Chứng khoán tuần 6/1 - 10/1 duy trì xu hướng giảm điểm khi thị trường chỉ 2 phiên tăng nhẹ, còn lại có 3/5 phiên giảm điểm. Tiếp nối đà giảm tuần trước, VN-Index giảm điểm ngay trong phiên đầu tuần và đà giảm nối tiếp đến cuối tuần. Chỉ số VN-Index không chỉ rời mốc 1.250 điểm, sau đó là 1.240 điểm và đóng cửa cuối tuần về sát mốc kháng cự 1.230 điểm.
Sau tuần giảm điểm trước đó, không giữ được giá trung bình 200 phiên, xu hướng ngắn hạn của VN-Index và tâm lý thị trường trở nên kém tích cực. VN-Index trong tuần này phục hồi kiểm tra lại vùng giá 1.260 điểm với thanh khoản giảm.
Sau đó áp lực bán gia tăng mạnh trong phiên cuối tuần, nhất là khi VN30 cũng không giữ được hỗ trợ mạnh, quan trọng giá trung bình 200 phiên quanh 1.300 điểm. Kết tuần VN-Index giảm -1,92% về mức 1.230,48 điểm, chịu áp lực kiểm tra lại vùng giá 1.200 điểm - 1.210 điểm.
Độ rộng thị trường nghiêng về điều chỉnh, áp lực bán mạnh trên hầu hết các nhóm ngành với khối lượng giao dịch gia tăng kém tích cực. Trong đó gia tăng mạnh, kém tích cực ở các nhóm tài chính, bất động sản khu công nghiệp, công nghệ-viễn thông...
Trên sàn Hà Nội, các chỉ số chính cũng diễn biến tương tự và có xu hướng giảm trước áp lực bán lấn lướt bên mua. Cụ thể, chỉ số HNX-Index giảm -2,73%, xuống 219,49 điểm và chỉ số UPCoM-Index cũng giảm -2,32% về mức 92,15 điểm.
Thanh khoản vẫn duy trì ở mức thấp thể hiện dòng tiền bắt đáy vẫn chưa tham gia giải ngân nhiều, giá trị giao dịch bình quân chỉ tính khớp lệnh đạt 9.875 tỷ đồng, giảm 2% so với tuần trước. Đây là mức thanh khoản thấp nhất (xét theo tuần) kể từ tháng 5/2023, trong đó cả 3 nhóm nhà đầu tư chính (cá nhân, tổ chức trong nước, tổ chức nước ngoài) cùng giao dịch kém tích cực đi.
Về giao dịch của khối ngoại, dòng vốn ngoại mua ròng trong phiên đầu tuần, tuy nhiên nhanh chóng quay đầu bán ròng mạnh trong 4 phiên còn lại. Luỹ kế sau 5 phiên, nhà đầu tư nước ngoài bán ròng 1.314 tỷ đồng trên toàn thị trường. Xét riêng từng sàn, nhà đầu tư nước ngoài bán ròng 1.289 tỷ đồng trên HOSE, bán ròng 44 tỷ đồng trên HNX và mua ròng 19 tỷ đồng trên sàn UPCoM.
Thống kê theo các mã chứng khoán, đà bán dàn trải trên diện rộng. Áp lực bán ròng mạnh nhất tuần này ghi nhận tại cổ phiếu chứng khoán SSI với giá trị bán ròng 178 tỷ đồng. Cũng tại chiều bán, thị trường ghi nhận hai cổ phiếu là STB và NLG bị bán ròng lần lượt 143 tỷ đồng và 135 tỷ đồng. Danh sách bán ròng còn ghi nhận cổ phiếu FPT và GMD với giá trị lần lượt đạt 108 tỷ đồng và 87 tỷ đồng.
Chiều ngược lại, mã ngân hàng HDB bất ngờ được khối ngoại mua ròng mạnh nhất với 140 tỷ đồng. Dòng vốn ngoại cũng chảy vào cổ phiếu VGC và TCB với giá trị lần lượt là 131 tỷ đồng và 116 tỷ đồng, đồng thời mua ròng DHT với 65 tỷ đồng…
Đưa tỷ trọng cổ phiếu về mức an toàn từ 20-30%
Chứng khoán Vietcombank (VCBS)
Với việc thanh khoản sụt giảm và áp lực bán mạnh xảy ra cho thấy dòng tiền đang dần rút ra khỏi thị trường trong ngắn hạn và VN-Index vẫn có thể tiếp tục giảm điểm theo quán tính trong các phiên tới.
Chúng tôi khuyến nghị các nhà đầu tư, chủ động cơ cấu danh mục, đưa tỷ trọng cổ phiếu về mức an toàn từ 20-30% và kiên nhẫn chờ đợi những tín hiệu tạo đáy cân bằng rõ ràng hơn.
