Đấu thầu vàng miếng: Đừng dồn thêm áp lực lên tỷ giá

Theo các chuyên gia, việc đấu thầu vàng cần được cân nhắc kỹ lưỡng khi nhiều yếu tố đã thay đổi và khác biệt hoàn toàn so với trước đây...

du-tru-vang-n1

Với tình hình giá vàng SJC trong nước cao hơn giá vàng thế giới khoảng 4,2 triệu đồng/lượng, Ngân hàng Nhà nước đã tổ chức phiên đấu thầu vàng miếng đầu tiên vào ngày 28/3/2013. Trong cùng năm, có 76 phiên đấu thầu bán vàng miếng được diễn ra với tổng khối lượng trúng thầu là 1.819.900 lượng trên tổng số 1.932.000 lượng chào thầu.

Với bối cảnh tương tự, khi giá vàng trong nước đã cao hơn giá vàng thế giới đến hơn 10 triệu đồng/lượng, vào ngày 15/4/2024 vừa qua, Ngân hàng Nhà nước cho biết sẽ tăng cung vàng miếng ra thị trường thông qua hình thức đấu thầu.

NHÌN LẠI NHỮNG PHIÊN ĐẤU THẦU CÁCH ĐÂY 11 NĂM

Từng là người tham gia 76 phiên đấu thầu với tỷ lệ trúng thầu lên đến 100%, trong một tọa đàm được tổ chức gần đây, ông Nguyễn Minh Tuấn, CEO của AFA Capital đã kể lại về những đợt đấu thầu vàng cách đây hơn một thập kỷ năm.

Theo thông tin mà ông Tuấn chia sẻ, Ngân hàng Nhà nước đã tổ chức phiên đấu thấu vàng miếng đầu tiên vào ngày 28/3/2013. Trong năm đó đã diễn ra 76 phiên đấu thầu vàng miếng, không chỉ các ngân hàng mà cả các công ty kinh doanh vàng miếng có giấy phép cũng được tham gia đấu thầu.

anh-chup-man-hinh-2024-04-17-luc-234325-982.png

Ở thời điểm đó, giá vàng trong nước cao hơn giá vàng thế giới 4,2 triệu đồng/lượng, thời gian đấu thầu diễn ra vào ngày Thứ Sáu hàng tuần. Lượng vàng đấu thấu là 15.000 lượng/phiên và đặc biệt riêng phiên thứ 76 vào ngày 31/12/2013 lên đến 20.000 lượng. Khối lượng đặt thầu tối thiểu là 500 lượng và tối đa là 1.500 lượng. Mức giá tham chiếu đặt cọc được điều chỉnh theo từng phiên. Qua 76 phiên đấu thầu, Ngân hàng Nhà nước đã chào bán tổng cộng 1.932.000 lượng; bán thành công 1.819.900 lượng.

Theo ông Tuấn, ở thời điểm đó giá vàng Việt Nam đang cao hơn giá vàng thế giới, khi các phiên đấu thầu diễn ra mọi người đều kỳ vọng “đấu thầu như vậy sẽ được mua vàng giá rẻ”.

Song, phía Ngân hàng Nhà nước lúc bấy giờ đã đưa ra những thông điệp, mục tiêu của việc đấu thầu vàng miếng: "Thông qua việc đấu thầu, Nhà nước không đặt mục tiêu kéo giá vàng xuống ngay lập tức để cân bằng với giá vàng thế giới mà chủ yếu đặt mục tiêu tăng cung ra thị trường để giải quyết vấn đề nhu cầu vàng.

Trong khi đó nhu cầu vàng miếng là có thực, trong đó có một phần từ các ngân hàng tất toán trạng thái. Mặt khác, giá vàng quốc tế có sự sụt giảm rất mạnh, giảm mạnh nhất trong 30 năm. Đây là các yếu tố khiến giá vàng trong nước và thế giới vẫn có sự chênh lệch".

Ông Nguyễn Minh Tuấn cũng cho biết thêm, sau 76 phiên đấu thầu, Ngân hàng Nhà nước đã bán thành công 1.819.900 lượng vàng, tương ứng 69,9 tấn vàng và đạt xấp xỉ 3 tỷ USD.

Dưới góc nhìn cá nhân, ông Tuấn cho rằng các phiên đấu thầu năm 2013 đã giải quyết được nhiều vấn đề như: cân đối thị trường vàng trong nước, tăng nguồn cung vàng trong nước; giảm chênh lệch giữa giá vàng thế giới và vàng Việt Nam; ổn định tỷ giá; chống "vàng hóa" nền kinh tế và tăng độ hiệu quả của chính sách tiền tệ.

SỰ KHÁC BIỆT SAU HƠN MỘT THẬP KỶ

Tuy vậy, quay trở lại với câu chuyện đấu thầu vàng trong năm nay, ông Tuấn nhận định việc đấu thầu vàng cần được cân nhắc kỹ lưỡng khi nhiều yếu tố đã thay đổi và khác biệt hoàn toàn so với trước đây.

