Ngân hàng Nhà nước: Đã trình Chính phủ phương án xử lý 3 ngân hàng "0 đồng" và DongABank

Báo cáo gửi tới đại biểu Quốc hội, NHNN cho biết đã trình Chính phủ xem xét, phê duyệt phương án xử lý 3 NHTM mua bắt buộc và DongA Bank trên cơ sở Luật các TCTD sửa đổi vừa được Quốc hội thông qua.
Ngân hàng Nhà nước: Đã trình Chính phủ phương án xử lý 3 ngân hàng "0 đồng" và DongABank

Tại Báo cáo gửi tới đai biểu Quốc hội, NHNN cho biết trên cơ sở tổng kết, đánh giá kết quả đạt được trong công tác cơ cấu lại theo Đề án 254 và xử lý nợ xấu theo Đề án 843, NHNN đã báo cáo Bộ Chính trị và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án "Cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020".

NHNN đã tham mưu Thủ tướng Chính phủ thành lập Ban Chỉ đạo cơ cấu lại hệ thống các TCTD do Thủ tướng Chính phủ làm Trưởng Ban (Quyết định số 851/QĐ-TTg ngày 14/6/2017); ban hành Quyết định số 1403/QĐ-NHNN ngày 05/7/2017 thành lập Ban chỉ đạo cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu của NHNN và Tiểu ban chỉ đạo xử lý nợ xấu ngành Ngân hàng; ban hành Kế hoạch hành động của ngành Ngân hàng triển khai thực hiện Đề án (Quyết định số 1533/QĐ-NHNN ngày 20/7/2017).

Thực hiện Kế hoạch trên, NHNN đã có văn bản hướng dẫn các TCTD (theo từng nhóm, loại hình TCTD) xây dựng phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2017-2020.

Đối với 03 NHTM mua bắt buộc và NHTM Cổ phần Đông Á, NHNN đã hoàn thiện phương án xử lý và đã trình Chính phủ xem xét, phê duyệt trên cơ sở Luật các TCTD sửa đổi vừa được Quốc hội thông qua.

Các ngân hàng thương mại nhà nước (NHTMNN) tiếp tục đóng vai trò chi phối trong hệ thống các TCTD, tích cực nâng cao chất lượng tài sản, kiểm soát chất lượng tín dụng và xử lý nợ xấu;tăng cường năng lực tài chính, đồng thời từng bước giảm tỷ lệ sở hữu của Nhà nước nhưng bảo đảm Nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối tại các NHTMNN sau cổ phần hóa theo đúng định hướng của Nhà nước. Đồng thời, đẩy mạnh cơ cấu lại mạng lưới kênh phân phối, trong đó ưu tiên phục vụ khu vực nông nghiệp, nông thôn theo các định hướng lớn về phát triển kinh tế - xã hội của Đảng, Chính phủ và chỉ đạo của NHNN. Đến nay, NHNN đã thẩm định, phê duyệt phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2017-2020 của 03/4 NHTM NN.

Ngoài ra, NHNN đã có văn bản phê duyệt Phương án cơ cấu lại của 09/10 ngân hàng nước ngoài và liên doanh. Các TCTD nước ngoài được NHNN tăng cường quản lý, thanh tra, giám sát, đảm bảo hoạt động an toàn, đúng pháp luật. Theo đó, các TCTD nước ngoài đã khẩn trương xây dựng Phương án cơ cấu lại theo các giải pháp nêu tại Đề án 1058 và hướng dẫn của NHNN để triển khai thực hiện trong thời gian tới.

Trong khi đó các ngân hàng TMCP tập trung củng cố, chấn chỉnh toàn diện trên các mặt tài chính, quản trị và hoạt động nhằm nâng cao hiệu quả kinh doanh, năng lực cạnh tranh. Các ngân hàng đã tích cực tăng trưởng, mở rộng quy mô, đẩy mạnh tín dụng, huy động vốn, tích cực cải thiện khả năng chi trả và các chỉ số an toàn, lành mạnh tài chính; nợ xấu được các ngân hàng tập trung xử lý và tăng cường các biện pháp kiểm soát, nâng cao chất lượng tín dụng; thực hiện cơ cấu lại hoạt động theo hướng an toàn, lành mạnh hơn, giảm dần và hạn chế đầu tư vào các lĩnh vực nhiều rủi ro; tích cực phát triển các dịch vụ thanh toán, dịch vụ phi tín dụng khác và mở rộng dịch vụ bán lẻ, tín dụng tiêu dùng.

Ngoài ra, các công ty tài chính, công ty cho thuê tài chính tích cực xây dựng các phương án cơ cấu lại theo các giải pháp của Đề án 1058 để nâng cao mức độ an toàn, hiệu quả kinh doanh và năng lực cạnh tranh và phù hợp với đặc thù hoạt động của loại hình TCTD phi ngân hàng. Hiện, NHNN đang chỉ đạo các TCTD này rà soát lại phương án để điều chỉnh, bổ sung, bảo đảm tính kế thừa đồng thời phù hợp với mục tiêu, nguyên tắc cơ cấu lại của Đề án giai đoạn 2016-2020.

Có thể bạn quan tâm

Chủ tịch CBBank trở thành Phó tổng Vietcombank

Chủ tịch CBBank trở thành Phó tổng Vietcombank

Ông Nguyễn Văn Tuân, Chủ tịch Hội đồng Thành viên CBBank, đã được bổ nhiệm làm Phó Tổng giám đốc Vietcombank từ ngày 16/1/2025, đánh dấu sự trở lại sau gần 10 năm rời ngân hàng này để tái cấu trúc CBBank...

LPBank công bố lợi nhuận trước thuế năm 2024 đạt 12.168 tỷ đồng, chính thức bước chân vào nhóm doanh nghiệp có lợi nhuận trên 10.000 tỷ đồng

LPBank gia nhập câu lạc bộ lợi nhuận 10.000 tỷ

LPBank đã chính thức bước chân vào câu lạc bộ lợi nhuận trên 10.000 tỷ đồng, đánh dấu sự tăng trưởng vượt bậc và khẳng định vị thế trong hệ thống ngân hàng thương mại tại Việt Nam...