Một góc nhìn khác về cuộc chơi!

Khi nội lực của các doanh nghiệp tư nhân trong nước chưa đủ mạnh để cuộc chơi thị trường, nhất là thị trường mua bán - sáp nhập trở nên cân sức và đúng quy luật thị trường thì nỗi lo bị thâu tóm bởi c
Một góc nhìn khác về cuộc chơi!

Vốn ngoại đổ ào ào

Như vậy là đã chẳng có bất ngờ nào xảy ra, sau một số bước đi kỹ thuật thì đại gia Thái Lan Charoen Sirivadhanabhakdi đã hoàn tất thương vụ mua "cô gái đẹp" bia Sabeco với giá gần 5 tỷ USD thông qua Vietnam Beverage, một doanh nghiệp mới thành lập từ đầu tháng 10/2017.

Cũng có nghĩa là dòng vốn ngoại đang đổ mạnh vào các doanh nghiệp nội địa trong năm 2017 này sẽ tiếp đà tăng mạnh. Chỉ tính đến tháng 11/2017, phần vốn mua cổ phần, góp vốn của nhà dầu tư nước ngoài đã ghi nhận con số 5,29 tỷ USD, tăng 57,6% so với cùng kỳ 2016.

Bởi, cho dù xuất hiện dưới pháp nhân là công ty được thành lập tại Việt Nam, nhưng giới kinh doanh đều biết Vietnam Beverage có "dây mơ rễ má" với tỷ phú Charoen Sirivadhanabhakdi của Thái Lan - ông chủ của hệ thống phân phối MM Mega Market (tên mới của Metro Cash&Carry Việt Nam từ tháng 1/2017, sau thương vụ đình đám mua lại hệ thống này từ Tập đoàn Metro với giá 705 triệu USD), người đang sở hữu hãng bia ThaiBev của Thái Lan, kiểm soát tập đoàn đồ uống Singapore F&N, cổ đông lớn của Vinamilk, quản lý khách sạn 5 sao Melia Hà Nội...

Nền tảng vững vàng và kinh nghiệm thương trường của nhà đầu tư này khiến các chuyên gia trong ngành cho rằng, Sabeco sẽ có bước chuyển đổi ngoạn mục nếu những tính toán trên thành hiện thực, ít nhất là sẽ có sự thay đổi rất lớn trong quản trị doanh nghiệp, khi cổ đông lớn nhất không còn là Bộ Công thương.

Bước qua mối lo

Một góc nhìn khác về cuộc chơi! ảnh 1Một góc nhìn khác về cuộc chơi! ảnh 2

Trong bối cảnh các kế hoạch thoái vốn nhà nước đang diễn ra khá rầm rộ, mối lo mất thương hiệu Việt đã không còn được nhắc tới, cho dù vài năm trước, khi kế hoạch thoái vốn Sabeco được đặt lên bàn, câu chuyện này đã trở thành tâm điểm của khá nhiều cuộc tranh luận.

Ông Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam cho rằng, doanh nghiệp đăng ký mua là nhà đầu tư, họ nhìn thấy những khả năng phát triển và chắc chắn sẽ chăm chút để doanh nghiệp làm ăn ngày càng có lãi cao hơn.

Thực tế, cả cơ quan quản lý nhà nước, các doanh nghiệp và giới chuyên gia đã có cái nhìn thực tiễn hơn về vấn đề này. Ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, khi đầu tư mua cổ phần tại doanh nghiệp có thương hiệu, các ông chủ đều nhìn thấy sức mạnh của thương hiệu đó thông qua những mức đặt giá rất cao so với giá thị trường.

"Vấn đề ở đây là sức khỏe của doanh nghiệp, của thương hiệu đó có đủ lớn, đủ vững vàng để phát triển tiếp tục hay không, chứ không nhà đầu tư nào mua thương hiệu để xóa sổ, nhất là những nhà đầu tư chiến lược", ông Cung nói.Điều đó có nghĩa là nhà đầu tư sẽ tính toán được việc nên giữ hay thay đổi thương hiệu, nếu như không có giao kết khác trong hợp đồng.

