"Muốn đi xa, hãy đi cùng nhau"

Sau rất nhiều nỗ lực để đưa 17 mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc đến với cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, giờ đây, đã có được một hệ sinh thái doanh nghiệp phát triển bền vững (PTBV).
"Muốn đi xa, hãy đi cùng nhau"

Với ông Nguyễn Quang Vinh, Tổng thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Phó chủ tịch Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam (VBCSD), năm 2018 trở thành một năm đáng nhớ. Sau rất nhiều nỗ lực để đưa 17 mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc đến với cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, giờ đây, đã có được một hệ sinh thái doanh nghiệp phát triển bền vững (PTBV). Những nhận thức ngày nào còn vô cùng mới mẻ, đã được hiện thực hóa bằng những chiến lược hành động, những bước đi cụ thế.

Đổi mới là không bao giờ cho phép mình dừng lại

Hẹn gặp ông Nguyễn Quang Vinh ngay sau sự kiện lớn nhất trong năm của VBCSD – Lễ công bố Doanh nghiệp bền vững tại Việt Nam năm 2018, đã lại thấy ông bận rộn với những kế hoạch, chương trình hoạt động liên quan đến 17 mục tiêu PTBV. Có vẻ như ông không cho phép mình được xả hơi dù tiếng vang của Lễ công bố năm nay vẫn còn đó.

Năm 2018, chương trình đánh giá, công bố Doanh nghiệp bền vững bước sang năm thứ ba, vì sao ban tổ chức lại đưa ra khá nhiều đổi mới trong phương thức xét chọn, công bố, thưa ông?

Được triển khai theo chỉ đạo của Chính phủ, đây là một trong những Chương trình mà VCCI dành rất nhiều tâm huyết và có sự đầu tư chuẩn bị công phu cho từng năm. Điều này được thể hiện trong những nỗ lực mang Bộ chỉ số Doanh nghiệp bền vững CSI đến gần hơn với cộng đồng DN. Mặc dù hai mùa trước cũng đã thành công rồi, nhưng chúng tôi không thể bằng lòng với kết quả bước đầu đó.

Chúng tôi luôn phải nhắc nhở với nhau rằng, cần phải nghiên cứu đưa ra được cách làm nào là tốt nhất, phù hợp nhất đối với cộng đồng DN. Do đó, Bộ chỉ số của năm 2018 được tiếp tục được điều chỉnh theo hướng dễ hiểu hơn, phù hợp với pháp luật Việt Nam và thông lệ quốc tế, đặc biệt là tiệm cận với bộ tiêu chuẩn lập báo cáo bền vững của Tổ chức Sáng kiến báo cáo toàn cầu (GRI).

Điều đáng nói, chúng ta đã xác lập được một “mức chuẩn về phát triển bền vững”. Trong mỗi lĩnh vực kinh tế, xã hội và môi trường mà Bộ chỉ số đề cập, đều được chia ra thành tiêu chí cơ bản (mức chuẩn) và nâng cao. Ví dụ nếu DN đáp ứng tiêu chí “DN có chiến lược phát triển” thì sẽ chỉ đạt mức cơ bản, trong khi đó mức nâng cao sẽ yêu cầu DN có “chiến lược gắn kết với 17 Mục tiêu PTBV của Liên hợp quốc”.

Đây cũng là cách Bộ chỉ số CSI giúp hoạch định một lộ trình cho các DN VN, đặc biệt là DN vừa và nhỏ, khi bắt đầu tiếp cận với khái niệm PTBV sẽ hình dung ra được công việc cần thực hiện để đảm bảo DN phát triển bền vững. Bên cạnh việc cập nhật Bộ chỉ số, VBCSD cũng tổ chức các khóa đào tạo cho cộng đồng DN về lập báo cáo bền vững, áp dụng Bộ chỉ số CSI trong hoạt động quản trị DN và đã nhận được những phản hồi rất tích cực từ cộng đồng DN.

Thưa ông, những đổi mới này được cộng đồng DN đón nhận như thế nào?

