Mùa kinh doanh “bội thu” của các doanh nghiệp bất động sản

Báo cáo kinh doanh quý 3 cũng như 9 tháng đầu năm 2017 cho thấy, các doanh nghiệp bất động sản đã có một mùa kinh doanh “bội thu” với những con số về doanh thu và lợi nhuận rất ấn tượng.
Mùa kinh doanh “bội thu” của các doanh nghiệp bất động sản

Quý 3… “đại phát tài”

Mùa báo cáo quý 3 đã khép lại với hàng loạt những bất ngờ về kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp bất động sản. Ngoài số ít các doanh nghiệp tiếp tục làm ăn lận đận thì hầu hết các doanh nghiệp đều gặt hái kết quả kinh doanh tăng trưởng rất mạnh so với cùng kỳ năm ngoái.

Trước hết phải kể đến Công ty CP Phát triển Nhà Thủ Đức (TDH). Quý 3/2017, TDH đạt doanh thu hợp nhất 729,1 tỷ đồng, tăng 118% so với cùng kỳ năm 2016. Lợi nhuận sau thuế của riêng công ty mẹ đạt 40,8 tỷ đồng, tăng 454% so với cùng kỳ năm 2016. Lũy kế 9 tháng đầu năm 2017, doanh thu thuần bán hàng và cung cấp dịch vụ của nhóm công ty đạt 1.483 tỷ đồng, tăng 99,5% so với cùng kỳ năm 2016. Lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ đạt 126 tỷ đồng, tăng 84,2% so với cùng kỳ năm 2016, đạt 98,5% kế hoạch năm 2017 (130 tỷ đồng).

Công ty CP Dịch vụ và Xây dựng Địa ốc Đất Xanh (DXG) cũng gây bất ngờ với kết quả kinh doanh quý 3 đạt 797 tỷ đồng doanh thu, tăng 3,4 lần so với kỳ năm trước. Trong đó, doanh thu từ bán căn hộ tăng 5 lần lên 241 tỷ đồng, doanh thu môi giới bất động sản tăng hơn 3 lần lên 512 tỷ đồng. Lợi nhuận quý 3 đạt 398 tỷ đồng, tăng 47 lần so với quý 3/2016. Trong đó, lợi nhuận của công ty mẹ là 257 tỷ đồng. Nếu biết rằng quý 3 năm ngoái DXG lỗ 5 tỷ đồng thì đây là con số cực kỳ ấn tượng của doanh nghiệp này. Lũy kế 9 tháng đầu năm, Đất Xanh đạt 669 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng 3,85 lần so với cùng kỳ năm trước. Với mục tiêu cả năm lãi 700 tỷ đồng thì DXG đã hoàn thành đến 95% kế hoạch.

Ấn tượng mạnh còn đến từ con số tăng trưởng 2.204% của Công ty CP Tập đoàn Novaland (NVL) khi quý 3 năm ngoái lợi nhuận sau thuế hợp nhất chỉ là 21,8 tỷ đồng thì năm nay đã vọt lên 502 tỷ đồng. Theo giải trình của NVL thì kết quả này là do số lượng bàn giao các sản phẩm bất động sản cao hơn so với cùng kỳ năm 2016. Lũy kế 9 tháng đầu năm 2017, NVL đạt doanh thu 5.737 tỉ đồng và lãi ròng 1.322 tỉ đồng.

Theo thống kê của Thương Gia, từ đầu năm đến nay có đến trên 80% mã cổ phiếu bất động sản tăng giá.

Quý 3/2017, “ông lớn” Vingroup (VIC) công bố đạt doanh thu đạt xấp xỉ 22.000 tỷ đồng, tăng trưởng gấp đôi so với cùng kỳ năm 2016. Đây là quý có doanh thu cao thứ 2 trong lịch sử của Vingroup sau mức kỷ lục 23.900 tỷ của quý 4/2016. Trong đó, mảng bất động sản vẫn đóng góp chính với 14.388 tỷ đồng vào tổng doanh thu, chiếm tỷ trọng 65%. Lợi nhuận sau thuế riêng quý 3 đạt gần 903 tỷ đồng, gấp 4 lần cùng kỳ năm 2016. Luỹ kế 9 tháng đầu năm, Vingroup đạt 57.166 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 65% so với mức 34.655 tỷ đồng của cùng kỳ. Lợi nhuận trước thuế tăng 8% lên 4.928 tỷ đồng.

Bất ngờ nhất là mức doanh thu hợp nhất của Công ty CP Đầu tư Năm Bảy Bảy (NBB) tăng đến 5.265% từ mức gần 10 tỷ đồng của quý 3 năm ngoái lên 531 tỷ. Lợi nhuận cũng tăng 8.329%, từ vỏn vẹn 119 triệu đồng của năm ngoái lên hơn 10 tỷ đồng. Lũy kế 9 tháng, NBB đạt doanh thu thuần đạt 806,4 tỷ đồng, tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước chỉ đạt gần 31 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế 55,8 tỷ đồng, so với cùng kỳ năm trước chỉ đạt 1,4 tỷ đồng. NBB cho biết: Sở dĩ doanh thu và lợi nhuận sau thuế tăng mạnh là do ghi nhận doanh thu từ kinh doanh căn hộ dự án Citygate. Trong quý 4/2017, công ty tiếp tục ghi nhận phần lớn doanh thu từ dự án này và ước tính lợi nhuận sau thuế sẽ đạt chỉ tiêu kế hoạch năm.

