Các đợt không khí lạnh cuối mùa cũng thường có xu hướng lệch đông khiến các tỉnh Đông Bắc Bộ, đặc biệt là các tỉnh ven biển và đồng bằng có thể có sương mù, sương mù nhẹ rải rác.
Gần nhất, ngày 3-6/4, do ảnh hưởng của không khí lạnh kết hợp với hội tụ gió trên cao, khu vực Bắc Bộ và các tỉnh Bắc Trung Bộ có một đợt mưa, khả năng có mưa vừa, mưa to kèm theo lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh ở các tỉnh vùng núi, trung du phía bắc. Nhiệt độ 10 ngày đầu tháng tại khu vực phía Đông Bắc Bộ thấp hơn khoảng 0,5 độ, các khu vực khác cao hơn từ 0,5 đến 1,5 độ so với trung bình nhiều năm.
Tại Nam Trung Bộ và Nam Bộ trong tháng 4, duy trì nắng nóng kéo dài, trời ít mưa. Dự báo xâm nhập mặn ở các tỉnh ven biển Nam Bộ tiếp tục diễn ra khá gay gắt trong thời gian này do nắng nóng ở Nam Bộ kéo dài từ cuối tháng 3 sang tháng 4, kết hợp với mùa mưa đến muộn.
Trong khi đó, từ nay đến tháng 5/2020, dòng chảy từ thượng nguồn sông Mê Công đến đồng bằng sông Cửu Long ở mức thấp hơn so với trung bình nhiều năm từ 10-20%.
Dự báo xâm nhập mặn trên các sông Vàm Cỏ (Long An), Cái Lớn (Kiên Giang), vùng bán đảo Cà Mau sẽ tiếp tục duy trì ở mức cao đến cuối tháng 4, đầu tháng 5/2020, sau giảm dần.
Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cũng lưu ý, trong tháng 4, nắng nóng diện rộng có thể xảy ra ở Tây Bắc Bộ, Bắc, Trung Trung Bộ. Trước đó, trong tháng 4 năm 2019, nắng nóng kỷ lục từng xảy ra tại các tỉnh Bắc Trung Bộ với nhiệt độ 43,4 độ được ghi nhận tại Hương Khê, Hà Tĩnh. Đây là kỷ lục nắng nóng gay gắt nhất được ghi nhận trong chuỗi số liệu khí tượng ở Việt Nam. Do ảnh hưởng của hiện tượng ENSO nghiêng về pha nóng, nắng nóng năm nay được nhận định đến sớm và gay gắt hơn trung bình nhiều năm.
Cơ quan dự báo khí tượng cũng lưu ý, do tháng 4 là tháng giao mùa, sự giao tranh giữa các khối khí xảy ra nên trên phạm vi cả nước cần có thể xảy ra giông, lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh, đặc biệt là các tỉnh vùng núi phía bắc.