Năm 2013, việc đấu thầu vàng diễn ra khi giá vàng có xu hướng giảm. Song năm 2024, Ngân hàng Nhà nước ra quyết định tổ chức đấu thầu vàng khi giá vàng trong nước và thế giới liên tục leo thang. Ngoài ra, khoảng cách giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới cũng đã nới rộng hơn nhiều so với 11 năm trước, giá vàng trong nước hiện cao hơn giá vàng thế giới đến 14 triệu đồng/lượng.

Ở thời điểm đó, chỉ số DXY-Index - thước đo giá trị sức mạnh đồng USD so với 6 loại tiền tệ của những quốc gia đang là đối tác thương mại lớn của Mỹ - đang dao động trong khoảng 70 - 80 điểm. Về đến hiện tại, chỉ số này lại đang ở mức 106 và vẫn có xu hướng tăng lên. Theo ông Tuấn, việc đấu thầu vàng ở thời điểm hiện tại hoàn toàn khác so với năm 2013 và Ngân hàng Nhà nước chỉ có 2 lựa chọn: Lựa chọn đầu tiên là lấy vàng dự trữ ra bán và lựa chọn thứ hai là nhập khẩu vàng.

ong-nguyen-minh-tuan-4111-650412baa6d74-9820.jpeg
Ông Nguyễn Minh Tuấn, CEO của AFA Capital

Ở phương án 1 lấy vàng dự trữ, nếu giá vàng tăng thì Ngân hàng Nhà nước sẽ lỗ và ngược lại nếu giá vàng giảm thì Ngân hàng Nhà nước có lãi. Tuy nhiên, ông Tuấn cũng nhấn mạnh rằng, mục tiêu lớn nhất của cơ quan quản lý dự trữ quốc gia không phải là lỗ hay lãi mà là bảo toàn được giá trị và có thanh khoản cho thị trường quốc gia.

“Tôi không thiên về lựa chọn lấy vàng dự trữ ra bán, động thái lấy vàng dự trữ ra bán không phù hợp với xu thế, khi nhiều ngân hàng trung ương trên toàn cầu còn đang mua thêm vàng, điển hình như Trung Quốc đã mua vàng 17 tháng liên tiếp”, ông Tuấn dự đoán.

Tuy nhiên, nếu theo hướng nhập khẩu vàng, Ngân hàng Nhà nước sẽ phải tính đến bài toán tỷ giá. Bởi nếu áp dụng phương án này, Ngân hàng Nhà nước cần đến USD để nhập vàng, dự trữ ngoại hối sẽ giảm và sức ép tỷ giá sẽ tăng.

"Dự trữ ngoại hối của Việt Nam ước khoảng 95 tỷ USD. Điều này lý giải tại sao ngay khi có tin đấu thầu vàng, tỷ giá lập tức tăng nóng", ông Tuấn nói.

Vị chuyên gia này cũng khuyến cáo, nhà đầu tư cần cẩn trọng với việc đấu thầu vàng, vì năm 2013, Ngân hàng Nhà nước tổ chức đấu thầu khi giá vàng đang đi xuống, nhưng ở hiện tại giá vàng thế giới đang lên và nhu cầu người dân cũng đang cao.

ĐẤU THẦU CHỈ LÀ GIẢI PHÁP TÌNH THẾ

Tại hội thảo “Thị trường tài chính Việt Nam năm 2023 và triển vọng 2024” do ngân hàng BIDV, ADB và NFSC tổ chức mới đây, TS Lê Xuân Nghĩa, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia cho rằng, lâu nay, có hai vấn đề hay được nhắc tới ở thị trường vàng: vàng hóa và chênh lệch cao bất hợp lý giữa giá vàng trong nước và thế giới. Hiện, công tác chống vàng hóa đã được thực hiện thành công vì Ngân hàng Nhà nước đã tách vàng ra khỏi hệ thống ngân hàng (cấm vàng trở thành tiền gửi và cho vay trong hệ thống ngân hàng).

ts-le-xuan-nghia-thanh-vien-hoi-dong-tu-van-chinh-sach-tai-chinh-tien-te-quoc-gia-4078.jpeg
TS Lê Xuân Nghĩa, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia

Dù vậy, vấn đề còn lại là chênh lệch giá vàng cao đến mức phi lý, đến nay vẫn rất nhức nhối. Căn nguyên của tình trạng này là từ khi Nghị định 24 năm 2012 ra đời đến nay, nguồn cung vàng bị cắt đứt, doanh nghiệp không được phép nhập khẩu vàng, trong khi nhu cầu trong nước vẫn lên tới khoảng 55 tấn mỗi năm (theo Hội đồng Vàng thế giới).

“Xóa bỏ chênh lệch phi lý giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới cần biện pháp thương mại, không phải là biện pháp tiền tệ như đấu giá vàng miếng. Đơn giản nhất là cho phép công ty kinh doanh vàng bạc đủ điều kiện được xuất nhập khẩu vàng. Chính phủ cần dùng công cụ mạnh nhất để xử lý vấn đề này là thuế. Hiện nay, hải quan điện tử đã có thể quản lý tốt nhập khẩu vàng. Với thị trường trong nước, cần áp dụng hóa đơn điện tử cho hoạt động mua bán vàng. Chỉ cần như vậy là đủ”, ông Nghĩa nêu quan điểm.

