nữa, là trong quá trình làm ống phải có quy trình nghiệm thu ống. Tức là phải thử áp lực từng đoạn một theo nguyên tắc chịu áp lực thử gấp 1,5 lần áp lực thiết kế ống.

Nhưng sau này kiểm tra ra, tổng số 47km ống thì mới thử được 17km, còn lại 30km chưa thử áp lực. Đó là điều rất đáng tiếc. Nếu chúng ta thử sẽ phát hiện được những cái không tốt thì khắc phục ngay được sự cố ống sẽ ít hơn.

Thực tế toàn bộ những điểm vỡ đều chưa được thử áp lực cả.

Ngoài ra, đây là ống sử dụng công nghệ mới, vật liệu mới do đó quy trình sản xuất, thi công, lắp đặt,... có những khắt khe hơn đòi hỏi hiểu kỹ và sâu hơn nên tôi nghĩ qua quá trình ứng dụng công nghệ mới có thể xảy ra sai sót và qua sai sót thì có thể xảy ra hiện tượng này. Từ khâu sản xuất có thể, thi công lắp đặt cũng có thể, hay nghiệm thu để làm,...

Một vấn đề nữa là sau khi được cơ quan điều tra đề nghị, thì Bộ Xây dựng cũng đã có văn bản thẩm định khẳng định, Nhà máy sản xuất ống composite cốt thủy tinh đủ năng lực thực hiện dự án, nếu sản xuất đúng không bao giờ có sự cố.

Tại sao Vinaconex lại thay đổi chất liệu ống dẫn nước từ gang dẻo sang ống cốt thủy tinh công nghệ Trung Quốc?

Nhiều người nghĩ là Vinaconex hám rẻ nhưng không phải, chúng tôi làm rất cẩn trọng trước khi lựa chọn, việc đầu tư phải làm sao nhanh nhất có nước cho dân và hiệu quả kinh tế.

Trên thế giới đã nhiều nơi làm công nghệ ống sợi thủy tinh và hiệu quả tốt. Chất liệu này nhẹ hơn ống gang, thi công lắp đặt dễ hơn, xử lý nền móng dễ hơn, ống trơn nên tốc độ nước chảy nhanh hơn. Khi hỏng hóc thì xử lý được ngay, còn nếu vỡ ống gang thì phải mất cả tháng sửa chữa vì phải nhập khẩu. Chúng tôi đã tính toán dự án sử dụng ống sợi thủy tinh tiết kiệm được 48 tỷ đồng so với ống gang.

Thời điểm đó, dây chuyền công nghệ sản xuất đường ống sợi thủy tinh được doanh nghiệp Áo chào giá sản xuất 100 km đường ống mỗi năm là 20 triệu Euro, phía Trung Quốc chào giá 1,5 triệu USD. Hai dây chuyền đều theo công nghệ G7, khác nhau là phía Áo được tự động hóa hoàn toàn, còn công nghệ Trung Quốc có một số công đoạn cơ khí. Trong thực tế phía Trung Quốc đi trước mình nhiều năm và đã dùng đại trà (40% đô thị Trung Quốc dùng ống sợi thuỷ tinh). Chúng tôi quyết định tìm công nghệ sản xuất ống sợi thủy tinh hiện đại nhất của Trung Quốc.

Chúng tôi đấu thầu quốc tế mua dây chuyền công nghệ Trung Quốc để sản xuất ống sợi thủy tinh trong nước với giá 872.000 USD, trong khi đó phía Tây Ban Nha chào 20 triệu USD.

Vậy, chúng ta hãy so sánh nếu dùng ống gang dẻo hết bao nhiêu tiền? nếu dùng ống composite cốt thủy tính nhập từ Áo hết bao nhiêu tiền? nếu dùng ống nhập từ Trung Quốc hết bao nhiêu tiền? và cuối cùng nếu tự làm lấy thì hết bao nhiêu tiền?

Chúng tôi hướng tới làm sao dự án đưa mức giá thành đầu tư thấp nhất, đồng thời có một hoài bão sau này có nhà máy sản xuất ống nước cung cấp cho Việt Nam, thậm chí cung cấp cho thị trường khu vực, trên thế giới.

