Tham luận Hội thảo Pháp luật và thực tiễn về tiếp cận đất đai của doanh nghiệp tại Việt Nam diễn ra sáng nay 27/6, GS Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng: “Luật đất đai 2013 không quy định đấu giá, đấu thầu quyền sử dụng đất với lý luận việc đấu giá đấu thầu quyền sử dụng đất rất khó, nhưng trên thực tế việc đấu thầu là hoàn toàn có, ví dụ như trong trường hợp hợp đồng BT thực hiện xây dựng hạ tầng xong rồi lấy đấy chuyển đổi"
"Giáo sư Võ nêu ra thực tế các doanh nghiệp triển khai dự án rồi đi xin đất, cơ quan chức năng chiều theo cho đất doanh nghiệp chứ ít xem xét tiêu chí đánh giá. Về vấn đề này, ông Võ nêu quan điểm, nếu 2 dự án giá trị ngang nhau dự án nào sử dụng đất ít hơn thì được ưu đãi hơn.
Giáo sư Đặng Hùng Võ cho rằng, điểm yếu nhất trong Luật đất đai 2013 hiện hành trong việc quy định đến việc chuyển vốn từ đất đai thành vốn tài chính, và mối liên kết giữa Luật đất đai và Luật thuế trong việc định giá đất. Ông Võ nêu thực tế, người dân khi mua bán đất ký hợp đồng thấp hơn so với giá trị thực tế của mảnh đất để hưởng mức thuế thấp hơn. Nhưng trong trường hợp giải phóng mặt bằng cơ quan nhà nước lại căn cứ vào giá trị mua bán trên hợp đồng để đền bù thì chính người dân lại bị thiệt. Những rủi ro khi ký những hợp đồng giá trị thấp hơn so với giá trị thực là rất lớn.
Nêu lên bất cập trong quy định về cách tính thuế trong Luật thuế thu nhập quy định nếu trên hợp đồng giá trị hợp đồng cao hơn giá trị của nhà nước thì tính theo thuế theo hợp đồng, nếu thấp hơn giá trị của nhà nước thì tính theo giá của nhà nước. Quy định như vậy, theo quan điểm của Giáo Sư Võ là có hại cho toàn bộ hệ thống bởi vì giá trị thật không bao giờ được thể hiện trên hợp đồng. Từ đây Giáo Sư Võ đề xuất giải pháp làm thế nào để nhìn thấy giá trị thực ở trên hợp đồng vừa tránh rủi ro mà cơ quan nhà nước cũng tạo được cơ sở dữ liệu về giá đất.
Đồng quan điểm với Giáo Sư Võ, ông Trần Ngọc Hùng - Chủ tịch Tổng Hội Xây dựng Việt Nam cho rằng: “Luật Đất đai còn nhiều vấn đề liên quan cần nghiên cứu xem xét sửa đổi bổ sung bao gồm cả trình tự, thủ tục thực hiện vào thu hồi về giao đất nhằm chống cửa quyền, lợi ích nhóm. Bên cạnh đó, các quy trình từ phân loại đất, sử dụng đất đô thị, định giá đất cho đến thanh tra, xử lý sai phạm cũng cần xem xét sửa đổi”.
Giá đất khi giao đất cho chủ đầu tư thực hiện dự án hiện đang thực hiện theo giá do UBND cấp tỉnh ban hành thấp hơn rất nhiều theo giá thị trường gây thất thoát lãng phí đất đai trưa sở hữu toàn dân, làm lợi cho nhà đầu tư và một số người có chức, quyền liên quan thông qua cơ chế xin - cho", ông Hùng cho biết.
Theo ông Hùng, điển hình giá đất khi giao các mảnh đất cho chủ đầu tư là nhà ở, khi di dời các nhà máy, biển báo, kho tàng rất thấp theo giá UBND tỉnh ban hành. Đồng thời, đất giao không qua đấu giá, không công khai minh bạch. Chủ đầu tư "chạy - xin - cho" để được có dự án hưởng lợi cực lớn.
"Trong khi giao đất lại không đấu giá mà lại giao giá chủ yếu dựa trên khung giá do UBND tỉnh ban hành, lại còn giảm hệ số cơ chế xin - cho, dẫn đến Nhà nước thiệt cả 2 đầu, nhà đầu tư lợi cả 2 đầu. Và cơ chế xin - cho này tạo điều kiện cho tham ô tham nhũng mà hàng loạt vụ án đang và sẽ xét xử, liên quan đến đất đai, dính đến nhiều cán bộ có chức, có quyền", ông Hùng nêu.