Ngân hàng lục tục mua lại nợ xấu
Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2017 mới đây, ông Hàn Ngọc Vũ, Tổng giám đốc VIB đã chia sẻ với cổ đông thông tin tỷ lệ nợ xấu năm 2016 của Ngân hàng này là 2,58%, tăng so với năm 2015. Tỷ lệ nợ xấu tăng trong năm 2016, theo ông Vũ, là do Ngân hàng chủ động mua lại một số khoản nợ đã bán cho VAMC để thúc đẩy quá trình xử lý nợ khi nhận thấy tình hình kiểm soát nợ đã tốt hơn giai đoạn trước.
Trong năm qua, VIB đã thực hiện nhiều biện pháp để nâng cao chất lượng tín dụng, kiểm soát chặt chẽ chất lượng tín dụng mới phát sinh, hoàn thiện và nâng cao năng lực của hệ thống cảnh báo sớm rủi ro tín dụng, hệ thống nhận diện rủi ro tín dụng. Đồng thời với việc thực hiện các biện pháp quản trị chất lượng tín dụng, VIB cũng tập trung xử lý các khoản nợ xấu đã phát sinh trước đó.
“Tỷ lệ nợ xấu của VIB đã giảm từ 2,07% thời điểm cuối năm 2015 xuống còn 1,49% thời điểm 31/12/2016, nếu không tính đến việc mua lại nợ từ VAMC”, ông Vũ cho biết.
Trao đổi bên lề Đại hội đồng cổ đông VIB, ông Vũ cho biết, kế hoạch của VIB là từ nay đến giữa năm 2018 sẽ mua lại toàn bộ nợ xấu đã bán cho VAMC. Năm 2016, VIB đã mua lại 1.336 tỷ đồng nợ xấu và dự kiến năm 2017 sẽ mua tiếp khoảng 1.000 tỷ đồng.
“Kể cả khi mang món nợ xấu từ VAMC về, toàn bộ nợ xấu, của VIB vẫn dưới 3% theo quy định cuả Ngân hàng Nhà nước”, Tổng giám đốc VIB nói.
Trước đó, tại Hội nghị tổng kết hoạt động kinh doanh năm 2016 của Vietinbank, Chủ tịch Hội đồng quản trị Nguyễn Văn Thắng cho biết, trong năm 2017, Ngân hàng sẽ mua lại toàn bộ khoản nợ đã bán cho VAMC bằng nguồn lực của Ngân hàng. Nhờ những giải pháp quyết liệt và đồng bộ trong kiểm soát chất lượng nợ, đẩy mạnh xử lý nợ xấu, đến cuối năm 2016, tỷ lệ nợ xấu của Vietinbank về dưới 1% tổng dư nợ.
Cuối năm 2016, thị trường tài chính cũng đón nhận thông tin Vietcombank mua lại toàn bộ 4.300 tỷ đồng nợ xấu từ VAMC, vượt 3 năm so với kế hoạch đề ra. Chủ tịch Hội đồng quản trị Vietcombank Nghiêm Xuân Thành cho biết, Vietcombank sẽ tự xử lý số nợ xấu này bằng nguồn trích lập dự phòng rủi ro. Khi nợ xấu được thu hồi sẽ góp phần nâng cao năng lực tài chính cho Ngân hàng. Từ đó, Vietcombank sẽ có điều kiện tiếp tục giảm lãi suất cho vay đối với các doanh nghiệp và cá nhân có nhu cầu vay vốn.
Khó kỳ vọng nhiều hơn vào VAMC
Trước hiện tượng các ngân hàng chủ động mua lại nợ xấu của mình từ VAMC, nhiều chuyên gia cùng chung nhận định, đây là tín hiệu tốt cho thấy hoạt động kinh doanh của các nhà băng đã có những tín hiệu khả quan hơn.
Tuy nhiên, dưới góc nhìn thận trọng, Tổng giám đốc Hàn Ngọc Vũ cho biết, không phải là ngân hàng nào cũng có thể mua về nợ xấu dù rất muốn, bởi để làm được điều này, họ phải có có đủ tiềm lực tài chính và tỷ lệ nợ xấu phải thấp để đảm bảo sau khi mua lại nợ, tỷ lệ nợ xấu vẫn dưới 3% theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.
“Sẽ có những ngân hàng gặp phải giới hạn do tỷ lệ nợ xấu tại ngân hàng đã quá cao hoặc không có đủ lợi nhuận để trích lập dự phòng, nên vẫn phải tiếp tục để nợ xấu tại VAMC”, ông Vũ nói.