Rất tích cực (cười). Các DN đánh giá cao ý tưởng đổi mới của ban tổ chức, và thực tế cho thấy, năm nay đã thu hút được khoảng 500 DN quy mô khác nhau trong lĩnh vực sản xuất và dịch vụ, thương mại trên toàn quốc nộp hồ sơ, trong đó có rất nhiều DN mới và nhiều DN đã tham gia ba năm liên tiếp.

Theo đánh giá của Ban xét duyệt, chất lượng hồ sơ năm nay khá tốt dù các DN mới tham gia lần đầu còn đôi chút bỡ ngỡ, và mức độ tuân thủ pháp luật của các DN cũng được nhận xét tốt khi mà có ít trường hợp DN bị loại sau khi BTC tham vấn ý kiến của các cơ quan chức năng. Ngoài ra, năm nay, các DN đã giảm thiểu việc nộp hồ sơ bản cứng, thay vào đó là sử dụng phần mềm trực tuyến nhờ đó, việc đánh giá các hồ sơ thuận lợi hơn.

Điều gì khiến ông tâm đắc nhất sau ba năm thực hiện Chương trình này?

Câu hỏi của bạn đưa tôi quay trở lại những ngày đầu của câu chuyện đó. Bộ chỉ số CSI và Chương trình đã được VCCI, VBCSD giới thiệu và triển khai từ năm 2016, tức là ngay sau khi Chương trình nghị sự 2030 với trọng tâm là 17 Mục tiêu PTBV được thông qua vào năm 2015. VCCI vốn đã nhận thức rất sớm và rõ rằng DN sẽ là một đối tác quan trọng trong việc hiện thực hóa các Mục tiêu PTBV, cũng như hành trình 15 năm cho đến đích 2030 không hề dài, do đó chúng tôi đã ngay lập tức bắt tay vào hành động để đưa các Mục tiêu toàn cầu đi vào đời sống DN.

Chương trình hướng đến việc khuyến khích, động viên cộng đồng DN thực hiện PTBV, biến PTBV trở thành một làn sóng, một phong trào rồi dần dần trở thành “bầu không khí” của DN. Và rõ ràng chúng ta không thể chỉ “hô hào”, mà cần cụ thể hóa thành “đường đi nước bước” cho DN. Đó chính là lí do VCCI cùng với các chuyên gia trong nước, quốc tế dày công xây dựng Bộ chỉ số CSI.

Trong 3 năm qua, tác động rõ nét nhất của Chương trình chính là một “cú hích” giúp nâng cao nhận thức, khuyến khích cộng đồng DN nước nhà hướng đến thực hiện PTBV mạnh mẽ hơn nữa.

Tôi có một chút thắc mắc, vì sao ông lại dùng hình ảnh “bầu không khí” của DN khi nói về Chương trình, tại sao một bộ chỉ số lại có thể trở thành điều không thể thiếu được đối với một DN?

Câu trả lời rất đơn giản, vì những DN tham gia Chương trình dù không được nằm trong Bảng xếp hạng DN bền vững thì cũng đã được tiếp cận và áp dụng Bộ chỉ số CSI, qua đó có được sự đánh giá tổng quan về sức khỏe của DN dựa trên các tiêu chí kinh tế-xã hội-môi trường rất cụ thể của Bộ chỉ số CSI. Nếu được vinh danh, DN nhận được sự ghi nhận từ Chính phủ, các cơ quan quản lý, nhà đầu tư và khách hàng; giúp nâng cao uy tín và thu hút tốt hơn nguồn vốn đầu tư cho DN.
Việc Bộ chỉ số và Chương trình được đưa vào nội dung Nghị quyết 19 chính là minh chứng rõ ràng nhất cho sự đánh giá cao của Chính phủ đối với sức lan tỏa của Chương trình.

