Muốn thành doanh nhân, cần làm việc 14 tiếng/ngày, 7 ngày/tuần, liên tục 10 năm

Đây là chia sẻ của nữ doanh nhân Thảo Vũ - nhà sáng lập (founder) của Trung tâm tiếng Nhật Mina.
Muốn thành doanh nhân, cần làm việc 14 tiếng/ngày, 7 ngày/tuần, liên tục 10 năm

Sinh ra và lớn lên ở nông thôn, Thảo đã có cơ hội biết thành thị thế nào sau khi vào đại học. Khi học đại học, Thảo thấy có rất nhiều người ban đêm đi bới rác để lượm lặt các thứ có thể bán đồng nát. Hình ảnh đó đã thôi thúc bạn làm điều gì đó để cho cuộc sống này tốt hơn. Câu trả lời là Giáo dục. Sau khi ra trường, bằng những trải nghiệm của bản thân Thảo quyết định mở một công ty về giáo dục với xuất phát ban đầu là Nhật ngữ. Thảo mong muốn mở một hệ thống trường học, sau Nhật ngữ này thành trường mầm non và tiếp tục phát triển lên.

doanh nhân, nuôi giấc mơ khởi nghiệp.

Bài này tôi viết và gửi tặng tới các em mong muốn làm Giám đốc ở tuổi 22. Đặc biệt là gửi tới những đứa em - người vẫn luôn dõi theo hoặc đồng hành bên tôi.

Tôi chọn tuổi 22 vì đó là lúc các bạn đã tốt nghiệp Đại học. Khi tốt nghiệp Đại học, có hai hướng chính mà các bạn sinh viên chọn: 1 là đi làm ở các công ty và 2 là tự mở công ty. Ở đây tôi xin nói đến tự mở công ty.

Tự mở công ty là bạn tự tạo công ăn việc làm cho mình. Sau khi bỏ ra gần 2 triệu làm việc với 1 công ty luật, bạn sẽ nhận được giấy phép kinh doanh với chức danh Giám đốc. Đó là công ty TNHH một thành viên, chủ sở hữu kiêm giám đốc kiêm tất cả các vị trí. Đã xong về tên Giám đốc.

Thông thường khi sản phẩm có thị trường, mọi thứ ổn định hơn thì mới đăng ký công ty và mới trở thành Giám đốc theo đúng nghĩa chứ không phải trên giấy tờ.

Hành trình làm Giám đốc bắt đầu…

Kiến thức nền tảng và ham muốn trở thành doanh nhân

Tôi vẫn nhớ, một ngày của năm 2010, tôi đã hỏi anh doanh nhân đi trước rằng "Làm thế nào để trở thành doanh nhân?". Anh đã trả lời thế này:

"Chào em, sách có rất nhiều, có mấy vần đề trọng tâm cần biết:

1. Macro, Micro Economy

2. Project Management

3. Business Plan

4. Marketing

5. ....

Để trở thành một doanh nhân, cần làm việc 12-14h/ngày, 7 ngày/tuần trong 10 năm liên tục.

Đó là điều quan trọng nhất.

Anh gửi em cuốn sách này của Napoleon Hills, nói về sự quyết tâm. Ebook tiếng Anh em có thể tìm thấy khá nhiều trên Internet"

Trải nghiệm và thực thi hết các ý tưởng bạn nghĩ ra, càng nhiều càng tốt

- Đó là các hội thảo chuyên đề: Marketing, nhân sự, tài chính, bán hàng...

- Đó là các hoạt động tình nguyện

- Đó là các công việc làm thêm

- Đó là các cuộc thi khởi nghiệp

- Đó là các cuộc gặp gỡ những người thành công

- Đó là tự mình kiếm tiền với những ý tưởng đơn giản: bán đĩa, bán sách...

