Theo thống kê sơ bộ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công qua các năm 2017, đầu tư công giải ngân đạt 73%, năm 2018 là 66%, năm 2019 là 67%, năm 2020 là 82%, tới năm 2021 là 72%, 11 tháng năm 2022 đạt 58,3%.
Mặc dù, kết quả giải ngân vốn đầu tư công 11 tháng vừa qua đạt kết quả tích cực. Số tiền giải ngân cao nhất so với các năm trước đây nhưng tỷ lệ này vẫn khá bấp bênh. Giải ngân vốn đầu tư công luôn chưa đạt được như kỳ vọng do có nhiều vướng mắc, khó khăn. Các bộ, ngành, địa phương đã có báo cáo Chính phủ, trong đó nêu 25 - 30 khó khăn, vướng mắc trong 3 nhóm lĩnh vực. Trong đó thể chế, pháp luật chính sách thiếu đồng bộ, quy định phức tạp về ngân sách, đất đai, đấu thầu, môi trường, giải phóng mặt bằng...
Các dự án đầu tư công luôn được coi là những dự án trọng điểm để hỗ trợ phát triển kinh tế. Giải ngân vốn đầu tư công cũng được coi là kênh quan trọng để hỗ trợ phát triển kinh tế tại các địa phương. Nhưng cho đến nay, kênh hỗ trợ này vẫn chưa phát huy hiệu quả được như kỳ vọng.
Năm 2023, tổng số vốn đầu tư lên đến 700.000 tỷ đồng sẽ là thách thức rất lớn cho các địa phương trong việc nhận phân bổ nguồn vốn cũng như có các giải pháp tháo gỡ khó khăn kịp thời để đạt được kế hoạch đã đề ra.
Rất kỳ vọng rằng, vào những tháng cuối năm 2023, sẽ không còn nhiều địa phương phải giải trình về việc chậm giải ngân nguồn vốn này hay xin trả lại vốn đầu tư công đã được phân bổ từ đầu năm.