Ngân hàng Nhà nước: Đấu thấu vàng miếng từ 22/4, bán USD can thiệp với giá 25.450 đồng

Trước loạt diễn biến khó lường của kinh tế thế giới, Ngân hàng Nhà nước đang căng mình để điều tiết thị trường vàng và thị trường ngoại tệ trong nước...

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
Ngân hàng Nhà nước: Đấu thấu vàng miếng từ 22/4, bán USD can thiệp với giá 25.450 đồng

Như Thương gia đã đưa, ngày 19/4, Ngân hàng Nhà nước tổ chức họp báo thông tin kết quả hoạt động ngân hàng quý 1/2024. Ngoài ra, lãnh đạo nhà điều hành tiền tệ cũng trả lời báo chí về những vấn đề nóng thời gian qua như thị trường vàng và ngoại tệ.

15 DOANH NGHIỆP THAM GIA ĐẤU THẦU VÀNG TỪ 22/4

Theo ông Đào Xuân Tuấn, Vụ trưởng Vụ quản lý ngoại hối (Ngân hàng Nhà nước) cho biết triển khai theo chỉ đạo của Thủ tướng, Ngân hàng Nhà nước thời gian qua đã có công tác chuẩn bị để đấu thầu vàng miếng SJC nhằm tăng nguồn cung mặt hàng này trên thị trường, từ đó ổn định giá vàng trong nước.

"Ngay trong chiều 19/4, Ngân hàng Nhà nước sẽ thông báo chủ trương đấu thầu vàng miếng cho 15 tổ chức tín dụng và doanh nghiệp đủ điều kiện tham gia đấu thầu. Ngân hàng Nhà nước sẽ chuẩn bị các công tác để triển khai đấu thầu trong thứ 2 tuần tới", ông Tuấn nói.

Về chính sách với thị trường vàng thời gian tới, Vụ trưởng Vụ quản lý ngoại hối cho biết, Ngân hàng Nhà nước và các bộ ngành đã trình Thủ tướng nên sửa đổi Nghị định 24/2012 để phù hợp với điều kiện hoàn cảnh hiện nay.

Trong tờ trình dự thảo sửa đổi Nghị định 24, Ngân hàng Nhà nước và các bộ ngành đánh giá nghị định này đã hoàn thành nhiệm vụ kể từ khi được ban hành. Tuy nhiên, trước những thay đổi của thị trường, Nghị định 24 cũng cần thay đổi để phù hợp.

Ông Tuấn cho biết thêm, một trong những nội dung được đề xuất trong dự thảo sửa đổi là xem xét xóa bỏ độc quyền vàng miếng SJC và có thêm nhiều thương hiệu vàng khác.

Liên quan đến việc nhập khẩu vàng nguyên liệu cho các doanh nghiệp sản xuất vàng trang sức mỹ nghệ, ông cho biết những doanh nghiệp có hợp đồng gia công sản xuất với nước ngoài, việc nhập khẩu vàng nguyên liệu đang được thực hiện tại các chi nhánh Ngân hàng Nhà nước và không có vướng mắc.

Đối với doanh nghiệp sản xuất trong nước, Ngân hàng Nhà nước đã yêu cầu các chi nhánh nắm nội dung này để có tổng hợp, đánh giá báo cáo lại.

Liên quan đến công tác đấu thầu vàng miếng, Ngân hàng Nhà nước sẽ gửi thông báo trước 1 ngày đấu thầu. Sau khi công bố giá sàn, tổ chức tín dụng và doanh nghiệp kinh doanh vàng bắt đầu điền vào đơn thầu.

Các đơn vị trên có 30 phút để quyết định, khối lượng và giá mua. Một tiếng sau khi đóng thầu, Ngân hàng Nhà nước sẽ công bố kết quả. Các doanh nghiệp sẽ phải đặt cọc để tham gia đấu thầu, muộn nhất vào 17h ngày nhận thông báo thầu.

CAN THIỆP KHI VND MẤT GIÁ TỚI 4,9%

Cũng tại phiên họp trên, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết, biến động tình hình kinh tế - chính trị trên thế giới đã khiến đồng nội tệ của nhiều quốc gia mất giá khá cao, kể cả các nước có nền kinh tế mạnh, mức mất giá dao động từ trên 3% đến gần 9%. Việt Nam cũng nằm trong xu thế đó, tỷ giá VND/USD hiện đã mất giá 4,9% so với đầu năm.

Theo ông Đào Minh Tú, năm qua Ngân hàng Nhà nước giảm lãi suất trong bối cảnh thế giới tăng lãi suất.

“Hiện lãi suất VND âm so với lãi suất đồng đô la trên thị trường liên ngân hàng. Đặt ra câu hỏi quản lý của Ngân hàng Nhà nước về điều hành chính sách tiền tệ hài hoà. Bên cạnh đó, cầu ngoại tệ cho nhập khẩu nguyên liệu để sản xuất đảm bảo cũng là yếu tố khiến tỷ giá tăng thời gian qua. Ngoài ra, còn kể đến yếu tố tâm lý muốn găm giữ USD”, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước thông tin.

Theo Ngân hàng Nhà nước, thời gian qua, cơ quan này đã phát hành tín phiếu VND nhằm giảm bớt dư thừa thanh khoản VNĐ, qua đó giảm bớt áp lực trong ngắn hạn đối với tỷ giá. Về cơ bản, thanh khoản thị trường thông suốt, các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp được đáp ứng đầy đủ; tỷ giá diễn biến phù hợp với điều kiện thị trường và xu hướng của các đồng tiền quốc tế so với USD.

Ông Tú khẳng định quản lý tỷ giá cần "đảm bảo ổn định nhưng không cố định, lên xuống phù hợp, tránh tác động của thế giới, giảm chấn tác động, tạo sự cân đối hài hòa".

Phát biểu thêm về vấn đề này, ông Phạm Chí Quang, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ cho biết ngày hôm nay, Ngân hàng Nhà nước công bố công khai phương án can thiệp ngoại tệ trên website.

Theo đó, Ngân hàng Nhà nước sẽ bán can thiệp ngoại tệ cho các tổ chức tín dụng có trạng thái ngoại tệ âm để chuyển trạng thái ngoại tệ về 0, với mức bán tỷ giá can thiệp là 25.450 đồng.

"Đây là biện pháp rất mạnh mẽ của Ngân hàng Nhà nước để giải tỏa tâm lý thị trường, đảm bảo nguồn cung thị trường, nguồn cung ngoại tệ thông suốt, đảm bảo đầy đủ nhu cầu ngoại tệ hợp pháp của nền kinh tế. Ngay khi Ngân hàng Nhà nước có công bố, thị trường đã có phản ứng tích cực, giao dịch ngoại tệ đã dưới mức bán ra của Ngân hàng Nhà nước", ông Quang cho biết.

Trong thời gian tới, ông Quang khẳng định, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục theo dõi sát diễn biến thị trường ngoại tệ, đảm bảo nhu cầu của nền kinh tế, quản lý tốt lạm phát.

Có thể bạn quan tâm