Đây cũng là lý do mà trong những ý kiến gần đây về cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước khỏi các doanh nghiệp, ông Cung đang đeo đuổi đề xuất phải làm cho doanh nghiệp sạch hơn, trung lập hơn và áp dụng hệ thống quản trị theo thông lệ trước khi tiến hành cổ phần hóa.

"Các doanh nghiệp phải tuân thủ nguyên tắc thị trường trước khi cổ phần hóa, thoái vốn sẽ thu hút được những nhà đầu tư chiến lược có chung mục tiêu phát triển cho thương hiệu hiện hữu...", ông Cung nói.

Quy luật này cũng không khác khi đặt vào các cuộc mua bán, sáp nhập doanh nghiệp tư nhân của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

"Vấn đề là các doanh nghiệp trong nước phải thực sự đủ mạnh, đủ năng lực cạnh tranh để trở thành đối tác ngang bằng trong thị trường mua bán - sáp nhập doanh nghiệp", ông Cung chia sẻ.

Áp lực từ bên ngoài doanh nghiệp

Chuyện ông Trần Hùng, Chủ tịch Hiệp hội Quảng cáo tiết lộ các công trình quảng cáo ngoài trời nếu kiểm tra đều vi phạm pháp luật không có gì quá sốc.

Lâu nay, các doanh nghiệp kinh doanh ngành này vẫn đau đầu với các quy định chồng chéo, thậm chí không biết thực thi thế nào cho đúng giữa Luật Đất đai, Luật Xây dựng, yêu cầu tuân thủ quy hoạch quảng cáo ngoài trời do địa phương công bố và các quy định của ngành văn hóa.

"Mỗi hồ sơ quảng cáo, tính cả giấy phép của Bộ Xây dựng và Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch lên tới 20 giấy phép, nhưng vẫn chưa đủ. Chưa hết, muốn quảng cáo, ngành xây dựng nói phải có giấy phép của ngành văn hóa, ngành văn hóa thì bảo phải có giấy phép ngành xây dựng. Tắc nghẽn! Quả trứng có trước hay con gà có trước? Nhiều địa phương còn yêu cầu quảng cáo phải có xác nhận phòng cháy chữa cháy, có cầu thang thoát hiểm nữa. Quy định như thế thì doanh nghiệp phải làm thế nào?", ông Hùng bức xúc đặt câu hỏi với những công chức của Vụ Pháp chế của Bộ Xây dựng.

Mấu chốt ở chỗ, dù có đặt bao nhiêu câu hỏi, bức xúc đến thế nào, nhưng doanh nghiệp vẫn phải tìm cách để làm.

Đương nhiên, sẽ không có doanh nghiệp nào đầu tư bài bản, đầu tư công nghệ hay sáng tạo gì vì họ không dám chắc được họ có thể trụ được bao lâu. Cách duy nhất để phát triển trong bối cảnh này là các mối quan hệ", ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng Ban Pháp chế VCCI nhận xét.

Nhưng, không thể đổ lỗi cho các doanh nghiệp nội. Môi trường kinh doanh với những rào cản giăng đầy, trong đó vô vàn điều kiện kinh doanh ngáng trở sự sáng tạo của người kinh doanh sẽ không sản sinh ra những doanh nghiệp toàn tâm cho sự nghiệp kinh doanh. Ông Tuấn đã nhiều lần đăng đàn đặt câu hỏi rằng, tại sao cơ quan nhà nước lại phê duyệt phương án kinh doanh của doanh nghiệp kinh doanh vận tải; tạo sao lại quy định hệ thống phân phối cho doanh nghiệp xăng dầu hay quy định cả nhân sự chuyên môn của doanh nghiệp logistics.