Nếu cho phép thì dứt khoát tôi vẫn lựa chọn ống cốt thủy tinh vì nó vừa đạt được lợi ích kinh tế vừa đảm bảo an toàn kỹ thuật.

-  Việc thay đổi chất liệu ống có được báo cáo Thủ tướng không, thưa ông?

Thủ tướng giao Vinaconex với phương thức tự thực hiện, với nguồn vốn không sử dụng đến ngân sách cho nên Luật quy định là không nhất thiết phải báo cáo Thủ tướng. Điều này Bộ Xây dựng đã khẳng định cũng như quy định pháp luật thể hiện rõ.

Mặc dù không phải báo cáo nhưng Vinaconex khi phê duyệt điều chỉnh xong thì vẫn báo cáo gửi Văn phòng Chính phủ, Bộ kế hoạch đầu tư, Bộ Xây dựng, Hà Nội, Hà Tây, Hòa Bình, ... (7 cơ quan tất cả) nhưng không có sự hồi âm. Bằng trách nhiệm của mình Vinaconex vẫn báo cáo.

Văn bản đề nghị của Vinaconex đầu tiên là đề nghị ống gang dẻo nhưng sau này điều chỉnh thành ống cốt sợi thủy tinh. Ngay Bộ Xây dựng khi đề nghị với Thủ tướng cũng không đề nghị đường ống sử dụng vật liệu gì.

-  Đến nay, với dự án này ông còn tiếc điều gì?

Dự án nước sông Đà là dự án lớn nhất thời điểm bấy giờ, đầu tiên tôi cảm thấy vinh dự và đã cùng anh em lao tâm, khổ tứ thực hiện. Khi vỡ ra tôi thấy đau lòng vì đây là đứa con đẻ của mình. Trong quá trình thực hiện có những điểm tôi cảm thấy rất buồn.

Thứ nhất là công trình hiện vẫn thiếu hạng mục bể chứa và trạm bơm tăng áp. Đây là hạng mục rất quan trọng, bạn cứ hình dung nó như túi mật trong cơ thể người ấy. Vì vậy Hội đồng quản trị Vinaconex quyết định và đề xuất phải có công trình đó.

Công trình dự kiến là 1 bể chứa 30.000m3 nước để làm sao tích lũy nước và cấp tạm thời cho nhân dân nếu sự cố xảy ra. Sau 10-12 tiếng nước lại về. Tiếp nữa, là để điều áp, khi áp lực nước giảm xuống quá thì ta lại bơm nước để đảm bảo áp lực cho tuyến ống và lưu lượng tính toán để đảm bảo cung cấp nước cho Hà Nội.  Ngược lại, nó cũng có thể đẩy nước nhanh nhất về nơi người dân sử dụng nước xa nhất. Đến nay, vẫn thiếu một hạng mục hết sức quan trọng nhưng hiện nay vẫn không làm. Vậy ai quyết định không làm? Chúng ta nên đặt câu hỏi ấy.

Về việc này thì tháng 9/2006 tôi về UBND thành phố Hà Nội, và nói Hà Nội giúp Vinaconex có đất để làm hạng mục này, nhưng đến 9/2007 có quỹ đất để làm, nhưng đến này vẫn đắp chiếu chưa triển khai.

Điều tiếc nuối tiếp theo là khi bắt đầu khởi công được một thời gian, tôi không yên tâm với dự án chỉ có 1 đường ống vì đây là công trình với vật liệu mới được tự sản xuất đưa vào. Chính tôi đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ xin phép được đầu tư tiếp đường ống thứ 2, vì không có mạch vòng khép kín. Thủ tướng đã đồng ý.

Nhưng câu chuyện đó cho tới nay không thành, đó là câu chuyện oái oăm cho Vinaconex, sau đó chúng tôi tiếp tục đề xuất nhưng không được. Vì không có nguồn cho nên đành lầm lũi chỉ có một đường ống.

Tức là tư duy về an sinh, an ninh, khả năng xảy ra những tai họa có thể xảy ra. Tại sao, 3 năm nay biết bao sự chỉ đạo, tiền có rồi, mặt bằng giải phóng xong rồi, thiết kế xong hết rồi, tại sao không hỏi chuyện đó?

Xin cám ơn ông!

Ngày 22/5/2017, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố bị can đối với ông Phí Thái Bình về hành vi “Vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại doanh nghiệp này.

