Theo khảo sát ngày 11/4, tỷ giá USD/VND niêm yết tại các ngân hàng thương mại bất ngờ tăng dựng đứng, lập đỉnh cao mới. Điển hình như tại ngân hàng Vietcombank, giá USD đã tăng 40 đồng ở cả hai chiều giao dịch mua vào - bán ra so với cuối phiên hôm qua lên mức 24.800 - 25.170 USD/VND. Tính từ đầu năm đến nay, giá USD tại Vietcombank tăng khoảng 750 đồng, tương đương gần 5%.
Tương tự BIDV cũng ấn định giá USD mua vào - bán ra ở mức 24.840 – 25.150 USD/VND, tăng 40 đồng so với cuối ngày hôm qua. Một ngân hàng quốc doanh khác là VietinBank tăng giá USD mua vào thêm 73 đồng và tăng giá bán ra 33 đồng, giao dịch ở mức 24.763 - 25.183 USD/VND.
Ở nhóm ngân hàng tư nhân, nhiều ngân hàng thương mại cũng điều chỉnh tỷ giá tăng mạnh như ABBank là 24.850 - 25.230 USD/VND; GPBank niêm yết 24.760 - 25.230 USD/VND; KienlongBank ở mức 24.830 - 25.245 USD/VND; NCB niêm yết 24.795 - 25.239 USD/VND; TPBank là 24.790 - 25.220 USD/VND.
Techcombank cuối giờ chiều nay mua vào USD với giá 24.816 USD/VND, bán ra ở mức 25.157 USD/VND. Còn Sacombank niêm yết giá USD ở mức 24.795 - 25.185 USD/VND ở hai chiều mua vào - bán ra.
Đồng thuận với xu hướng tăng của thị trường chính thức, giá USD “chợ đen” đang được giao dịch phổ biến quanh ở mức 25.400 - 25.500 USD/VND, tăng 50 đồng ở cả hai chiều giao dịch so với mức khảo sát cùng thời điểm ngày hôm qua. Qua so sánh, giá mua vào USD trên thị trường tự do đang cao hơn tại các ngân hàng thương mại khoảng 700 đồng. Còn giá bán USD trên thị trường tự do đắt hơn so với ngân hàng trên 400 đồng.
Tỷ giá USD trong nước đồng loạt tăng trong bối cảnh đồng bạc xanh mạnh lên trên thị trường quốc tế, sau khi dữ liệu lạm phát tháng 3 của Mỹ mới được công bố cao hơn dự báo. Chỉ số DXY - đo lường biến động của đồng bạc xanh với 6 đồng tiền chủ chốt trong phiên 11/4 ghi nhận ở mức 105,26 điểm, tăng 0,01% so với phiên liền trước.
Trong tháng 3/2024, chỉ số CPI Mỹ tăng 0,4% so với tháng trước và tăng 3,5% so với cùng kỳ, đều cao hơn dự báo của các chuyên gia lần lượt là 0,3% và 3,4%. Con số tháng 3 cũng cao hơn 0,3 điểm phần trăm so với tháng 2, cho thấy lạm phát đã tăng tốc trở lại, theo báo cáo của Cục Thống kê Lao động Mỹ (BLS) trong ngày 10/4.
Loại trừ thực phẩm và năng lượng, CPI lõi cũng tăng 0,4% so với tháng trước và tăng 3,8% so với cùng kỳ, trong khi các chuyên gia dự báo tương ứng 0,3% và 3,7%.
Trước đó, nhằm giải tỏa bớt phần nào áp lực tỷ giá, Ngân hàng Nhà nước đã phát hành tín phiếu với hình thức đấu thầu lãi suất kể từ ngày 11/3. Tuy vậy, biện pháp chỉ giúp làm chậm đà giảm giá của đồng VND trong bối cảnh diễn biến thị trường thế giới không thuận lợi.
Theo giới phân tích, các áp lực đối với tỷ giá vẫn thường trực và khả năng đồng VND giảm giá vẫn sẽ hiện hữu.
Liên quan đến dự báo về tỷ giá, tại báo cáo vĩ mô tháng 4, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) nhận định đồng VND có thể mất giá khoảng 3% trong nửa đầu năm nay, khi tỷ giá trên thị trường liên ngân hàng hiện đã vượt ngưỡng tâm lý 25.000 USD/VND.
"Tỷ giá trên thị trường vượt đỉnh cũ đã thiết lập vào tháng 11/2022, đà tăng này có thể tiếp diễn đưa tỷ giá trên thị trường liên ngân hàng lên sát ngưỡng 25.500 USD/VND như mức neo của tỷ giá trên thị trường tự do. Chúng tôi vẫn kỳ vọng áp lực tỷ giá sẽ hạ nhiệt trong nửa sau của quý 2 khi Fed bắt đầu cắt giảm lãi suất”, các chuyên gia VDSC phân tích.
Đồng quan điểm với VDSC, Chứng khoán Vietcombank (VCBS) cho rằng, giai đoạn này điểm tích cực là thặng dư cán cân thương mại hàng hóa được duy trì đi cùng với mức vốn đăng ký và giải ngân FDI tăng so với cùng kỳ. Mặt bằng lãi suất tiếp tục phá sâu vùng đáy khiến áp lực tỷ giá luôn thường trực khi DXY vẫn duy trì ở mức cao. Theo đó, khả năng đồng VND giảm giá vẫn sẽ hiện hữu.
"Diễn biến tỷ giá sẽ phụ thuộc lớn vào cung ngoại tệ tại từng thời điểm với các yếu tố chi phối thuộc về dòng tiền đầu tư trực tiếp và gián tiếp, kiều hối,… Với các áp lực tỷ giá thường trực, chúng tôi dự báo VND có thể giảm giá khoảng 3% so với USD trong năm 2024", nhóm phân tích từ VCBS dự báo.