Theo ông Nghĩa, đấu thầu vàng miếng có thể tạo ra tâm lý yên tâm ngắn hạn cho nhà đầu tư, song giải pháp căn cơ nhất, dài hạn nhất, đúng thông lệ quốc tế nhất là cho phép xuất nhập khẩu vàng tự do và áp dụng chính sách thuế phù hợp.

Về diễn biến giá vàng thế giới tăng kỷ lục, ông Nghĩa cho rằng, lý do chính là các ngân hàng trung ương dồn dập mua vào để tăng dự trữ. Trong bối cảnh đó, Ngân hàng Nhà nước lẽ ra nên nghiên cứu tăng mua vàng dự trữ hơn là đưa vàng ra bán đấu thầu. Đây có thể là giải pháp tình thế ngắn hạn chứ không phải là biện pháp có tính căn cơ, dài hạn.

Liên quan đến lo ngại cho phép nhập khẩu vàng sẽ khiến tỷ giá bị ảnh hưởng, ông Nghĩa cho rằng, lượng ngoại tệ dùng để nhập khẩu vàng ước tính không lớn, chỉ khoảng 3 tỷ USD, thấp hơn nhiều so với nhập khẩu xăng dầu hay các loại nguyên nhiên liệu khác. Vì vậy, không đáng ngại về vấn đề tỷ giá khi cho nhập khẩu vàng.

ong-nguyen-ba-hung-kinh-te-truong-ngan-hang-phat-trien-chau-a-adb-8069.jpeg
Ông Nguyễn Bá Hùng, Kinh tế trưởng Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB)

Còn theo ông Nguyễn Bá Hùng, Kinh tế trưởng Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) nhận định, cầu vượt cung là nguyên nhân khiến giá vàng trong nước tăng cao. Trong khi đó, ảnh hưởng từ giá vàng thế giới chỉ là yếu tố nhỏ.

“Nhu cầu mua vàng trong nước đang có xu hướng gia tăng do tâm lý của người mua vàng bị ảnh hưởng. Đồng thời, lãi suất tiết kiệm đang ở mức thấp, cùng sự kém hấp dẫn của các thị trường tài sản khác cũng khiến các nhà đầu tư chuyển sang vàng để đầu tư cũng khiến nhu cầu tăng cao. Tuy nhiên, nguồn cung vàng trong nước lại rất hạn chế, điều này lý giải vì sao giá vàng trong nước đang tăng mạnh trong thời gian qua,” ông Hùng nói.

Ông Hùng cho rằng, Chính phủ nên coi việc quản lý vàng tương tự như một công cụ tiền tệ và sản phẩm tài chính để đầu tư, đồng thời cũng là hàng hóa cơ bản. Việc quản lý sẽ hiệu quả hơn nếu có thể dung hòa được các yếu tố này.

Xem thêm

Đi tìm “thuốc đặc trị” chữa cơn sốt vàng

Đi tìm “thuốc đặc trị” chữa cơn sốt vàng

Song hành cùng sự bứt phá của thị trường vàng quốc tế, giá vàng trong nước cũng leo thang trong những ngày gần đây và liên tục lập nên những kỷ lục mới. Điều này cũng tạo ra những áp lực vô cùng lớn với các cơ quan điều hành chính sách và bình ổn thị trường vàng…

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Thanh Hà

Ngân hàng Nhà nước sẽ tăng cung để hạ nhiệt giá vàng

Theo Phó Thống đốc Phạm Thanh Hà, triển khai chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo kết luận số 160, với thị trường vàng miếng, Ngân hàng Nhà nước sẽ thực hiện tăng cung để xử lý tình trạng chênh lệch cao của giá vàng trong nước với giá thế giới...

Vàng là nguyên nhân chính ảnh hưởng đến giá trị VND?

Vàng là nguyên nhân chính ảnh hưởng đến giá trị VND?

Theo Maybank IBG Research, để giảm bớt một phần áp lực cho VND, Ngân hàng Nhà nước đang tìm kiếm các giải pháp nhằm thu hẹp khoảng cách giá vàng hiện tại bằng cách cải thiện nguồn cung trong nước thông qua các kênh chính thức...

Có thể bạn quan tâm

Lãi suất huy động ngân hàng Sacombank tháng 12/2024: Đi ngang so với cùng kỳ

Lãi suất huy động ngân hàng Sacombank tháng 12/2024: Đi ngang so với cùng kỳ

Trong tháng mới, ngân hàng Sacombank duy trì ổn định khung lãi suất huy động cả hình thức gửi tiết kiệm truyền thống và trực tuyến. Theo đó, khách hàng gửi tiết kiệm truyền thống được hưởng lãi suất trong khoảng 2,8 – 5,2%/năm, áp dụng cho kỳ hạn 1 tháng đến 36 tháng, lĩnh lãi cuối kỳ…