Ngoài tôm đông lạnh đến từ Việt Nam, các mặt hàng tôm đông lạnh đến từ 3 nước châu Á khác gồm Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan cũng bị Mỹ áp dụng lệnh cẩm này. Chỉ có tôm xuất khẩu của Brazil đã may mắn vượt qua được "cửa ải" này.
Nguyên do được ITC đưa ra là, "việc dỡ bỏ các mức thuế chống bán phá giá với tôm nhập khẩu từ Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan và Việt Nam có thể sẽ dẫn tới việc tiếp tục hoặc tái xảy ra tình trạng thiệt hại đáng kể trong khoảng thời gian có thể lường trước được."
Giám đốc điều hành Liên minh Tôm miền Nam (SSA), ông John William đã cho rằng, quyết định của ITC là một tin tức tốt lành đối với ngành nuôi tôm của Mỹ, đồng thời nhấn mạnh nếu các nước bị áp thuế chống bán phá giá trên tập trung vào thương mại công bằng và từ bỏ thương mại trái phép thì các rào cản trên sẽ được dỡ bỏ.
Phản ánh từ thị trường từ đầu năm cho thấy, xuất khẩu tôm của Việt Nam trong những tháng đầu năm gặp nhiều khó khăn, và đe dọa mục tiêu xuất khẩu tôm đạt 3,4 tỷ USD trong năm nay khó như kế hoạch.
Nguyên nhân do nguyên liệu tôm khan hiếm, giá tôm nguyên liệu cao hơn so với giá chào bán xuất khẩu, nhiều thị trường nhập khẩu tôm bắt đầu đẩy mạnh các rào cản kỹ thuật để bảo hộ sản xuất trong nước…
Hiện nay, các hàng rào kỹ thuật đều đang gia tăng tại một số thị trường xuất khẩu trọng điểm tôm của Việt Nam. Đơn cử như EU, Nhật Bản, Hàn Quốc...
Ngay từ đầu năm 2017, Chính phủ Australia đã thực thi lệnh khẩn cấp cấm nhập khẩu tôm và thịt tôm chưa nấu chín, kể cả tôm đã được tẩm ướp dùng cho người vào thị trường này, do liên quan đến dịch bệnh virus đốm trắng ở tôm nuôi của nước này. Điều nay tạo nên áp lực lớn cho Việt Nam khi Việt Nam cung cấp đến 30% tổng giá trị nhập khẩu tôm vào Australia.
Mới đây Bộ Thủy sản và Hải dương Hàn Quốc (MOF) đã thông báo sẽ kiểm dịch với các lô hàng thủy sản xuất khẩu vào nước này, trong đó có mặt hàng tôm mà Việt Nam đang là nhà cung cấp lớn nhất. Cụ thể, kể từ 1/4, tất cả thủy sản nuôi và tự nhiên nhập khẩu vào Hàn Quốc đều phải có chứng thư nhập khẩu, do cơ quan thẩm quyền nước xuất khẩu cấp.
Năm 2016, Hàn Quốc cũng đã bắt đầu tăng cường kiểm tra đối với các lô hàng tôm đông lạnh nhập khẩu từ Việt Nam, do phát hiện chỉ tiêu AOZ (thuộc nhóm hóa chất kháng sinh Nitrofurans) có trong một số sản phẩm tôm đông lạnh đang được lưu thông trên thị trường này. Theo đó, các lô hàng tôm đông lạnh nhập khẩu từ Việt Nam phải chịu tần suất kiểm tra lên đến 10%. Điều này gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp khi nhập vào thị trường này.
Trước tình hình này cùng với lệnh chống bán phá giá của Mỹ, xuất khẩu tôm đang đối mặt với khá nhiều khó khăn để có thể hoàn thành mục tiêu đề ra.