1. Bán cái gì nhỉ?

Công ty chắc chắn cần có một sản phẩm, sản phẩm bắt nguồn từ ý tưởng của bạn trong quá trình sống và chọn lọc. Phần lớn, các bạn sẽ có ý tưởng na ná nhau: Mở quán cafe, mở trung tâm ngoại ngữ, mở quán ăn, mở cửa hàng bán quần áo, mở quán photocopy, mở cửa hàng bán sách, mở siêu thị, mở cửa hàng rau sạch, mở cửa hàng bán bánh, mở công ty về công nghệ (code, thiết kế, game, outsource…). Bất kỳ cái gì hứng thú bạn, hấp dẫn bạn, hãy bắt đầu làm.

Kinh nghiệm của tôi = Trải nghiệm + nhận định thị trường

Năm 2009, Thảo bắt đầu đi học tiếng Nhật, lúc đó đi học vì thích thú tiếng Nhật, thích nước Nhật và muốn tìm hiểu tại sao nước Nhật lại phát triển nhanh như vậy sau năm 1945.

Đi học được 1, 2 tuần thì đi tập quân sự nên đành bỏ dở tiếng Nhật. Sau đó, tập quân sự xong về thì lớp tiếng Nhật đó đã tan rã, cô giáo bảo hễ em tập hợp được khoảng 10 người thì cô sẽ dạy. Thế là bắt đầu dán tờ rơi, đăng tin rao vặt, rủ rê bạn bè, chia sẻ trên các diễn đàn ...

Cuối cùng cũng tập hợp được 10 bạn để học. Học liên tục trong 7 tháng thì lớp tan rã, cô giáo bảo mình chuyển sang tuyển các lớp khác cho cô dạy và cứ như vậy trong 2 năm, tôi có trải nghiệm và hiểu biết trong mảng đào tạo tiếng Nhật.

Nhận định thị trường: Các nước châu Âu đang sử dụng đồng tiền chung và tạo thành một khối thống nhất, người dân các nước Châu Âu có thể nói được hầu hết tiếng của nhau. Vậy châu Á thì sao? Chắc chắn cũng có điểm tương đồng, tiếng Anh thì quá phổ biến rồi nên chắc chắn người ta sẽ chọn học thêm 1 tiếng khác, và tiếng Nhật là sự lựa chọn sau tiếng Anh (Nhật đầu tư vào Việt Nam nhiều, người Nhật có nhiều cái tương đống với người Việt Nam, Nhật là 1 đất nước phát triển..).

Nhưng có một thực tế là rất nhiều sinh viên học ngoại ngữ không nói được thứ tiếng này? Lý do là không có môi trường thực hành và chủ động thực hành

Vì thế, thị trường có nhu cầu và tôi cần tạo ra một nơi để mọi người không ngại nói, nói tự nhiên. Tôi nghĩ đến quán cafe ngôn ngữ. Nên thành lập CLB tiếng Nhật vì thị trường vẫn còn hiếm. Tuy nhiên, vốn ở đâu? Tôi nên đi làm thuê để có tiền hay nên đi vay mượn?

Đó là những câu hỏi trong tôi, để cuối cùng tôi chọn đi làm thuê trước nhưng không hào hứng lắm nên cuối cùng quay về vay tiền và bắt đầu dốc toàn tâm, toàn ý cho nó: Dự án Tiếng nhật của tôi bắt đầu.

Kết luận: Sản phẩm bạn chọn nên là cái bạn hiểu rõ nhất và đã từng trải nghiệm về nó.

2. Bán như thế nào?

Tùy vào từng sản phẩm sẽ có cách bán khác nhau. Nhưng quan trọng, bạn cần là người hào hứng với sản phẩm của mình, bạn tự hào về giá trị của sản phẩm và không ngại chia sẻ điều tuyệt vời của sản phẩm cho những người khác. Khi chưa biết chắc chắn sản phẩm có được thị trường chấp nhận hay không, bạn nên mời bạn bè, những người quen biết dùng thử và xin cảm nhận, đánh giá của họ.

