Dù Mỹ không tham gia vào TPP thì sự đồng thuận của 11 thành viên còn lại đã tạo động lực để hình thành nên Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Đây là thông tin được trang tin CNN Money đăng tải ngày 13/11 vừa qua.
Trước thông tin này, chuyên gia cấp cao Alexander Capri của Trường Kinh doanh, Đại học Quốc gia Singapore nhận định, thỏa thuận ban đầu về CPTPP là một "bước đi rất lớn." Ngoài ra, nó cho thấy sự sẵn sàng của các quốc gia trên khắp châu Á và châu Mỹ khi muốn tiếp tục các thỏa thuận thương mại tự do rộng lớn.
Trong khi đó, Chuyên gia Sanchita Basu-Das của Trung tâm nghiên cứu Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) tại Singapore cho rằng, việc Mỹ rút khỏi TPP đã để lại cho Washington "một lỗ hổng lớn trong nền ngoại giao kinh tế của Mỹ" đối với khu vực.
Còn chuyên gia Capri dự đoán rằng, ông Trump có thể phải đối mặt với áp lực từ quê nhà nếu các công ty Mỹ bắt đầu để mất quan hệ làm ăn với các nước CPTPP vào tay các đối thủ đến từ những nước như Canada và Australia.
Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng việc Mỹ "vắng mặt" trong CPTPP có thể chỉ là tạm thời. Giáo sư luật quốc tế David Rothwell tại Cao đẳng Luật, Đại học Quốc gia Australia cho biết: "Tôi nhận định sẽ có các cơ chế khả thi cho việc Mỹ tham gia vào một giai đoạn sau".