Với biểu thuế nhập khẩu mới của Mexico, doanh nghiệp sản xuất thép cán mạ Việt Nam sẽ chịu mức thuế chống bán phá giá thấp hơn, giao động từ 0% đến mức cao nhất là 10,84%.
Cụ thể, theo thông tin chúng tôi mới nhận được, mới đây Bộ Kinh tế nước này ra phán quyết cuối cùng đối với vụ điều tra chống bán phá giá thép cán mạ có nguồn gốc từ Việt Nam.
Phán quyết của Bộ Kinh tế Mexico ghi rõ biểu thuế nhập khẩu áp lên sản phẩm thép cán mạ từ các doanh nghiệp Việt Nam. Trong đó đa số đã được giảm ở mức trung bình khoảng 1,5% so với phán quyết trước đó. Như vậy, doanh nghiệp sản xuất thép cán mạ Việt Nam sẽ chịu mức thuế chống bán phá giá thấp hơn như đã nói ở trên.
Có thể nói, phán quyết trên sẽ tạo cơ hội cho các sản phẩm thép cán mạ Việt Nam quay lại quốc gia Mỹ Latinh này, sau gần 2 năm gián đoạn bởi quá trình điều tra bán phá giá của Cơ quan Thực thi Thương Mại quốc tế Mexico thực hiện.
Một lãnh đạo của Tham tán thương mại Việt Nam tại Mexico đánh giá, mức thuế chống bán phá giá theo phán quyết cuối cùng của Bộ Kinh tế Mexico là hoàn toàn có thể chấp nhận được, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam đang ngày càng hội nhập sâu hơn vào kinh tế toàn cầu, tuân thủ các quy định và luật pháp theo thông lệ quốc tế.
Ở vụ việc này, ngoài nỗ lực của các cơ quan chức năng Việt Nam, bản thân các doanh nghiệp tham gia vào vụ kiện cũng đã rất chủ động trong việc cung cấp thông tin ban đầu, phối hợp chặt chẽ với cơ quan liên quan, cũng như thực hiện nghiêm túc các yêu cầu của phía Mexico trong quá trình điều tra, vị lãnh đạo của Tham tán thương mại Việt Nam tại Mexico nói.
Trước đó, vì Việt Nam và Mexico cùng là thành viên của Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), các sản phẩm thép cán mạ của Việt Nam đang được hưởng thuế suất ưu đãi 0% khi xuất khẩu sang Mexico.
Vì thế năm 2020 Việt Nam đã xuất khẩu khoảng 220 triệu USD sắt thép sang Mexico, tăng khoảng 70% so với năm 2019. Trong đó, các sản phẩm sắt thép không hợp kim cán phẳng, đã phủ, mạ hoặc tráng chiếm gần 80%.
Nhưng, tháng 8/2021 Bộ Kinh tế Mexico đã mở cuộc điều tra về chống bán phá giá đối với sản phẩm thép cán mạ có nguồn gốc từ Việt Nam sau khi nhận được đơn kiện từ 2 doanh nghiệp sản xuất thép nội địa.
Theo quan điểm của chúng tôi, khi thâm nhập sâu vào thị trường Mexico nói riêng cũng như thị trường các Hiệp định thương mại tự do (FTA) nói chung, việc đối mặt với kiện phòng vệ thương mại là điều không thể tránh khỏi. Những cuộc điều tra phòng vệ thương mại có điểm tiêu cực là khả năng áp thuế cao, hạn chế khả năng xuất khẩu.
Nhưng ngược lại lại có điểm tích cực là khi doanh nghiệp xuất khẩu chấp nhận xu hướng sử dụng biện pháp phòng vệ thương mại, doanh nghiệp có tinh thần chuẩn bị tốt hơn, có giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh, cải thiện công tác quản trị, thiết lập các chuỗi giá trị để mở rộng không gian xuất khẩu nhằm phân tán rủi ro ở một vài thị trường.