Môi trường kinh doanh phải kích thích doanh nghiệp tư nhân lớn mạnh hơn

Nhân Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam (VPSF) năm 2017, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, nền kinh tế Việt Nam đang rất cần sự vào cuộc có trách nhiệm của khu vực kinh tế tư n
Môi trường kinh doanh phải kích thích doanh nghiệp tư nhân lớn mạnh hơn

Thưa Bộ trưởng, năm 2017 chắc chắn là một điểm mốc được nhắc tới trong bước phát triển của kinh tế Việt Nam, khi Hội nghị Trung ương 5, khóa XII đã ban hành Nghị quyết 10-NQ/TW về Phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Chưa bao giờ khu vực kinh tế tư nhân có được vị trí như bây giờ?

Nhìn lại 30 năm đổi mới, một trong những thành tựu quan trọng là đã khuyến khích phát triển kinh tế tư nhân trong nước. Rất nhiều cơ chế, chính sách tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ khu vực này phát triển được đưa ra, thúc đẩy tinh thần kinh doanh của người Việt, doanh nghiệp Việt.

Đến nay, phải khẳng định rằng, kinh tế tư nhân đang ngày càng có những đóng góp rất quan trọng trong phát triển đất nước, từ đóng góp ngân sách, tạo việc làm đến góp phần giải quyết các vấn đề xã hội.
Nếu tính trong cơ cấu GDP, kinh tế tư nhân đóng góp cao nhất trong nhiều năm qua. Tính từ năm 2010 trở lại đây, đóng góp của khu vực này trong GDP đều ở mức trên 43%. Tỷ lệ này ở khu vực kinh tế nhà nước là khoảng 28,9%, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) khoảng 18%.

Số lượng doanh nghiệp tư nhân cũng tăng rất mạnh. Năm 2016, số doanh nghiệp thành lập mới đã tăng ở mức kỷ lục, đạt trên 110.000 doanh nghiệp. Nhiều thương hiệu của khu vực kinh tế tư nhân đã hình thành, được ghi nhận tại thị trường trong nước, khu vực và quốc tế.

Đã hình thành một số tập đoàn kinh tế tư nhân, doanh nghiệp quy mô lớn, hoạt động trong các lĩnh vực đòi hỏi năng lực về vốn và công nghệ cao như chế biến, chế tạo, điện tử, dịch vụ tài chính - ngân hàng... như Vinamilk, Công ty cổ phần Ô tô Trường Hải, Tập đoàn Massan, Tập đoàn Hòa Phát, Công ty cổ phần FPT, Công ty cổ phần Thế giới di động…

Như vậy, có thể nói, Nghị quyết 10-NQ/TW đã khẳng định và hơn thế, đã nâng tầm vai trò, vị trí của khu vực kinh tế tư nhân trong nền kinh tế.

Tuy nhiên, các nghiên cứu đang cho thấy, kinh tế tư nhân chưa đáp ứng được vai trò là một động lực quan trọng của nền kinh tế. Tốc độ tăng trưởng của kinh tế tư nhân có xu hướng giảm, từ 11,93%/năm (2003 - 2010) xuống 7,54%/năm (2011 - 2015), thưa Bộ trưởng?

Đóng góp lớn, nhưng so với thông lệ quốc tế và so với đòi hỏi thực tiễn yêu cầu phát triển của Việt Nam, tỷ trọng của khu vực này trong nền kinh tế vẫn chưa tương xứng.

Theo thông lệ quốc tế, tỷ trọng của khu vực kinh tế tư nhân trong GDP thường là khoảng 70 -80%, trong khi ở Việt Nam mới khoảng 43% tính từ năm 2010 trở lại đây.

Nhìn vào thực tiễn của Việt Nam, khu vực kinh tế tư nhân gồm doanh nghiệp tư nhân và hộ kinh doanh, thì khu vực hộ kinh doanh đóng góp lên tới trên 31% giá trị GDP của nền kinh tế, trong khi đó, khu vực doanh nghiệp tư nhân mới đóng góp khoảng 7 - 8% giá trị GDP tính từ năm 2010 trở lại đây.

Trong khi nền kinh tế Việt Nam đang cần và luôn hướng các chính sách vào thúc đẩy phát triển khu vực doanh nghiệp tư nhân, để khu vực này lớn mạnh hơn, thay thế dần khu vực hộ kinh doanh, khu vực phi chính thức và cũng là để thay dần khu vực doanh nghiệp nhà nước khi Nhà nước dần rút khỏi các lĩnh vực kinh doanh không cần sự có mặt của mình.