“Thay đổi và hợp tác”

Đây chính là thông điệp xúc tích mà ông Nguyễn Quang Vinh muốn gửi đến cộng đồng DN. Khi nền kinh tế Việt Nam đã là một miếng ghép trong bức tranh chung của nền kinh tế thế giới, DN chỉ có một con đường, nâng mình lên để đáp ứng được tiêu chuẩn mà thế giới đặt ra. Và tiêu chuẩn đó giờ đây không có gì khác ngoài “phát triển bền vững”, bởi đó là những gì mà Chính phủ, các cơ quan quản lý, khách hàng và nhà đầu tư quan tâm.

Tôi xin được tách thông điệp của ông thành hai phần. Để thay đổi tư duy kinh doanh theo định hướng PTBV, các DN Việt sẽ cần phải hành động như thế nào, thưa ông?

Trước hết, DN Việt cần hiểu rằng, PTBV không phải là gánh nặng cho DN, mà là cơ hội kinh doanh trị giá hàng chục nghìn tỉ đô, là hàng trăm triệu việc làm sẽ được tạo mới. Sự thay đổi đến chóng mặt của những thành tựu khoa học công nghệ đã khiến cho việc kinh doanh không thể theo cách như trước nữa. Cơ hội kinh doanh đang được mở rộng đến với những DN dám sáng tạo, dám tìm kiếm những địa hạt mới, nơi mà việc làm giàu cho DN không đi ngược, hay xâm hại lại môi trường, trái lại giúp bảo vệ môi trường.

Tôi muốn nói đến nền kinh tế tuần hoàn, điều này hiện còn mới mẻ với đa số DN Việt, nhưng đã là xu thế tất yếu vì có tiềm năng to lớn đối với tăng trưởng kinh tế toàn cầu và sẽ đưa xã hội tiến nhanh tới tương lai bền vững. Kinh tế tuần hoàn (KTTH) không chỉ mang lại cơ hội trị giá 4,5 nghìn tỷ USD, mà quan trọng hơn, nó mang lại cái nhìn mới về mối quan hệ giữa thị trường, khách hàng và tài nguyên thiên nhiên. KTTH thúc đẩy các mô hình kinh doanh sáng tạo mới, các công nghệ đột phá nhằm thay đổi mô hình kinh tế tuyến tính. Nhờ đó, DN có thể thu được những lợi ích đáng kể như tăng trưởng cao hơn; sáng tạo và lợi thế cạnh tranh; cắt giảm chi phí; giảm tiêu thụ năng lượng và lượng khí thải CO2; tăng cường chuỗi cung ứng và bảo tồn tài nguyên…

Có một thực tế là ngay tại Việt Nam, trong khi các DN có vốn đầu tư nước ngoài đã tiên phong trong triển khai KTTH thì với đa số DN trong nước vẫn còn đứng ngoài cuộc, vì sao vậy, thưa ông?

Tôi cũng muốn chuyển câu hỏi đó đến chính những thương hiệu Việt như Vinamilk, Viettel, các nhà máy điện, khai thác khoáng sản… Dĩ nhiên, đây là vấn đề mới, cần phải có thời gian, nhưng tôi lưu ý rằng, sự lãnh đạo mạnh mẽ, có tầm nhìn của CEO đóng vai trò rất quan trọng trong thực hiện KTTH, cũng như giúp đạt được mức tăng trưởng kinh tế bền vững mới. Và để hỗ trợ cho sự chuyển mình của các DN, VCCI và VBCSD đã tiên phong thành lập Chương trình Hỗ trợ DN Triển khai Nền KTTH tại Việt Nam vào tháng 1/2018.

Chúng tôi cũng đã khởi động với những kế hoạch truyền thông và đưa ra các dự án như sáng kiến “Không xả thải vào thiên nhiên – ZERO WASTE TO NATURE” và dự án “Xây dựng thị trường vật liệu thứ cấp tại Việt Nam” để tạo nên những cơ sở thuyết phục trong thực tế. Dẫu vậy, DN chỉ có thể phát triển KTTH khi nhận được sự hậu thuẫn từ chính cơ chế chính sách hợp lý. Đã đến lúc quản lý nhà nước cũng cần đặt ra mục tiêu kiến tạo môi trường kinh doanh bằng cách đón đầu những xu thế phát triển thông qua việc nâng cao năng lực xây dựng chính sách.