Xu hướng giảm điểm trong ngắn hạn quay lại
Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV)
Chỉ số VN-Index tạo mẫu nến giảm điểm tiêu cực trên cả khung ngày và khung tuần, hàm ý sự lấn át của các hoạt động phân phối. Phiên cuối tuần trước chỉ số cũng đã chính thức phá vỡ vùng hỗ trợ quan trọng xác lập xu hướng tăng ngắn hạn tại phiên giao dịch cuối tháng 11, đồng thời báo hiệu việc quay lại xu hướng giảm điểm trong ngắn hạn.
Trước mắt, diễn biến của VN-Index đang có rủi ro hướng xuống kiểm định lại cận dưới của dải đi ngang trung hạn trong cả năm 2024 nằm tại quanh vùng 1.210 điểm.
Các vị thế mở mới nên chờ tín hiệu đóng cửa trở lại trên ngưỡng 1.240 điểm
Chứng khoán VietCap
Biên độ điều chỉnh tăng đi kèm thanh khoản cao sẽ tạo nên quán tính giảm cho VN-Index trong phiên tuần sau. Chỉ số sẽ tiếp cận vùng 1.210 (+/-10) điểm với kháng cự trong phiên là 1.240 điểm.
Áp lực bán cao trong phiên 10/1 sẽ kéo dài giai đoạn điều chỉnh và các phiên hồi kỹ thuật ngắn hạn kèm thanh khoản thấp chưa đủ để xác nhận vùng đáy. Các vị thế mở mới nên chờ tín hiệu đóng cửa trở lại trên ngưỡng 1.240 điểm của VN-Index đi kèm hoạt động mua đột biến và xuất hiện trên diện rộng.
Có thể giải ngân từng phần với các cổ phiếu lớn
Chứng khoán Asean
Chúng tôi cho rằng thị trường chứng khoán trong nước sẽ tiếp diễn rung lắc trong các phiên sắp tới. Đồng thời, các yếu tố bất ổn về vĩ mô đang đi vào những giai đoạn cuối cùng, nhà đầu tư nên sẵn sàng lượng tiền mặt để thiết lập vị thế danh mục chắc chắn trước bối cảnh thanh khoản thị trường cạn kiệt và định giá rất hấp dẫn.
Có thể cân nhắc tiếp tục giải ngân từng phần với các cổ phiếu lớn, có tiềm năng tăng trưởng cao, nền tảng cơ bản tốt, triển vọng kinh doanh tích cực và tăng trưởng mạnh mẽ đồng pha cùng với sự phát triển của nền kinh tế.
Khả năng giảm điểm còn tiếp diễn trong phiên giao dịch tiếp theo
Chứng khoán Rồng Việt (VDSC)
Thị trường tiếp tục suy yếu và giảm dưới vùng hỗ trợ 1.235 – 1.240 điểm. Thanh khoản tăng so với phiên trước, cho thấy áp lực cung gia tăng trở lại trong khi dòng tiền hỗ trợ vẫn còn kém. Với tín hiệu giảm dưới vùng hỗ trợ, khả năng giảm điểm có thể sẽ còn tiếp diễn trong phiên giao dịch tiếp theo.
Diễn biến giảm giá hiện tại đã đưa thị trường vào vùng quá bán ngắn hạn, dự kiến thị trường sẽ được hỗ trợ tại vùng 1.215 – 1.225 điểm và hồi phục trở lại để kiểm tra nguồn cung.
Do vậy, nhà đầu tư cần chậm lại để quan sát diễn biến cung cầu và lưu ý rủi ro thị trường đang có chiều hướng gia tăng. Nhà đầu tư tạm thời nên giữ tỷ trọng danh mục ở mức hợp lý để phòng ngừa rủi ro hoặc cơ cấu lại danh mục theo hướng giảm thiểu rủi ro.
Nếu VN-Index không giữ được ngưỡng 1.240 điểm, kịch bản tiêu cực sẽ xuất hiện
Chứng khoán TPBank (TPS)
Giảm điểm khá mạnh kèm thanh khoản tăng mạnh trong cuối phiên đặc biệt là sau 14h – thường là giờ giao dịch của tổ chức, nhóm nhà đầu tư lớn... phần nào đang làm ảnh hưởng đến tâm lý của nhà đầu tư trên thị trường và tạo ra hiện tượng bán tháo vào cuối phiên.
Phiên hồi phục trong ngắn hạn có thể xảy ra nhưng nếu VN-Index không thể giữ vững được ngưỡng 1.240 điểm thì các kịch bản tiêu cực sẽ chính thức xuất hiện.
Chỉ số có khả năng sẽ tiếp tục giảm xuống vùng hỗ trợ 1.200 – 1.205
Chứng khoán BIDV (BSC)
VN-Index đã hoàn thành mô hình hai đỉnh khi giảm xuống dưới ngưỡng 1.250. Trong những phiên giao dịch tới, chỉ số có khả năng sẽ tiếp tục giảm xuống vùng hỗ trợ 1.210 – 1.220 hoặc xa hơn là 1.200 – 1.205.
Nhận định thị trường của các công ty chứng khoán được Thuonggia trích dẫn nguyên văn chỉ có giá trị như một nguồn thông tin tham khảo. Các công ty chứng khoán có thể có những xung đột lợi ích đối với các nhà đầu tư khi đưa ra nhận định.