Đến với mỗi một thành phố, du khách thường sẽ khám phá những công trình lịch sử, văn hóa, kiến trúc nổi bật của thành phố đó. Với Hà Nội, ngôi nhà cổ Mã Mây có thể kể câu chuyện của phố cũ thâm sâu cùng năm tháng, nơi cốt cách, lối sống của người Hà Thành còn lưu dấu, Ngôi nhả Hanoia trở thành điểm tổ chức những sự kiện văn hóa có nét giao thoa giữa cổ và kim, rồi những bảo tàng mỹ thuật, bảo tàng lịch sử… kể về những tầng sâu của văn hóa qua những vỉa tầng của tháng năm…
Nhưng một công trình kiến trúc đặc thù của Hà Nội là Nhà hát Lớn bấy lâu vẫn là một bí ẩn, mà du khách chỉ có thể đọc, nghe qua truyền thông và ngắm qua song cửa mà thôi…
30 phút …
Sau bước thử nghiệm hồi tháng 6 vừa qua, dự kiến từ tháng 9 tới, tour tham quan Nhà hát Lớn sẽ chính thức “chạy”. Bước chân qua những bậc thang nối dài đến cổng vòm, và chỉ đôi bước chân, là du khách có thể bước vào một thế giới khác, cách biệt với không gian mở của quảng trường rực rỡ bên ngoài. Những lớp lang của kiến trúc Pháp từ tiền sảnh tới cầu thang lớn, tầng 2, phòng gương, ban công, tầng 3… của Nhà hát dẫn dắt bước chân ta đến với lịch sử hình thành nên Nhà hát Lớn và cả những biến thiên lịch sử đã in dấu nơi này.
Vâng, chỉ 30 phút thôi, du khách sẽ lần lượt được giới thiệu về đặc điểm thiết kế, quy mô của một di tích kiến trúc quốc gia đặc biệt. Có thể du khách sẽ thấy dấu ấn quen thuộc với công trình Nhà hát Opéra Garnier tại Paris nhưng điểm khác biệt của Nhà hát Lớn của Hà Nội lại được hé lộ cùng những câu chuyện thú vị về “tuổi thọ” hơn 100 năm, như là chuyện người Pháp khi xây dựng Nhà hát cũng đã gặp phải bài toán hóc búa về mức kinh phí vượt mức, hay như tích chuyện về những tấm phông màn có in hình tháp Rùa trong quá khứ (trước khi được thay bằng màn nhung)… Hay như, gần đây, các chuyên gia Việt Nam đã tìm được mẫu đá phiến từ Lai Châu để trang trí mái vòm Nhà hát khi trùng tu năm 1995, thay vì phải nhập đá Ardoise từ Pháp…
“Một thành phố không có những ngôi nhà cổ, giống như con người sống không có ký ức. Có những khi đặt mình vào một không gian xưa cũ, như được lên một chuyến tàu du hành ngược thời gian.
Nhưng Nhà hát Lớn còn cất giữ trong mình những câu chuyện gắn với những sự kiện lịch sử không gian quanh công trình. Không chỉ là những lời thuyết minh về buổi chiều 19/8/1945 lịch sử, hay kỳ họp Quốc hội đầu tiên tại đây năm 1946, du khách sẽ còn được gặp lại những “chứng nhân” xuyên thời gian như chiếc gương bị vỡ tại phòng khánh tiết do đạn bắn vào trong ngày Toàn quốc Kháng chiến, hay phần ban công nhô ra Quảng trường, nơi đã đi vào lịch sử khi Bác Hồ phát động Tuần lễ Vàng.
… và hơn thế
Nhà hát Lớn, bấy lâu nay chỉ sáng đèn cho những sự kiện lớn, và cho những chương trình nghệ thuật đỉnh cao, giờ đây sẽ rộng cửa để đón nhận những con người Hà Nội và những du khách ở khắp năm châu đến để tìm hiểu những nội hàm văn hóa – lịch sử đi kèm trong suốt 2 thế kỷ nay. Vậy nên, tự nhiên thôi Nhà hát Lớn đã có thể trở thành một điểm du lịch hấp dẫn làm tăng thêm giá trị và nét duyên dáng của du lịch Hà Nội.
Nhưng điều mà các chuyên gia chưa cảm thấy an lòng với tour thử nghiệm ấy là 30 phút trôi qua, thì ngoài dấu ấn về kiến trúc ra, dường như còn thiếu chiều sâu của sự gắn kết văn hóa làm nên sức hấp dẫn riêng có của Nhà hát Lớn. Các nhà tổ chức dự kiến thiết kế hai lựa chọn: thứ nhất là chỉ thăm Nhà hát, thứ hai là có kèm thêm phần xem biểu diễn nghệ thuật. Lựa chọn một tổ chức 3 buổi/ngày vào thứ ba, thứ tư, thứ bảy và chủ nhật hàng tuần với mức giá 120 ngàn đồng/ người cho cả khách trong và ngoài nước. Lựa chọn hai dự kiến diễn ra vào buổi sáng thứ hai và thứ năm mỗi tuần với mức giá 400 ngàn đồng/ người.
“Tự nhiên thôi Nhà hát Lớn đã có thể trở thành một điểm du lịch hấp dẫn làm tăng thêm giá trị và nét duyên dáng của du lịch Hà Nội.
Tuy nhiên, điểm trừ lại nằm ở chính phần biểu diễn nghệ thuật của chương trình “chạy thử”, bởi vẫn “ôm” những tiết mục truyền thống về tuồng, múa, diễn xướng chầu văn hay biểu diễn các nhạc cụ như sáo, đàn T’rưng. Chúng ta vẫn mở theo cách đem đến cho du khách những gì chúng ta có thay vì việc lắng nghe xem du khách muốn khám phá điều gì? Với một chương trình mới mở chưa có thương hiệu mà đưa ra mức giá 400 nghìn thì sẽ khó mà hút khách bằng những Rối nước Thăng Long, Tứ phủ… đã có thương hiệu và giá chỉ tối đa 100 nghìn đồng/người. Nên chăng, lúc này cần kiến thiết lại mức giá thích hợp hơn và thậm chí là mở cửa miễn phí cho việc khám phá kiến trúc của công trình mà thôi, đó là điều mà nhiều đại diện của các công ty lữ hành đã chia sẻ.
Thêm nữa, lịch tổ chức các tour tham quan cũng được nhìn nhận là chưa hợp lý bởi du khách thường tận dụng thời gian ban ngày cho các hoạt động ngoài trời, và chiều tối cho các hoạt động trong nhà. Chỉ cần tính toán lại thời gian thôi, sức hút cũng đã khác đi nhiều…
Nhà hát Lớn sẽ là một điểm đến khó lòng bỏ qua với du khách khi đến với Hà Nội khi được thiết kế trong thế kết nối với quần thể du lịch xung quanh của công trình. Chẳng hạn như, với một tour du lịch nội đô “city tour”, các công ty lữ hành có thể thiết kế lịch trình tham quan Phố cổ hoặc Bảo tàng Lịch sử Việt Nam đi cùng với khám phá Nhà hát Lớn, cảm nhận về du lịch Hà Nội, mảnh đất địa linh nhân kiệt sẽ được kể lại sinh động và thuyết phục hơn.
Nhà hát Lớn gắn với Hà Nội sẽ còn trở thành một “công viên mở”, một bảo tàng sống động của đất thiêng trong dặm dài của lịch sử, hôm qua –hôm nay và cả cho tương lai… Đất thiêng in dấu từ những công trình cổ kính, từ cả những vun vén hôm nay để cùng hy vọng cho một ngày mai!