Ăn nên làm ra nhờ “nghề tay trái”

Ghi nhận mức tăng trưởng lợi nhuận ấn tượng trong quý 3/2017 còn có hàng loạt các tên tuổi khác như: Công ty CP Quốc Cường Gia Lai (QCG), Công ty CP Đầu tư LDG (LDG), Công ty CP Đầu tư Căn Nhà Mơ Ước (DRH), Công ty CP Đầu tư Nam Long (NLG)…

Ngoài hoạt động kinh doanh chính là bất động sản thì hoạt động đầu tư tài chính và các hoạt động khác cũng mang lại doanh thu và lợi nhuận lớn cho các doanh nghiệp này.

Đơn cử với LDG, quý 3/2017, công bố lợi nhuận sau thuế đạt 50,3 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái lỗ 20,7 tỷ đồng nguyên nhân là do công ty ghi nhận khoản lợi nhuận khác 46,3 tỷ đồng, chủ yếu là khoản thanh lý đầu tư dài hạn. Hay như DRH, một doanh nghiệp đang triển khai đầu tư hàng loạt các dự án bất động sản tại TP.HCM, Bình Dương… cũng ghi nhận lợi nhuận 3 quý năm 2017 ở mức 53,3 tỷ đồng, tăng gần 200% so với mức 17,8 tỷ đồng cùng kỳ năm 2016, chủ yếu nhờ hoạt động tài chính.

Một trường hợp khác là QCG. "Đại gia phố núi" công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 3/2017 với doanh thu thuần gần 118 tỷ đồng, giảm mạnh 80% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, giá vốn hàng bán giảm mạnh hơn tốc độ giảm doanh thu, giúp lãi gộp QCG quý 3 đạt 12,1 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước lỗ hơn 21 tỷ đồng. Một điểm đáng chú ý, trong quý 3, QCG đã ghi nhận doanh thu tài chính đột biến, lên tới 201,4 tỷ đồng, chủ yếu nhờ thanh lý các khoản đầu tư (Quý 3/2016, doanh thu tài chính là 31,6 tỷ đồng). Nhờ tiết giảm chi phí tài chính, chi phí bán hàng nên lợi nhuận quý 3/2017 của doanh nghiệp này tăng mạnh lên 165 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ 5,2 tỷ đồng. Lũy kế 9 tháng đầu năm, QCG ghi nhận 489,9 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng hơn 12 lần so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế 9 tháng đạt 394,2 tỷ đồng.

Theo nhận định của các chuyên gia, việc tăng doanh thu, lợi nhuận đột biến của các doanh nghiệp bất động sản là hết sức bình thường. Điều này đến từ đặc thù của ngành bất động sản là chỉ được ghi nhận doanh thu khi bất động sản đã hoàn thành toàn bộ và bàn giao cho người mua.

Kỳ vọng cổ phiếu bất động sản

Thị trường bất động sản những tháng cuối năm 2017 và năm 2018 dự báo sẽ tiếp tục giữ được sự ổn định.

Thị trường chứng khoán Việt Nam từ đầu năm đến nay đã chứng kiến mức tăng trưởng cực kỳ ấn tượng, hơn 30%, trở thành thị trường chứng khoán có tốc độ phát triển nhanh nhất về quy mô và thanh khoản trong khu vực ASEAN và Đông Á.

Theo ông Phạm Hồng Sơn, Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, hiện nay, mức vốn hóa thị trường với cổ phiếu là 64% GDP, trái phiếu khoảng 40%, như vậy, tổng mức vốn hóa thị trường của cả cổ phiếu và trái phiếu là trên 100%. Đó là một mức khá lớn nếu so với vài năm trước đây.

Nếu vào thời điểm 2006, tính cả 2 Sở Giao dịch chứng khoán chỉ có 192 doanh nghiệp niêm yết/đăng ký giao dịch và có duy nhất 01 doanh nghiệp có giá trị vốn hóa trên 1 tỷ USD thì cho đến nay trên thị trường đã có trên 700 doanh nghiệp niêm yết, 640 doanh nghiệp đăng ký giao dịch, trong đó có 23 doanh nghiệp có giá trị vốn hóa trên 1 tỷ USD.

Đóng góp vào tăng trưởng chung của thị trường có nhóm cổ phiếu bất động sản. Theo thống kê của Thương Gia, từ đầu năm đến nay có đến trên 80% mã cổ phiếu bất động sản tăng giá. Từ phiên giao dịch đầu tiên của năm (ngày 3/01/2017) đến ngày 15/11/2017, một số mã cổ phiếu bất động sản đã tăng giá trên 300% như: Mã KAC của Công ty CP Đầu tư Địa ốc Khang An tăng 316%, từ 4.280 đồng lên 17.800 đồng; Mã QCG của Công ty CP Quốc Cường Gia Lai tăng 304%, từ 3.540 đồng lên 14.300 đồng… Tỷ lệ tăng trên 200% có mã LDG của Công ty CP Đầu tư LDG khi tăng từ 5.650 đồng lên 17.800 đồng/cp… Cổ phiếu PDR của Công ty CP Phát triển Bất động sản Phát Đạt cũng tăng 161%, từ 13.000 đồng lên 33.900 đồng/cổ phiếu. Các cổ phiếu có tỷ lệ tăng giá từ 50% đến hơn 100% tương đối phổ biến trên cả hai sàn.