Tổng giám đốc một ngân hàng thương mại cổ phần cho biết: “Các ngân hàng thực tế cũng đã xác định VAMC như “bến đỗ” nợ xấu và các ngân hàng lần hồi cùng thời gian phải chủ động xử lý nợ xấu của mình”.
Số liệu cập nhất nhất về tình hình mua bán và xử lý nợ xấu của VAMC, được công bố vào thời điểm cuối tháng 10/2016, cũng cho thấy sự chủ động của các ngân hàng trong xử lý nợ xấu. Cụ thể, theo người đứng đầu của VAMC thời điểm đó, tính từ năm 2013 đến tháng 10/2016, VAMC đã mua được 25.062 khoản nợ tại 42 tổ chức tín dụng, với tổng dư nợ gốc 262.054 tỷ đồng, giá mua nợ là 227.848 tỷ đồng.
Tốc độ thu hồi nợ so với tổng dư nợ đã mua còn hạn chế, song tỷ lệ khách hàng tự trả nợ chiếm tới 70%, còn lại 30% là bán nợ, bán tài sản đảm bảo. Đối với công tác thu hồi nợ, VAMC đã phối hợp với các tổ chức tín dụng tổ chức thu hồi 37.983 tỷ đồng dưới nhiều hình thức, đạt tỷ lệ 15% dư nợ gốc nội bảng.
Ts. Vũ Đình Ánh, chuyên gia kinh tế cho rằng, ngoài rào cản về nguồn lực tài chính để mua và xử lý nợ xấu thì những quy định pháp lý chưa phù hợp với thực tiễn cũng khiến cho VAMC lúng túng, không thể đẩy nhanh tiến trình xử lý nợ xấu đã mua.
Chính vì vậy, cần sớm hoàn thiện cơ sở pháp lý liên quan đến hoạt động của VAMC nói chung, đến hoạt động mua bán và xử lý nợ xấu của VAMC nói riêng, cụ thể là sửa đổi Thông tư 19/2013/TT-NHNN phù hợp với Nghị định 34/2015/NĐ-CP quy định sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định 53/2013/NĐ-CP về thành lập, tổ chức và hoạt động của VAMC.
Trong đó, quan trọng nhất là hợp lý hóa quy trình thủ tục xử lý tài sản đảm bảo, tài sản thế chấp liên quan đến những khoản nợ xấu mà tổ chức tín dụng đã bán cho VAMC, kể cả quy trình thủ tục khởi kiện và thi hành án dân sự trong lĩnh vực tín dụng ngân hàng.
Rõ ràng, muốn xử lý nợ xấu nhanh, dứt điểm và hiệu quả thì không thể chỉ trông chờ vào nỗ lực của riêng ngành ngân hàng, mà còn cần sự tham gia tích cực của các tổ chức, đơn vị có liên quan, từ hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, quy trình thủ tục đến thực thi pháp luật liên quan đến tín dụng ngân hàng, đặc biệt là liên quan đến xử lý tài sản đảm bảo, tài sản thế chấp.
“Đến lượt mình, VAMC cần nâng cao vai trò thông qua cơ cấu lại công ty, tăng vốn điều lệ, mở rộng và tăng khả năng hoạt động để có thể hỗ trợ các tổ chức tín dụng mua bán nợ theo nguyên tắc thị trường”, TS. Ánh nói.
Ông Vũ cho biết, tốc độ xử lý nợ xấu hàng năm của VIB rất tốt, đặc biệt là bán nợ xấu. Tuy vậy, hiện vẫn có những vướng mắc nhất định trong việc bán nợ xấu cho người mua là người nước ngoài. Khi người nước ngoài quyết định mua nợ xấu nghĩa là họ có góc nhìn chuyên nghiệp, thấy chất lượng nợ xấu tính tới tài sản đảm bảo và độ minh bạch có thể kiểm tra được liệu có thể thu hồi được đến đâu nên mới quyết định mua.
“Nhiều người nước ngoài quan tâm đến món nợ xấu của VIB từ lâu, các điều kiện thương mại đã được thoả thuận, chỉ vướng ở khâu pháp lý nếu giải quyết được từ trước thì mức độ xử lý nợ xấu của VIB còn nhiều hơn, nhanh hơn hiện nay”, ông Vũ khẳng định.
Theo Nhuệ Mẫn/ ĐTCK
>> Lãi khủng, vì sao Vietcombank vẫn “xén” cổ tức?