Năm 2020, thương mại điện tử dự kiến đạt 15 tỷ USD

Từ 44,8 triệu lượt người Việt Nam mua sắm trực tuyến năm 2019, Bộ Công Thương dự báo năm 2020 con số này sẽ tiếp tục duy trì ở mức tăng trưởng trên 30% và quy mô thương mại điện tử sẽ vượt con số 15 tỷ USD.
Năm 2020, thương mại điện tử dự kiến đạt 15 tỷ USD

Ba năm trở lại đây, các hoạt động mua sắm trực tuyến tập trung vào cuối năm liên tục ghi nhận sự bùng nổ doanh thu. Phó Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam Nguyễn Ngọc Dũng khẳng định: “Bức tranh thương mại điện tử Việt Nam hiện rất tươi sáng. Ngày càng nhiều người tiêu dùng Việt Nam chuyển sang mua sắm trực tuyến. Các sàn thương mại điện tử cũng đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người mua, kèm theo đó là dịch vụ hạ tầng, giao nhận hàng hóa hoàn thiện và hiệu quả hơn”.

Tiêu biểu như sự kiện mua sắm trực tuyến ngày 11/11 vừa qua đã ghi nhận lượng truy cập và doanh thu tăng vọt trên các sàn thương mại điện tử như: Shopee, Lazada, Sendo, Tiki…

Đại diện Shopee cho biết, sàn thương mại điện tử này ghi nhận kỷ lục mới trong ngày 11/11 khi có tới 200 triệu sản phẩm được bán. Sàn Lazada ghi nhận số lượng đơn hàng trong 2 giờ đầu tiên tăng gấp đôi so với ngày mua sắm trực tuyến 11/11/2019. Tiki cũng ghi nhận doanh số trong sáng 11/11 gấp đôi so với ngày 10/10; số lượng đơn hàng trong sáng 11/11 của Tiki đã vượt tổng đơn hàng cùng thời điểm của hai ngày 9/9 và 10/10 cộng lại.

Các sản phẩm liên quan tới sức khỏe, chăm sóc sắc đẹp, đồ gia dụng, điện thoại… được người tiêu dùng tìm hiểu và lựa chọn nhiều nhất.  

Thống kê của Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam cho thấy, lượng truy cập mua sắm trên các sàn thương mại điện tử tính từ đầu năm 2020 đến nay tăng hơn 150% so với cùng kỳ năm 2019. Lượng khách truy cập website của các sàn này cũng tăng trưởng ấn tượng, với khoảng 3,5 triệu lượt người/ngày. Từ 44,8 triệu lượt người Việt Nam mua sắm trực tuyến năm 2019, Bộ Công Thương dự báo năm 2020 con số này sẽ tiếp tục duy trì ở mức tăng trưởng trên 30% và quy mô thương mại điện tử sẽ vượt con số 15 tỷ USD.

Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và kinh tế số (Bộ Công Thương) Đặng Hoàng Hải đánh giá, các chương trình khuyến mãi dịp cuối năm mang lại lợi ích thiết thực cho cả người tiêu dùng và cộng đồng doanh nghiệp - từ nhà sản xuất, phân phối đến đơn vị cung ứng dịch vụ hạ tầng cho thương mại điện tử. Đặc biệt, trong bối cảnh các ngành, lĩnh vực chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, doanh thu bán lẻ 10 tháng năm 2020 vẫn đạt hơn 3 triệu tỷ đồng, tăng 5,4% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, xu hướng mua hàng trực tuyến ngày càng phổ biến, giúp người dân mua hàng mọi lúc, mọi nơi. Việc triển khai nhiều chương trình khuyến mãi trên kênh mua bán trực tuyến đã giúp doanh nghiệp cải thiện doanh thu, tạo hiệu ứng tích cực cho thị trường bán lẻ.

Có thể bạn quan tâm

Xuất nhập khẩu Kein: Bị phạt nặng và "tước quyền" công bố 230 mỹ phẩm

Xuất nhập khẩu Kein: Bị phạt nặng và "tước quyền" công bố 230 mỹ phẩm

230 sản phẩm bị “tước quyền” công bố mỹ phẩm, bị tạm ngừng xem xét và tiếp nhận hồ sơ công bố mỹ phẩm trong 6 tháng, bị xử phạt hành chính 120 triệu đồng, kéo theo chuỗi cung ứng hàng bị đứt gãy… sự việc đang diễn ra tại Cty Kein, đơn vị quản lý vận hành chuỗi cửa hàng Nhật nội địa KeinShoku Gyomu.

Giá xăng tuần này không có nhiều biến động

Giá xăng tiếp tục tăng giảm trái chiều

Thị trường xăng dầu đang chứng kiến những biến động khó lường. Giá xăng tiếp tục tăng giảm trái chiều trong kỳ điều hành mới nhất của liên Bộ Công Thương - Tài chính...