Cơ quan điều tra xác định dự án nước sạch Sông Đà - Hà Nội do Vinaconex làm chủ đầu tư, được xây dựng từ năm 2004; được nghiệm thu đưa vào sử dụng năm 2009.

Từ thời điểm năm 2004, các thành viên của Hội đồng Quản trị Vinaconex gồm: Ông Phí Thái Bình - Chủ tịch HĐQT, Nguyễn Văn Tuân - Tổng giám đốc, Tô Ngọc Thành, Hoàng Hợp Thương và Vũ Đình Chầm là các ủy viên đã không thực hiện đúng quy định của pháp luật về quản lý đầu tư và xây dựng công trình.

Cụ thể, theo cơ quan điều tra, là quyết định cho thay đổi vật liệu tuyến ống, đưa vào sử dụng vật liệu composite cốt sợi thủy tinh khi chưa thẩm định hiệu quả sử dụng; Lựa chọn nhà thầu thiếu năng lực, kinh nghiệm để cung cấp sản phẩm composite cho dự án, sản phẩm cung cấp không đảm bảo chất lượng khiến công trình xây dựng liên tục xảy ra sự cố khi vận hành sử dụng gây hậu quả nghiêm trọng.

Tháng 7/2006, ông Phí Thái Bình được bầu giữ chức Phó chủ tịch UBND Hà Nội nhiệm kỳ 2006-2011. Năm 2011, ông nghỉ hưu theo quy định.

Theo VietTimes

Có thể bạn quan tâm

Giá vàng tăng phiên thứ 3 liên tiếp

Giá vàng tăng phiên thứ 3 liên tiếp

Giá vàng thế giới tăng cao nhờ nhu cầu trú ẩn an toàn trong bối cảnh căng thẳng Nga-Ukraine tiếp tục leo thang. Trong nước, giá vàng miếng và vàng nhẫn đều vượt ngưỡng 86 triệu đồng/lượng…

Giá gạo xuất khẩu giảm không ảnh hưởng đến tâm lý và hoạt động của thương nhân trong nước

Thương nhân gạo vững tin giữa “bão” giá xuất khẩu

Thị trường gạo thế giới đang chứng kiến một biến động đáng kể, nhu cầu nhập khẩu gạo, đặc biệt từ các thị trường lớn có dấu hiệu chững lại. Điều này đã tác động trực tiếp đến giá gạo xuất khẩu của Việt Nam…

Amazon đang thực hiện biện pháp "đối đầu" với các sàn thương mại điện tử giá rẻ

Amazon tung chiêu cạnh tranh với Shein và Temu

Trong bối cảnh các sàn thương mại điện tử giá rẻ có nguồn gốc từ Trung Quốc đang xâm lấn thị trường nhiều nước trên thế giới, “ông lớn” bán lẻ của Mỹ đã có kế hoạch cạnh tranh rất rõ ràng…

Giá xăng dầu bất ngờ quay đầu giảm

Giá xăng quay đầu giảm từ 15h hôm nay

Trong kỳ điều hành tuần này, giá xăng bất ngờ được điều chỉnh giảm sau một kỳ tăng nhẹ, giá bán lẻ xăng dầu mới được áp dụng từ 15h ngày 14/11…

Xuất khẩu rau quả năm 2024 được dự báo tăng trưởng mạnh

Xuất khẩu rau quả năm 2024 sẽ đạt 7 tỷ USD

Với những lợi thế sẵn có cùng sự hỗ trợ từ các chính sách mới, đặc biệt là hiệu quả từ các Nghị định thư đã ký kết, hoạt động xuất khẩu rau quả Việt Nam đang có những bước tiến vượt bậc…

Việt Nam đã vươn lên đứng thứ 5 thế giới về tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ và các sản phẩm về gỗ

Kim ngạch xuất khẩu gỗ vượt 13 tỷ USD

Trong tháng 10/2024, kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ và các sản phẩm từ gỗ của Việt Nam ước đạt 1,5 tỷ USD, tăng 20% so với tháng 9. Tính chung 10 tháng năm 2024, kim ngạch của ngành đã đạt 13,2 tỷ USD, tăng gần 21% so với cùng kỳ năm ngoái…