Kinh nghiệm của tôi:

Bước 1: Xác định nhóm khách hàng mục tiêu

Bước 2: Tìm hiểu về nhu cầu của họ

Bước 3: Các cách để tiếp cận tới họ

Bước 4: Tiếp cận

Tôi từng bước thực hiện dự án bằng cách mở các lớp tiếng Nhật với học phí vừa phải để thu hút sự quan tâm, lấy công làm lãi, làm blog chia sẻ tại sao mình làm dự án này, chia sẻ những trải nghiệm học tiếng Nhật, nhấn mạnh vào quyết tâm học để nói và dùng tiếng Nhật.

3. Hình thành nhóm quản lý

- Nhóm quản lý đầu tiên:

Phần lớn các ý tưởng sau khi có sản phẩm sẽ vẫn gọi là một dự án. Người trưởng dự án sẽ bắt đầu đi tìm những người đồng hành để phát triển dự án, bán nhiều sản phẩm hơn ra thị trường. Lúc này, người trưởng dự án sẽ được gọi là nhà sáng lập, những người vào đồng hành tùy từng dự án sẽ gọi là nhà đồng sáng lập.

Kinh nghiệm của tôi: Tìm những người tâm huyết với ý tưởng của mình, có cùng quan điểm sống và hết mình vì nó, cùng nhau làm việc, nhất mực tin tưởng nhau.

Một mình làm thì lâu, nên đầu tiên cần tìm một nhóm nòng cốt, dự án tiếng Nhật của tôi bắt đầu tuyển các bạn tình nguyện vào làm. Sau 3 tháng, thì lứa nhân sự đầu tiên cũng hình thành, tuy nhiên vì là 1 dự án đang phát triển nên tiền công không nhiều, trách nhiệm không nhiều, dẫn đến việc tất yếu là tan rã.

Lúc này, nếu người sáng lập không theo đến cùng thì dự án sẽ chết yểu ở đây.

Bài học: Bạn - Người chủ của ý tưởng sẽ là người chịu trách nhiệm đến cùng cho dù những người khác có ra đi.

- Nhóm quản lý thứ hai:

Tiếp tục theo đuổi ý tưởng, bạn tuyển thêm nhóm đồng hành thứ hai, lúc này vì bài học rút ra từ nhóm thứ nhất, bạn sẽ nâng tiền công lên và trách nhiệm lên, ý tưởng phát triển thành một hệ thống hoàn thiện và bắt đầu có lãi, rồi phình to ra.

Trong khi đó, bạn lại chưa chuẩn bị tinh thần để phân chia công việc cho mọi người khi mở rộng, bạn ôm đồm nhiều thứ và bắt đầu mất kiểm soát.

Ngoài ra, khi có lãi sẽ gặp phải một bài toán về chia lợi, những người làm cùng sẽ bắt đầu phân chia: Ở lại làm cùng hay ra mở riêng một cái khác? Nếu không thỏa thuận được về chia lãi, rất có thể nhóm sẽ tách ra mở một cái khác.

Bài học: Vẫn phải tìm được người phù hợp bằng cách sàng lọc theo thời gian, chuẩn bị tinh thần cho việc lớn mạnh của hệ thống.

- Nhóm quản lý thứ ba:

Lúc này, mọi khó khăn về thị trường đã tạm ổn, bạn có một lượng khách hàng ổn định, và bắt đầu tiến hành thành lập công ty với chức danh Chủ sở hữu kiêm giám đốc.

Công ty của bạn hình thành các phòng ban, các mối quan hệ với đối tác. Bạn bắt đầu hoàn thiện hệ thống nội bộ, chăm lo cho nhân viên, cho khách hàng tốt hơn để tăng sự trung thành.

Và lúc này bạn nhận ra, bạn không thể làm tất cả mọi việc từ A - Z như khi công ty còn là một ý tưởng. Bạn đã trở thành Giám đốc, dưới bạn có các trưởng nhóm mà bạn tuyển vào. Bạn trao quyền cho họ ra sao, rồi họ lại trao quyền cho nhân viên họ ra sao để cả hệ thống có thể phát triển theo hướng mà bạn vạch ra.

