Ngân hàng BIDV được chấp thuận tăng vốn điều lệ lên gần 69.000 tỷ đồng

Ngân hàng Nhà nước chấp thuận cho BIDV tăng vốn điều lệ thêm 11.971 tỷ đồng bằng hình thức phát hành cổ phiếu để trả cổ tức. Sau khi hoàn thành, vốn điều lệ ngân hàng dự kiến sẽ tăng từ 57.004 tỷ đồng lên 68.975 tỷ đồng...

Mới đây, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đầu tư và Phát triển (BIDV – mã chứng khoán: BID) vừa có thông báo đã nhận được công văn của Ngân hàng Nhà nước về việc chấp thuận tăng vốn điều lệ cho BIDV.

Cụ thể, ngân hàng BIDV được chấp thuận tăng vốn thêm tối đa gần 1.971 tỷ đồng theo phương án phát hành cổ phiếu để trả cổ tức từ lợi nhuận còn lại sau thuế, sau trích lập các quỹ theo luật định năm 2022 đã được Đại hội đồng cổ đông thông qua.

Ngân hàng BIDV có trách nhiệm trình Ngân hàng Nhà nước hồ sơ đề nghị sửa đổi mức vốn điều lệ quy định về hồ sơ, trình tự, thủ tục chấp thuận một số nội dung thay đổi của ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Văn bản này có hiệu lực trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày ký.

Theo nghị quyết vừa được vừa được Hội đồng quản trị thông qua, ngân hàng BIDV sẽ phát hành hơn 1.197 triệu cổ phiếu để trả cổ tức với tỷ lệ thực hiện quyền là 21%, vào quý 4/2024 và quý 1/2025. Nếu hoàn thành phương án trên, mức vốn điều lệ dự kiến sẽ tăng từ 57.004 tỷ đồng lên hơn 68.975 tỷ đồng.

Trong năm 2024, BIDV chưa thực hiện đợt chi trả cổ tức nào. Lần chia cổ tức gần nhất của BIDV diễn ra vào tháng 12/2023.

Ngoài ra, tại hội nghị nhà đầu tư mới đây, lãnh đạo BIDV cho biết ngân hàng đang làm việc với các nhà đầu tư tiềm năng để có thể phát hành riêng lẻ đợt 1 tỷ lệ 2,9% trong quý 1/2025, phần còn lại (6,1%) sẽ được thực hiện sau đó tùy thuộc vào điều kiện thị trường.

Hiện Nhà nước là cổ đông lớn nhất sở hữu gần 81% vốn BIDV. Bên cạnh đó, cổ đông chiến lược Keb Hana Bank nắm giữ 15% cổ phần ngân hàng. Tổng cộng, tỷ lệ sở hữu của cổ đông ngoại tại BIDV khoảng 16,96%.

Bên cạnh BIDV, mới đây Quốc hội cũng thông qua chủ trương bổ sung vốn gần 20.700 tỷ đồng cho "ông lớn" Vietcombank. Theo kế hoạch này, Vietcombank thời gian tới cũng có thể phát hành cổ phiếu tỷ lệ 49,5% để chi trả cổ tức, tăng vốn lên 83.557 tỷ đồng, có thể là mức cao nhất ngành ngân hàng.

Về kết quả kinh doanh, BIDV cho biết lợi nhuận trước thuế quý 3 đạt 6.498 tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ. Lợi nhuận lũy kế 9 tháng là 22.047 tỷ đồng, tăng 12%. Lợi nhuận BIDV tụt xuống phía sau MB, Techcombank và VietinBank.

Tổng thu nhập hoạt động trong quý 3 của BIDV thấp hơn so với cùng kỳ do cả thu nhập lãi thuần và thu ngoài lãi đều đi xuống. Tuy nhiên, chi phí dự phòng giảm 25,2% xuống 4.453 tỷ đồng, giúp lợi nhuận ngân hàng duy trì đà tăng trưởng.

Đến cuối quý 3, tổng tài sản của BIDV ở mức 2,58 triệu tỷ đồng, tăng 12% so với đầu năm. Cho vay khách hàng đạt 1,95 triệu tỷ đồng, tăng 9,84%. Tiền gửi khách hàng đạt 1,87 triệu tỷ đồng, tăng 9,9%. Số dư nợ xấu của BIDV là 33.385 tỷ đồng, tăng 49% so với đầu năm, ứng với tỷ lệ nợ xấu 1,71%.

Diễn biến cổ phiếu BID trong thời gian qua

Trên thị trường chứng khoán, kết thúc phiên giao dịch ngày 9/12, thị giá cổ phiếu BID tăng nhẹ lên mức 46.650 đồng/cổ phiếu, duy trì sắc xanh 3 phiên liên tiếp. Theo đó, vốn hóa của ngân hàng trên thị trường ước đạt 266.210 tỷ đồng.

Có thể bạn quan tâm