Nghị định 96/2014/NĐ-CP quy định về xử phạt phạt hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng đã được Chính phủ ban hành cách đây hơn 4 năm và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 12/12/2014. Tuy nhiên, trên thực tế ngoài các tổ chức tín dụng, các cơ quan, doanh nghiệp có liên quan đến lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng thì hình như người dân vẫn còn chưa biết hoặc chưa quan tâm đến các chế tài rất mạnh được quy định tại Nghị định 96.
Cho đến khi UBND TP. Cần Thơ ban hành quyết định xử phạt hành chính 90 triệu đồng đối với Ông Nguyễn Cà Rê trú tại quận Ninh Kiều, TP. Cần Thơ thì dư luận lại xôn xao về cái gọi là tính nhân văn, sự phù hợp. Nhưng sâu thẳm, đằng sau quyết định xử phạt hành chính trên, điều quan trọng hơn đó chính là tinh thần thượng tôn pháp luật theo nguyên tắc nhà nước pháp quyền.
Lạm bàn về quyết định xử phạt hành chính của UBND TP. Cần Thơ đối với Ông Nguyễn Cà Rê:
Ông Trương Quang Hoài Nam - Phó Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ cho biết Ông Nguyễn Cà Rê có quyền khiếu nại hoặc khởi kiện hành chính đối với quyết định xử phạt hành chính về hành vi bán 100 USD trái quy định. Tuy nhiên, ở đây chúng ta cần nhìn nhận rằng, UBND TP. Cần Thơ đã căn cứ vào điểm a khoản 3 điều 24 Nghị định 96 để ban hành quyết định xử phạt hành chính đối với Ông Nguyễn Cà Rê là hoàn toàn đúng quy định pháp luật.
Có chăng ở đây, chúng ta cần xem xét lại về số tiền xử phạt. Theo quy định, mức tiền phạt dao động từ 80 đến 100 triệu đồng đối với hành vi vi phạm của ông Nguyễn Cà Rê. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra ở đây là tại sao UBND TP. Cần Thơ không áp dụng mức thấp nhất theo hướng nhân văn hơn với số tiền phạt thấp hơn cho hành vi vi phạm lần đầu của người dân. Một thực tế rằng, như một quy luật bất thành văn, các quy định chế tài về tài chính mà có sự tùy nghi từ X đến Y thì các cơ quan có thẩm quyền nếu xét thấy không có yếu tố giảm nhẹ hay tăng nặng thì thông thường lại áp dụng số tiền phạt bằng trung bình cộng của X và Y.
Mấy ngày nay, dư luận, cộng đồng mạng lại xôn xao về quyết định xử phạt 90 triệu đồng cho hành vi bán 100 USD trái phép. Đa số các ý kiến đều thiên về tình với sự cảm thông và chia sẻ cho anh Nguyễn Cà Rê. Điều đó không sai với văn hóa trọng tình hơn trọng lý nói chung của văn hóa phương Đông. Và làn sóng phản đối quyết định xử phạt của UBND TP. Cần Thơ càng lan tỏa nhiều hơn khi số tiền xử phạt cao gấp nhiều lần số tiền giao dịch trái phép. Nhưng ở đây, điều làm chúng ta phải suy nghĩ đó chính là hầu như đa số người dân vẫn bình nhiên trước thói quen mua bán ngoại tệ tại các tiệm vàng mà không hề biết mình đang vi phạm pháp luật.
Người dân thường chọn mua bán ngoại tệ tại các tiệm vàng không phải hoàn toàn đều không biết là giao dịch đó là trái pháp luật. Nhưng vì bán ngoại tệ tại tiệm vàng thường có tỷ giá tốt hơn, đơn giản về thủ tục, không phải chờ đợi, không cần xuất trình giấy tờ liên quan đến nhân thân như ở ngân hàng,...Đương nhiên, vẫn có nhiều trường hợp không biết quy định pháp luật hoặc giao dịch với số tiền nhỏ nên tâm lý ngại đến các nơi sang trọng như ngân hàng.
Quyết định xử phạt của UBND TP. Cần Thơ cũng chỉ là số ít vụ việc được phát hiện và xử lý từ khi Nghị định 96 được ban hành. Trên thực tế, nếu các cơ quan chức năng quyết liệt hơn trong suốt thời gian qua thì có lẽ rất nhiều vụ việc bị xử lý và người dân không phải ngỡ ngàng khi anh Nguyễn Cà Rê bị xử phạt.
