Những bước đi chậm mà chắc
Số liệu về tình hình kinh tế - xã hội 7 tháng đầu năm vừa được Tổng cục Thống kê công bố đã cho thấy rất rõ xu hướng tích cực của nền kinh tế. Những dấu cộng (+) được đặt trước mỗi con số thống kê, chứng tỏ dấu hiệu tăng trưởng của kinh tế vĩ mô, từ chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 6,5%, đến tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 10%; rồi tổng kim ngạch xuất khẩu tăng 18,7%; khách quốc tế đến Việt Nam tăng 28,8%...
Cũng cần phải nhắc lại rằng, khi phân tích tình hình kinh tế - xã hội năm 2017, chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực cho rằng, nền kinh tế Việt Nam hiện có hai “cửa” để trông vào, đó là khu vực tư nhân và dịch vụ, trong đó có phát triển du lịch. Nhìn vào tốc độ tăng du khách quốc tế đến Việt Nam lên tới 28,8%, có thể thấy, “cửa” dịch vụ đang khá sáng.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong 7 tháng đầu năm, đã có trên 7,24 triệu lượt khách quốc tế đến Việt Nam. Với kết quả này, theo đánh giá của Tổng cục Du lịch, hoàn toàn có thể đạt mục tiêu thu hút 13 triệu lượt du khách quốc tế trong năm nay. Luật Du lịch vừa được ban hành, các chính sách miễn thị thực, làm visa điện tử, bầu trời mở… được cho là sẽ tạo những cú hích quan trọng để du khách quốc tế đến Việt Nam nhiều hơn, qua đó thúc đẩy tăng trưởng của ngành du lịch nói riêng và nền kinh tế nói chung.
Trong bối cảnh đó, tăng trưởng xuất khẩu lên tới 18,7% sau 7 tháng đầu năm cũng là tín hiệu rất tích cực. Năm ngoái, sau khi mục tiêu tăng trưởng không thể hoàn thành, Chính phủ chỉ thận trọng đưa ra mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu năm nay ở mức 1 con số. Tuy vậy, đến nay, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu - lên tới 18,7% - đã khiến không ít chuyên gia kinh tế ngỡ ngàng. Con số tuyệt đối, 7 tháng qua, cả nước đã xuất khẩu 115,2 tỷ USD, trong đó khu vực trong nước đạt 32,2 tỷ USD, tăng 14,6%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 83,0 tỷ USD, tăng 20,3%.
Có một điểm trừ đáng lưu ý, với tốc độ tăng trưởng nhập khẩu lên đến 24%, nền kinh tế vẫn đang nhập siêu khoảng 3,08 tỷ USD, bằng 2,7% tổng kim ngạch hàng hóa xuất khẩu. Nhập siêu lớn khiến tăng trưởng kinh tế bị ảnh hưởng tiêu cực. Tuy nhiên, ở một góc độ khác, theo các chuyên gia kinh tế, khi Việt Nam nhập khẩu lớn máy móc, thiết bị, nguyên phụ liệu cho sản xuất thì đó là dấu hiệu cho thấy, sản xuất - kinh doanh sẽ tăng tốc trong những tháng tới đây và điều đó sẽ hỗ trợ lớn cho tăng trưởng.
Hiện tại, sau 7 tháng, giá trị sản xuất công nghiệp mới chỉ tăng 6,5% so với cùng kỳ. Con số này tuy vẫn thấp hơn mức tăng 7,2% của cùng kỳ năm 2016, nhưng cao hơn mức tăng 6,3% của 6 tháng đầu năm. Khi nhập khẩu tăng tốc, có thể giá trị sản xuất công nghiệp sẽ không chỉ tăng ở mức trên dưới 6% như những tháng qua nữa, mà sẽ tăng cao hơn và đây chính là động lực tăng trưởng cho nền kinh tế.
Từng bước một như thế, tuy chậm nhưng chắc, nền kinh tế Việt Nam đang dần phục hồi tích cực và ngày càng tiến gần hơn tới mục tiêu tăng trưởng GDP 6,7% trong năm 2017.
Kỳ vọng sự bứt phá
Ngày 31/7, Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam chính thức được tổ chức, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc. Ngay trước sự kiện quan trọng này, thông tin từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, tính chung 7 tháng đầu năm nay, cả nước có 72.953 doanh nghiệp (DN) đăng ký thành lập mới, với tổng vốn đăng ký 690.700 tỷ đồng, tăng 13,8% về số DN và tăng 39% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2016.
Nếu tính cả 979.800 tỷ đồng của gần 21.400 lượt DN tăng vốn, thì tổng vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong 7 tháng là 1,67 triệu tỷ đồng - một con số rất đáng ghi nhận. Chưa kể, còn có 17.549 DN quay trở lại hoạt động, tăng 5% so với cùng kỳ năm trước, nâng tổng số DN đăng ký thành lập mới và DN quay trở lại hoạt động trong 7 tháng lên hơn 90.500 DN.
Có thể, những con số trên chưa nói lên điều gì, bởi thực tế vẫn còn không ít DN gặp khó khăn, phải đóng cửa, ngừng hoạt động (có 43.274 DN phải tạm ngừng hoạt động trong 7 tháng), nhưng việc cả số lượng và chất lượng DN thành lập mới đang được cải thiện cho thấy, người dân đã tin tưởng nhiều hơn vào tiềm năng tăng trưởng của nền kinh tế để dốc vốn vào kinh doanh. DN khỏe thì nền kinh tế khỏe và thực tế sự phát triển của khu vực tư nhân đang được kỳ vọng là sẽ tạo “cửa” ra cho nền kinh tế.
Khi Diễn đàn Kinh tế tư nhân được tổ chức, hẳn nhiên sẽ có nhiều giải pháp thúc đẩy khu vực này phát triển được thảo luận và thực thi. Đây chính là yếu tố quan trọng để có thể tạo sự bứt phá cho nền kinh tế trong những tháng cuối năm nay và các năm tiếp theo.
Tất nhiên, sự bứt phá của nền kinh tế chỉ có thể có được trên nền tảng vĩ mô ổn định. Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, lạm phát bình quân của nền kinh tế đang ở mức 3,91%. Lần đầu tiên kể từ đầu năm tới nay, lạm phát đã được kéo xuống dưới mức 4% - mục tiêu kiểm soát lạm phát trong năm 2017 mà Chính phủ đặt ra. Với tốc độ này, theo dự báo của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, lạm phát bình quân năm nay có thể chỉ ở mức 2,4%, tạo nền tảng và dư địa quan trọng để Chính phủ thực thi các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng mà không lo lạm phát cao quay trở lại.
Nếu vậy, hoàn toàn có thể kỳ vọng tốc độ tăng trưởng GDP 6,5 - 6,7% trong năm nay.
Theo baodautu.vn