Rõ ràng, doanh nghiệp sẽ không thể lớn được nếu cứ bị cầm tay chỉ việc. Nếu không thay đổi cả tư duy và cách thức quản lý nhà nước về điều kiện kinh doanh, thì doanh nghiệp Việt, thương hiệu Việt mất đi không chỉ bởi bị mua lại mà bị thui chột, bị triệt tiêu...

Ông Nguyễn Văn Thắng - Phó Chủ tịch thứ nhất Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thái Nguyên, Chủ tịch công ty Nhiệt điện An Khánh:

DN Việt cần liên kết và chia sẻ

Ở góc độ cá nhân, tôi cho rằng trước làn sóng thâu tóm của các doanh nghiệp ngoại, doanh nghiệp Việt đủ sức cạnh tranh và trụ vững, nhưng số này chưa nhiều và họ có quan tâm, quyết tâm, mong muốn đầu tư vào lĩnh vực đang được chào bán và cổ phần hóa hay không. Tại thời điểm này, đa phần các Doanh nghiệp Việt quan tâm đầu tư vào các lĩnh vực thu hồi vốn trong ngắn hạn và lợi nhuận cao như nhà hàng, khách sạn, bất động sản, khoáng sản và các dự án BT...

Để có đủ sức cạnh tranh với các doanh nghiệp ngoại mạnh về vốn, thương hiệu, doanh nghiệp Việt phải liên doanh, liên kết, chia sẻ thế mạnh và lợi nhuận giữa các doanh nghiệp Việt với nhau và kể cả với các doanh nghiệp nước ngoài và xác định thương hiệu là sống còn, hiện tại và tương lai.

Ngoài sức mạnh nội tại của doanh nghiệp, các doanh nghiệp Việt cần được hỗ trợ về pháp lý, thị trường, giải pháp cụ thể về chính sách. Về vốn Chính Phủ có thể tổ chức đấu giá công khai, chọn mức giá cao nhất. Nếu có doanh nghiệp Việt tham gia, vẫn đồng ý và cho phép, chấp nhận mức giá do doanh nghiệp Việt chào mua nhưng có thể cho phép giãn thời gian nộp tiền tùy từng trường hợp cụ thể và quy định cụ thể bằng thiết chế pháp lý. Ví dụ: Nghị quyết của Quốc Hội trong 05 năm tới, Chính Phủ cổ phần hóa đạt mức 300 nghìn tỷ trở lên. Nhưng số tiền này Chính Phủ không được sử dụng mà do Quốc hội quyết định để đầu tư cơ sở hạ tầng. Như vậy cũng phải cần một khoảng thời gian tương ứng để lập, trình, phê duyệt thực hiện nguồn vốn này. Thời gian này áp dụng cho giãn nộp tiền đối với các doanh nghiệp Việt thì các doanh nghiệp Việt mới có điều kiện và mạnh dạn tham gia và nếu thành công thì đã khắc phục được những lo lắng trước áp lực bị các doanh nghiệp nước ngoài nhòm ngó và thâu tóm.

Có thể bạn quan tâm

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trả lời chất vấn trước Quốc hội

Chính phủ đề xuất tái khởi động dự án điện hạt nhân

Để đảm bảo nguồn điện cung ứng trước mắt và lâu dài, Chính phủ đã áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó có việc thực hiện đề xuất cấp có thẩm quyền tái khởi động dự án điện hạt nhân, phát triển mạnh điện gió ngoài khơi...

Toàn cảnh bức tranh kinh tế 10 tháng năm 2024 qua các con số

Toàn cảnh bức tranh kinh tế 10 tháng năm 2024 qua các con số

Trong 10 tháng năm 2024, kinh tế Việt Nam đạt kết quả tích cực trong nhiều lĩnh vực như: Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tăng 11,8% (so với cùng kỳ năm 2023); Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp tăng ổn định; Số doanh nghiệp thành lập mới “hồi sinh”...