Còn vế “hợp tác”, phải chăng đây là phương thức hiệu quả để triển khai các hoạt động thúc đẩy PTBV, nâng cao năng lực cạnh tranh cho DN và rộng hơn là nền kinh tế?

Không phải ngẫu nhiên mà trong số 17 Mục tiêu PTBV, mục tiêu cuối cùng nhưng đặc biệt quan trọng lại là “thúc đẩy hợp tác”, bởi “muốn đi nhanh thì đi một mình, muốn đi xa hãy đi cùng nhau”. Việt Nam hoàn toàn có thể phát triển kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh nếu có sự tham gia sâu hơn của khu vực tư nhân cùng với khu vực nhà nước để thực hiện đầu tư và vận hành các cơ sở hạ tầng cũng như đầu tư phát triển các ngành công nghiệp then chốt. Đó cũng là lí do vì sao VBCSD triển khai hàng loạt chương trình, sáng kiến trên cơ sở hợp tác công – tư.

Chúng tôi khuyến khích các DN hãy tích cực và chủ động tìm kiếm các cơ hội hợp tác cùng các đối tác để có thể tận dụng được những nguồn lực, sức mạnh của nhau, qua đó có thể rút ngắn lộ trình thực hiện PTBV của chính DN. Để góp phần thúc đẩy quá trình này, VCCI đã kiến nghị Chính phủ sớm ban hành Luật về Đối tác công tư (PPP), từ đó hoàn thiện khung pháp lý và thể chế chính sách về đầu tư theo hình thức PPP – mỗi lĩnh vực cụ thể cần có thông tư hướng dẫn chi tiết cụ thể hơn về đặc thù của lĩnh vực đó.

Xin cảm ơn ông!

Có thể bạn quan tâm

TS. Nguyễn Sĩ Dũng

"Khoán 10" của thế kỷ 21 và hơn thế nữa

Nghị quyết 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị "Về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia" có thể được ví như "Kkhoán 10" của thế kỷ 21, khi nó đặt nền móng cho một kỷ nguyên phát triển mới, chuyển mình mạnh mẽ của dân tộc Việt Nam...

Chủ tịch VACOD-HBA Nguyễn Hồng Sơn: Văn hóa trà gợi mở mối liên hệ với hoạt động kinh doanh

Chủ tịch VACOD-HBA Nguyễn Hồng Sơn: Văn hóa trà gợi mở mối liên hệ với hoạt động kinh doanh

TS. Nguyễn Hồng Sơn gợi mở nhiều suy nghĩ về mối liên hệ giữa văn hóa trà và hoạt động kinh doanh. Thưởng thức trà là một cách để con người ta kết nối, việc đưa văn hóa trà vào Bữa sáng Doanh nhân sẽ tạo ra một không gian giao lưu, góp phần thúc đẩy sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp…

Chính sách kiểm soát giá cả: Bài học thành công từ Pháp, Singapore và thất bại của Venezuela,Zimbabwe

Chính sách kiểm soát giá cả: Bài học thành công từ Pháp, Singapore và thất bại của Venezuela,Zimbabwe

Kiểm soát giá cả là một công cụ quan trọng trong chính sách công, giúp điều chỉnh và ổn định giá các mặt hàng thiết yếu như thực phẩm, năng lượng và dịch vụ công. Vai trò của nó không chỉ nằm ở việc ngăn chặn sự bất ổn của thị trường mà còn bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng...

Toàn cảnh bức tranh kinh tế quý 4 năm 2024 qua các con số

Toàn cảnh bức tranh kinh tế quý 4 năm 2024 qua các con số

Theo nhận định của Ngân hàng HSBC, năm 2024, Việt Nam có khả năng lấy lại danh hiệu "ngôi sao" với mức tăng trưởng GDP dự kiến lên đến 7% (cao nhất trong khu vực Đông Nam Á), qua đó khẳng định sự phục hồi và phát triển vượt bậc của nền kinh tế Việt Nam…