Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Công Tuấn, thực hiện Nghị quyết số 19-2017/NQ-CP về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2017, định hướng đến năm 2020, Bộ đặt mục tiêu năm 2017, hầu hết các dịch vụ công phổ biến, liên quan trực tiếp đến người dân và doanh nghiệp của ngành được cung cấp trực tuyến ở mức độ 3 và 4; năm 2020 đạt mức trung bình của nhóm nước ASEAN 5.
Đến nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã giải quyết các vướng mắc liên quan đến Thông tư 48/2013/TT-BNNPTNT quy định về kiểm tra, chứng nhận an toàn thực phẩm thủy sản xuất khẩu. Những quy định về tỷ lệ lấy mẫu, cách thức lấy mẫu theo lô sản xuất để kiểm tra, thời gian đánh giá xếp doanh nghiệp trở lại danh sách ưu tiên, thời gian cấp lại Giấy chứng nhận an toàn thực phẩm được sửa đổi, bổ sung trong Thông tư số 02/2017/TT-BNNPTNT.
Sửa đổi các quy định về kiểm tra an toàn thực phẩm, kiểm dịch hàng hóa xuất nhập khẩu, đến nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang sửa đổi, bổ sung Nghị định 36/2014/NĐ-CP về nuôi, chế biến và xuất khẩu sản phẩm cá tra; Nghị định thay thế Nghị định 08/2010/NĐ-CP về quản lý thức ăn chăn nuôi. Bộ cũng đang phối hợp với Tổng cục Hải quan - Bộ Tài chính thống nhất danh mục mã HS, dự kiến hoàn sẽ thành trong quý III/2017.
Thứ trưởng Hà Công Tuấn cho biết, trong quá trình thực hiện Nghị quyết số 19/NQ-CP năm 2015 và Nghị quyết số 19-2016/NQ-CP, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo các cơ quan chuyên ngành từng bước chuyển đổi phương thức kiểm tra, kiểm dịch theo hướng giảm thời gian và chi phí cho doanh nghiệp.
Cụ thể, đối với kiểm tra lô hàng thủy sản xuất khẩu đã chuyển sang phương thức kiểm tra trước trong quá trình sản xuất và cấp Giấy chứng nhận ngay khi doanh nghiệp có yêu cầu, rút ngắn thời gian từ 5-7 ngày xuống còn 1 ngày (8 giờ làm việc) cho 1 lô hàng. Thực tế, nhiều lô hàng được cấp giấy chứng nhận trong 2-3 giờ, tiết kiệm cho doanh nghiệp từ 15-20% chi phí.
Về việc đề nghị hợp nhất thủ tục kiểm tra an toàn thực phẩm và kiểm dịch thực vật đổi với lô hàng nhập khẩu vừa phải kiểm dịch thực vật, vừa phải kiểm tra an toàn thực phẩm để đơn giản hóa thủ tục, Bộ đã giao Cục Bảo vệ thực vật chủ trì nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Thông tư số 12/2015/TT-BNNPTNT hướng dẫn kiểm tra an toàn thực phẩm hàng hóa có nguồn gốc thực vật nhập khẩu, theo hướng chuyển đổi từ kiểm tra tại cửa khẩu sang kiểm tra sau thông quan đối với hàng hóa nhập khẩu có nguồn gốc thực vật để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp.
Với mục tiêu giảm thời gian làm thủ tục xuất khẩu xuống còn không quá 70 giờ và thủ tục nhập khẩu xuống còn không quá 90 giờ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã triển khai Cổng dịch vụ công trực tuyến (https://dvc.mard.gov.vn/Pages).
Theo đó, các thủ tục hành chính được triển khai trên cổng như: nhóm dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 về “Quản lý thuốc bảo vệ thực vật”, nhóm dịch vụ công “Công nhận thức ăn chăn nuôi sản xuất trong nước được phép lưu hành tại Việt Nam”, dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4 “Kiểm tra, chứng nhận cơ sở sản xuất, kinh doanh thuỷ sản xuất khẩu đủ điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm”.
Về triển khai thực hiện một cửa quốc gia, bộ phận một cửa tại các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ đã thực hiện việc cập nhật, công bố, niêm yết công khai các thủ tục hành chính do Bộ công bố theo thẩm quyền giải quyết của đơn vị.
Hiện nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang chỉ đạo tiếp tục hướng dẫn qua mạng điện tử toàn quốc đối với các thủ tục kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật, kiểm tra vệ sinh thú y, kiểm dịch thực vật, quản lý vật tư nông nghiệp và an toàn thực phẩm; tích hợp trên Cổng dịch vụ quốc gia.
Thứ trưởng Hà Công Tuấn cho biết, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục khẩn trương phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ sớm ban hành danh mục hàng hóa xuất nhập khẩu thuộc đối tượng kiểm tra chuyên ngành của ngành nông nghiệp theo hướng kiểm tra ít nhất, đơn giản hóa thủ tục, rút ngắn thời gian và tiết kiệm chi phí, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp.
Đồng thời tiếp tục nghiên cứu, rà soát và nếu cần thiết thì đề xuất sửa đổi các quy định về tiếp nhận công bố hợp quy đối với hàng hóa nhập khẩu theo hướng bãi bỏ hoặc đơn giản hóa thủ tục. Chẳng hạn như, thừa nhận kết quả đánh giá phù hợp của nước ngoài đối với hàng hóa có tiêu chuẩn, quy chuẩn bằng hoặc cao hơn Việt Nam; không cấp Giấy chứng nhận phù hợp quy chuẩn, tiêu chuẩn đối với việc kiểm tra chuyên ngành; đẩy mạnh Chứng nhận hợp quy đối với sản phẩm tại nước xuất khẩu và tăng cường khâu hậu kiểm....
Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sửa đổi, bổ sung các chính sách liên quan đến thu hút đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn (tham gia ý kiến đóng góp Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 210/2013/NĐ-CP về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn). Các chính sách sẽ tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong tiếp cận đất đai, tín dụng và thị trường tiêu thụ sản phẩm; khuyến khích doanh nghiệp tham gia chuỗi giá trị nông lâm thủy sản...
"Bộ nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tăng cường đối thoại, tiếp nhận và giải quyết kịp thời kiến nghị của người dân và doanh nghiệp trong công tác quản lý nhà nước của Bộ, để kịp thời điều chỉnh, hoàn thiện quy trình thực thi công vụ của các cơ quan chuyên môn", Thứ trưởng Hà Công Tuấn cho hay./.
Theo Bích Hồng/ BNEWS/TTXVN