Tuy nhiên, sau 30 năm đổi mới, sự dịch chuyển trong phân bố nguồn lực của nền kinh tế Việt Nam vẫn chưa được như mong muốn, chưa thực sự chuyển mạnh từ nông thôn sang thành thị, từ khu vực phi chính thức sang chính thức, từ Nhà nước sang tư nhân…

Đây cũng là lý do khu vực doanh nghiệp tư nhân còn quá khiêm tốn và khó lớn mạnh. Nếu không đẩy mạnh sự dịch chuyển này, đổi mới cơ chế phân bổ nguồn lực thì khu vực kinh tế tư nhân sẽ gặp nhiều khó khăn trong nhiệm vụ làm tròn vai trò động lực quan trọng của nền kinh tế.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang hoàn tất Đề án Phát triển kinh tế tư nhân, bảo vệ sản xuất trong nước và nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam. Các vấn đề trên có được đặt ra để tháo gỡ, thưa Bộ trưởng?

Bộ Kế hoạch và Đầu tư xác định nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu là tiếp tục cải cách thể chế, tạo môi trường thuận lợi, an toàn cho kinh doanh, đầu tư, thúc đẩy phát triển các thị trường nhân tố sản xuất...

Việc đầu tiên, quan trọng phải thực hiện, đó là xây dựng, hoàn thiện thể chế để thị trường thực sự đóng vai trò chủ yếu trong huy động và phân bổ nguồn lực, bao gồm cả nguồn lực của nhà nước. Điều này, Nghị quyết 11-NQ/TW về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đã nêu rất rõ ràng.

Chúng ta đã và đang tiến hành cải thiện môi trường kinh doanh, nhưng mới tập trung vào các giải pháp cải thiện thủ tục hành chính. Các giải pháp này cần tiếp tục triển khai, nhưng đó mới là phần ngọn. Gốc rễ của vấn đề là thể chế, như Nghị quyết 11-NQ/TW đã xác định, đó là hoàn thiện thể chế để phát triển đồng bộ, vận hành thông suốt các thị trường nhân tố sản xuất, như thị trường tài chính, thị trường công nghệ, lao động, thị trường thứ cấp, sơ cấp quyền sử dụng đất…

Tiếp theo là, hoàn thiện thể chế về sở hữu, thể chế hóa đầy đủ quyền sở hữu tài sản của Nhà nước, tổ chức và cá nhân đã được quy định trong Hiến pháp năm 2013, đảm bảo hiệu lực thực thi và bảo vệ có hiệu quả quyền sở hữu tài sản. Đây là điểm mà người kinh doanh hiện tại chưa thực sự thấy rõ, nên chưa yên tâm kinh doanh dài hạn, chưa dám làm ăn lớn.

Hoàn thiện cơ chế để thúc đẩy quyền tự do kinh doanh, đảm bảo môi trường kinh doanh an toàn, dễ tiên liệu, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư đổi mới công nghệ, nghiên cứu sản phẩm mới. Hiện tại, nhiều điều kiện kinh doanh đang là rào cản sức sáng tạo của người kinh doanh, khiến chi phí kinh doanh cao, rủi ro cao...

Sẽ có rất nhiều việc phải làm, nhất là khi các tồn tại của nền kinh tế ngày càng bộc lộ với quy mô và sự phức tạp tăng hơn. Điều này đòi hỏi phải có tư duy đổi mới, cải cách của từng công chức, đúng theo tinh thần của Chính phủ kiến tạo.

Thưa Bộ trưởng, khu vực kinh tế tư nhân chắc hẳn không thể đứng ngoài những chuyển dịch quan trọng này?

Trách nhiệm của khu vực kinh tế tư nhân là kinh doanh có trách nhiệm, không chụp giật, gây dựng uy tín và tạo niềm tin cho thị trường.

Đặc biệt, cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân cần hợp lực và hơn thế, có tiếng nói mạnh mẽ hơn, trách nhiệm hơn, đòi hỏi các cơ quan quản lý nhà nước, hoạch định chính sách thúc đẩy cải cách.

Theo baodautu.vn

Có thể bạn quan tâm

VNDirect nâng dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam 2024 đạt 6,9%

VNDirect nâng dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam 2024 đạt 6,9%

VNDirect đã nâng dự báo tăng trưởng GDP năm 2024 của Việt Nam từ 6,7% lên 6,9%, đồng thời cho rằng GDP quý 4/2024 sẽ tăng 7,1%. Công ty chứng khoán này cũng đưa ra kịch bản lạc quan GDP của Việt Nam tiếp tục tăng trưởng 6,9% trong năm 2025...

VACOD-HBA thúc đẩy “nâng tầm” doanh nghiệp về kế toán, kiểm toán, AI

VACOD-HBA thúc đẩy “nâng tầm” doanh nghiệp về kế toán, kiểm toán, AI

TS Nguyễn Hồng Sơn, Chủ tịch VACOD-HBA mong muốn các doanh nghiệp không chỉ phát huy bản lĩnh, tinh thần vượt khó của “những người lính thời bình”, nắm bắt công nghệ mới, không ngừng học hỏi để giúp phát triển doanh nghiệp bền vững, mà còn xây dựng thành công văn hoá kinh doanh trong doanh nghiệp...