Bên cạnh việc tăng giá tính từ thời điểm từ đầu năm đến nay, cổ phiếu bất động sản cũng đón nhận những đợt “sóng” tăng giá đột biến, trong đó điển hình là QCG. Trong phiên giao dịch 22/6, cổ phiếu QCG có thời điểm đã vượt qua ngưỡng “3.x” lên 30.300 đồng.

Từ phiên giao dịch đầu tiên của năm (ngày 3/01/2017) đến ngày 15/11/2017, một số mã cổ phiếu bất động sản đã tăng giá trên 300% như: Mã KAC của Công ty CP Đầu tư Địa ốc Khang An tăng 316%, từ 4.280 đồng lên 17.800 đồng; Mã QCG của Công ty CP Quốc Cường Gia Lai tăng 304%, từ 3.540 đồng lên 14.300 đồng… Tỷ lệ tăng trên 200% có mã LDG của Công ty CP Đầu tư LDG khi tăng từ 5.650 đồng lên 17.800 đồng/cp… Cổ phiếu PDR của Công ty CP Phát triển Bất động sản Phát Đạt cũng tăng 161%, từ 13.000 đồng lên 33.900 đồng/cổ phiếu. Các cổ phiếu có tỷ lệ tăng giá từ 50% đến hơn 100% tương đối phổ biến trên cả hai sàn.

Đây là con số bình thường với không ít cổ phiếu trên sàn nhưng với QCG lại là một diễn biến khá bất thường vì trước đó khoảng 3 tháng, cổ phiếu QCG chỉ quanh ngưỡng 4.300 đồng. Lý do của đợt tăng giá bất thường này chính là thông tin về việc Quốc Cường Gia Lai đang trong quá trình đàm phán chuyển nhượng dự án Phước Kiển cho một công ty khác. Nhiều nhà đầu tư kỳ vọng, khi chuyển nhượng thành công, dòng tiền về sẽ giúp Quốc Cường Gia Lai thực hiện một cuộc tái cơ cấu và lấy lại hào quang năm xưa.

Tuy nhiên, khi thông tin chuyển nhượng chưa được xác thực trong đại hội cổ đông ngày 29/6 thì cổ phiếu QCG đã lao dốc, hiện đang giao dịch ở khoảng giá 14.000 đồng. Nhà đầu tư nếu “vào” cổ phiếu QCG ở mức giá đỉnh thì tài khoản đã “bốc hơi” trên 50% giá trị.

Diễn biến trái chiều và đầy bất ngờ của nhóm cổ phiếu bất động sản tạo nên một cuộc chơi thú vị đối với các nhà đầu tư yêu thích cổ phiếu ngành này. Thị trường bất động sản những tháng cuối năm 2017 và năm 2018 dự báo sẽ tiếp tục giữ được sự ổn định. Riêng quý 4/2017, thường là quý mà các doanh nghiệp bất động sản đạt được mức tăng trưởng cao cả về doanh thu và lợi nhuận, vì thế, các nhà đầu tư hoàn toàn có thể kỳ vọng vào một sự bứt phá mạnh mẽ hơn nữa của các cổ phiếu bất động sản.

Tuy nhiên, thị trường luôn có sự phân hóa mạnh mẽ nên việc “chọn mặt gửi vàng” vào cổ phiếu nào luôn cần đến sự hiểu biết thấu đáo của các nhà đầu tư. Những doanh nghiệp tìm đúng hướng đi, chiến lược phát triển thì chắc chắn sẽ được nhà đầu tư chọn lựa.

HỘI THẢO "TIỀM NĂNG VÀ CƠ HỘI ĐẦU TƯ CỔ PHIẾU BẤT ĐỘNG SẢN"

Có thể bạn quan tâm

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trả lời chất vấn trước Quốc hội

Chính phủ đề xuất tái khởi động dự án điện hạt nhân

Để đảm bảo nguồn điện cung ứng trước mắt và lâu dài, Chính phủ đã áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó có việc thực hiện đề xuất cấp có thẩm quyền tái khởi động dự án điện hạt nhân, phát triển mạnh điện gió ngoài khơi...

Toàn cảnh bức tranh kinh tế 10 tháng năm 2024 qua các con số

Toàn cảnh bức tranh kinh tế 10 tháng năm 2024 qua các con số

Trong 10 tháng năm 2024, kinh tế Việt Nam đạt kết quả tích cực trong nhiều lĩnh vực như: Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tăng 11,8% (so với cùng kỳ năm 2023); Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp tăng ổn định; Số doanh nghiệp thành lập mới “hồi sinh”...