Năm 2022, xuất khẩu chè đạt 237 triệu USD, tăng 10,7%

Trong năm 2022, xuất khẩu chè ước đạt 146 nghìn tấn, trị giá 237 triệu USD, tăng 15,3% về lượng và tăng 10,7% về trị giá so với năm 2021.

Trong năm 2022, tình hình xuất khẩu chè của Việt Nam bị chịu nhiều áp lực, khi bối cảnh thị trường thế giới tiếp tục có nhiều biến động, với những ảnh hưởng của các yếu tố như địa kinh tế, địa chính trị, xung đột quân sự... Nó đã tác động đến thị trường hàng hóa trong nước, đẩy chi phí vận chuyển tăng mạnh. Tuy nhiên, ngành chè vẫn đạt được kết quả tích cực.

Tổng cục Hải quan cho biết, quý IV/2022, xuất khẩu chè ước đạt 54,1 nghìn tấn, trị giá 79 triệu USD, tăng 53,6% về lượng và tăng 30,3% về trị giá so với cùng kỳ. Giá chè xuất khẩu bình quân ước đạt 1.460 USD/tấn, giảm 15,1% với cùng kỳ năm 2021.

xuất khẩu chè
Bộ Công thương dự đoán xuất khẩu chè sẽ tiếp tục đạt triển vọng trong năm 2023, với nhiều khả quan hơn

Trong cả năm 2022, xuất khẩu chè ước đạt 146 nghìn tấn, trị giá 237 triệu USD, tăng 15,3% về lượng và tăng 10,7% về trị giá so với năm 2021. Giá chè xuất khẩu bình quân ước đạt 1.620 USD/tấn, giảm 4% so với năm 2021.

Đáng chú ý, chè xanh là chủng loại xuất khẩu chính trong 11 tháng năm 2022, đạt 55,2 nghìn tấn, trị giá 104 triệu USD, tăng 12,2% về lượng và tăng 9,1% trị giá so với cùng kỳ năm 2021. Giá chè xanh xuất khẩu bình quân đạt 1.884,2 USD/tấn, giảm 2,8% so với cùng kỳ.

Tiếp theo, chủng loại chè đen xuất khẩu đạt 49,4 nghìn tấn, trị giá 70,7 triệu USD, giảm 7,7% về lượng và giảm 6,3% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021. Giá chè đen xuất khẩu bình quân đạt 1.432,7 USD/ tấn, tăng 1,5% so với cùng kỳ.

Riêng chủng loại chè ô long xuất khẩu trong 11 tháng năm 2022 ghi nhận mức tăng trưởng mạnh, đạt 600 tấn, trị giá 1,7 triệu USD, tăng 75,2% về lượng và tăng 155,5% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021. Giá chè ô long xuất khẩu đạt 3.106,7 USD/tấn, tăng 45,8% so với cùng kỳ năm 2021.

Với kết quả được đó, Bộ Công thương dự đoán xuất khẩu chè sẽ tiếp tục đạt triển vọng trong năm 2023, với nhiều khả quan hơn. Nhất là khi tình hình kinh tế thế giới được cải thiện, nhu cầu tiêu thụ hàng hóa tăng tại các thị trường xuất khẩu chính.

Hiện, các thị trường nhập khẩu chè chính trên thế giới như Pakistan, Đài Loan và Nhật Bản có xu hướng giảm, trong khi đó, thị trường Hoa Kỳ và Anh tăng cả về lượng và trị giá. Nhưng Pakistan và Hoa Kỳ vẫn là hai thị trường nhập khẩu chè lớn nhất thế giới. Các cơ quan chức năng dự báo, nhu cầu chè sẽ tiếp tục tăng trong năm 2023, tạo cơ hội cho ngành sản xuất mặt hàng nông sản này của Việt Nam.

Hiệp hội Chè Hoa Kỳ cho rằng nguyên nhân là do lạm phát khiến người tiêu dùng đã chuyển sang dùng chè nhiều hơn, thay vì những đồ uống đắt tiền.

Mặc dù Việt Nam có tiềm năng lớn, nhưng theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện nay, nguyên liệu chè cung cấp cho các nhà máy chế biến chủ yếu từ các giống chè có chất lượng thấp. Hiện, 70% số lượng giống chè của Việt Nam chỉ phù hợp cho chế biến chè đen, tỷ lệ giống cho chế biến chè xanh và các chè khác chỉ chiếm 30%.

Trong khi đó trên thế giới, cơ cấu giống chè đen chỉ chiếm xấp xỉ 10%; giống chế biến được cả chè đen và chè xanh chiếm 44,2%; giống chuyên chế biến chè xanh chiếm 21,2% và giống cho chế biến chè ô long và các chè cao cấp khác chiếm gần 25%.

Điều này cho thấy những những hạn chế bất cập khiến giá chè xuất khẩu chưa cao. Chúng ta cần cơ cấu lại sản phẩm chè để xuất khẩu chè thành mặt hàng đem lại giá trị cao cho Việt Nam.

Có thể bạn quan tâm