Bạn suy nghĩ nhiều về hệ thống quản lý nội bộ: Tiền bạc, thuế, lương, thưởng để làm sao công ty có thể tồn tại và phát triển một cách tốt nhất...Lúc này, tuổi đời của bạn vào khoảng 25 tuổi, cái tuổi chưa đủ uy để hút những người có kinh nghiệm về làm cùng bạn, trong khi bạn cũng như một con gà con mới chập chững biết đi.

Bạn lao vào học về quản lý, điều hành công ty, bạn đi hỏi han các anh, chị khác, bạn thử hết các ý tưởng mà bạn nghĩ ra…Rồi luật lao động, thuế, quản lý tài chính, đầu tư tiền vào đâu, mục tiêu công ty năm nay là gì? Làm gì và không làm gì?... Bạn như nổ tung đầu.

Bạn tự hỏi có phải mình được sinh ra để làm cái này? Bạn hoài nghi về năng lực của mình? Hay là bán công ty đi để khỏi phải lo nghĩ nhiều? Bạn dằn vặt.

Rồi bạn ngồi một mình, nghĩ lại tại sao mình làm dự án này. Bạn bắt đầu nói chuyện với từng trưởng nhóm, chia sẻ với họ khởi nguồn của công ty, giá trị hướng tới: Vì khách hàng và vì con người thông qua giá trị tạo ra. Mọi người hiểu được mình đang làm gì và theo đuổi mục tiêu gì.

Toàn thể công ty đang chao đảo như sống lại với khởi nguồn phát triển của công ty. Và lúc này bạn nhận ra, việc quan trọng nhất của bạn bây giờ là phát triển thế hệ lãnh đạo kế cận bạn, văn hóa công ty, môi trường làm việc bền vững hơn để chuẩn bị cho những bước đi dài hơn.

* Tác giả là Nhà sáng lập chuỗi trung tâm tiếng Nhật Mina.

 Nội dung này đã được đăng trên Trí Thức Trẻ

Có thể bạn quan tâm

TS. Nguyễn Sĩ Dũng

"Khoán 10" của thế kỷ 21 và hơn thế nữa

Nghị quyết 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị "Về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia" có thể được ví như "Kkhoán 10" của thế kỷ 21, khi nó đặt nền móng cho một kỷ nguyên phát triển mới, chuyển mình mạnh mẽ của dân tộc Việt Nam...

Chủ tịch VACOD-HBA Nguyễn Hồng Sơn: Văn hóa trà gợi mở mối liên hệ với hoạt động kinh doanh

Chủ tịch VACOD-HBA Nguyễn Hồng Sơn: Văn hóa trà gợi mở mối liên hệ với hoạt động kinh doanh

TS. Nguyễn Hồng Sơn gợi mở nhiều suy nghĩ về mối liên hệ giữa văn hóa trà và hoạt động kinh doanh. Thưởng thức trà là một cách để con người ta kết nối, việc đưa văn hóa trà vào Bữa sáng Doanh nhân sẽ tạo ra một không gian giao lưu, góp phần thúc đẩy sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp…

Chính sách kiểm soát giá cả: Bài học thành công từ Pháp, Singapore và thất bại của Venezuela,Zimbabwe

Chính sách kiểm soát giá cả: Bài học thành công từ Pháp, Singapore và thất bại của Venezuela,Zimbabwe

Kiểm soát giá cả là một công cụ quan trọng trong chính sách công, giúp điều chỉnh và ổn định giá các mặt hàng thiết yếu như thực phẩm, năng lượng và dịch vụ công. Vai trò của nó không chỉ nằm ở việc ngăn chặn sự bất ổn của thị trường mà còn bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng...

Toàn cảnh bức tranh kinh tế quý 4 năm 2024 qua các con số

Toàn cảnh bức tranh kinh tế quý 4 năm 2024 qua các con số

Theo nhận định của Ngân hàng HSBC, năm 2024, Việt Nam có khả năng lấy lại danh hiệu "ngôi sao" với mức tăng trưởng GDP dự kiến lên đến 7% (cao nhất trong khu vực Đông Nam Á), qua đó khẳng định sự phục hồi và phát triển vượt bậc của nền kinh tế Việt Nam…