Có nhiều ý kiến cho rằng chỉ nên phạt tiệm vàng Thảo Lực (đơn vị mua 100 USD của anh Nguyễn Cà Rê). Tuy nhiên, giao dịch giữa anh Nguyễn Cà Rê và tiệm vàng là giao dịch mua bán, được xác lập bởi hai chủ thể bình đẳng về pháp luật. Nếu chỉ xử phat tiệm vàng (tức chỉ xử phạt người mua) mà không xử phạt người bán có thể sẽ được lòng dư luận, nghe có vẻ hợp tình. Nhưng giả sử đặt vào một tình huống ngược lại, nếu anh Nguyễn Cà Rê đến tiệm vàng không phải bán mà là mua 100 USD, lúc này không lẽ chỉ xử lý người mua mà không xử lý người bán là tiệm vàng? Tác giả lấy ví dụ đơn giản trên để độc giả dễ hình dung và nhìn nhận các quy định pháp luật trên bình diện chung. Pháp luật Việt Nam có nguyên tắc ưu tiên bảo vệ quyền lợi của "kẻ yếu" trong các giao dịch dân sự. Tuy nhiên, trong quan hệ mua bán ngoại tệ trên, nếu áp dụng pháp luật theo hướng giảm nhẹ "có tình" đối với anh Nguyễn Cà Rê thì rất khó để răn đe, thậm chí có thể bị các đối tượng xấu lợi dụng và làm giảm giá trị hiệu lực của các quy phạm pháp luật.
Tinh thần thượng tôn pháp luật
Việt Nam đang xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, theo nguyên tắc thượng tôn pháp luật, nghĩa là mọi người đều bình đẳng trước pháp luật và Hiến pháp, các quy định pháp luật có giá trị tối cao để áp dụng xử lý các vụ việc, các đối tượng, các chủ thể thuộc phạm vi điều chỉnh của quy phạm pháp luật đó. Tuy nhiên, như tác giả đã nêu, xuất phát từ nền văn hóa Á Đông vốn trọng tình hơn trọng lý nên đâu đó trong tâm thức của đại đa số bộ phận nhân dân khi xem xét một vụ việc lại thường đặt yếu tố tình cảm, sự thương xót trước khi nghĩ đến các chế tài được pháp luật quy định.
Trường hợp anh Nguyễn Cà Rê bị xử phạt dù biết là hợp lý, đúng quy định, nhưng thật khó để người dân chấp nhận là "hợp tình". Nếu nói theo cách nghĩ, người dân ít hiểu biết, không am hiểu pháp luật nên cần sự "châm chước" thì rất khó để các quy định pháp luật đi vào thực thi. Nếu không xử lý hành vi vi phạm của anh Nguyễn Cà Rê, thì tất cả các trường hợp vi phạm tương tự sau này sẽ không xử phạt được. Thậm chí, nếu nói số tiền nhỏ mà không xử lý thì các đối tượng xấu sẽ lợi dụng để chia nhỏ số tiền giao dịch ngoại tệ trái phép để nhờ người dân đi giao dịch mua bán hộ để không bị chế tài.
Anh Nguyễn Cà Rê còn cho biết trước đây anh từng đi đổi tiền ở các tiệm vàng mà không có vấn đề gì. Với phát biểu này, có lẽ các cơ quan chức năng cũng không đến nỗi phải hồi tố và tiếp tục truy tìm để xử phạt các chủ thể có liên quan về hành vi mua bán ngoại tệ trái phép trước đó( ?). Nhưng vô hình trung, nội dung phát biểu trên đã vô tình trở thành tình tiết tăng nặng đối với anh Nguyễn Cà Rê vì có yếu tố tái phạm nhiều lần. Quy định pháp luật là vậy, tuy nhiên dường như người dân vẫn hết sức hồn nhiên và chưa thật sự quan tâm đến các quy định pháp luật. Sống trong nhà nước pháp quyền, mỗi người dân phải hiểu rằng pháp luật không miễn trừ trách nhiệm đối với việc vi phạm vì chưa nắm quy định pháp luật. Vì nếu lấy lý do chưa nắm quy định pháp luật mà vô tư vi phạm thì không phù hợp.
Trở lại vấn đề xử phạt 90 triệu đồng cho hành vi bán 100 USD, vẫn biết rằng dư luận đang rất quan tâm và cảm thông đối với anh Nguyễn Cà Rê. Tuy nhiên, có lẽ điều mà dư luận quan tâm nhiều hơn không chỉ là số tiền xử phạt mà phải chăng người dân đang mong chờ các cơ quan chức năng kiểm tra, thanh tra và xử phạt dứt điểm hành vi mua bán ngoại tệ trái phép với số tiền lớn hơn gấp nhiều lần và vẫn diễn ra ở nhiều nơi. Một khi các cơ quan chức năng có biện pháp xử lý quyết liệt đối với tất cả các tiệm vàng, các doanh nghiệp mua bán ngoại tệ trái phép một cách mạnh mẽ và triệt để thì tin rằng anh Nguyễn Cà Rê và dư luận không phải tâm tư như hiện nay.
Việc kiểm tra, phát hiện các tiệm vàng mua bán ngoại tệ trái phép hoàn toàn không khó. Ngoài các biện pháp nghiệp vụ của cơ quan công an, cơ quan chức năng cũng có thể trích xuất camera, kiểm tra sổ sách, chứng từ thu chi tại các tiệm vàng đột xuất, theo dõi dòng tiền trong các báo cáo tài chính,... tin rằng sẽ sớm giải quyết được vấn nạn mua bán ngoại tệ trên thị trường "chợ đen" tại các tiệm vàng. Và đó cũng là cách để khép lại câu chuyện bán 100 USD bị xử phạt 90 triệu đồng một cách công bằng và nhân văn hơn.
Theo CTV Hoài Ngọc/Trí thức trẻ