Ngân hàng Nhà nước đề xuất gia hạn Thông tư 02 về cơ cấu nợ đến hết năm 2024

Việc kéo dài thời gian cơ cấu nợ theo Thông tư 02 đến hết năm 2024 sẽ góp phần làm giảm mức độ gia tăng nợ xấu nội bảng của tổ chức tín dụng và tạo điều kiện cho tổ chức tín dụng thực hiện hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng, góp phần hỗ trợ phục hồi nền kinh tế...

Ngân hàng Nhà nước đề xuất gia hạn Thông tư 02 về cơ cấu nợ đến hết năm 2024

Ngân hàng Nhà nước vừa công bố Dự thảo Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 02/2023/TT-NHNN ngày 23/4/2023 quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn.

Ngân hàng Nhà nước dự kiến sẽ gia hạn Thông tư 02 thêm 6 tháng nữa, tức là sẽ kéo dài đến hết ngày 31/12/2024 thay vì kết thúc vào ngày 30/6.

Ngân hàng Nhà nước cho biết, Chính phủ đã đồng ý với đề xuất của Ngân hàng Nhà nước tại Tờ trình số 53/TTr-NHNN ngày 3/5/2024 cho phép thời hạn thực hiện giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng vay vốn theo Nghị quyết số 50/NQ-CP ngày 8/4/2023, Nghị quyết 59/NQ-CP ngày 23/4/2023 của Chính phủ được kéo dài thêm 6 tháng, đến hết ngày 31/12/2024 và giao Ngân hàng Nhà nước khẩn trương phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan xem xét, quyết định và hướng dẫn tổ chức tín dụng triển khai thực hiện, bảo đảm tính liên tục của chính sách.

Theo phân tích của Ngân hàng Nhà nước, mặc dù kinh tế vĩ mô 2 tháng đầu năm 2024 cơ bản ổn định, nền kinh tế tiếp tục xu hướng phục hồi nhưng vẫn còn đối mặt với nhiều khó khăn thách thức, dự báo tiếp tục kéo dài trong năm 2024.

Chủ trương của Quốc hội và Chính phủ là tiếp tục hỗ trợ tháo gỡ khó khăn để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô trong năm 2024. Do vậy, việc kéo dài thời gian cơ cấu nợ theo Thông tư 02 sẽ góp phần hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho khách hàng vay vốn, góp phần hỗ trợ phục hồi phát triển nền kinh tế.

Thông tư 02 quy định tổ chức tín dụng phải xác định số tiền dự phòng cụ thể phải trích đối với toàn bộ dư nợ của khách hàng như trong trường hợp không áp dụng quy định giữ nguyên nhóm nợ và phải thực hiện trích lập bổ sung đầy đủ vào 31/12/2024. Do vậy, đến 31/12/2024, tổ chức tín dụng đã có đủ nguồn tài chính để xử lý rủi ro như trong trường hợp tổ chức tín dụng thực hiện phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi ro theo quy định hiện hành (Thông tư 11/2021/TT-NHNN).

Vì vậy, trường hợp kéo dài thời gian cơ cấu nợ theo Thông tư đến hết 31/12/2024 sẽ không ảnh hưởng đến cơ chế trích lập dự phòng rủi ro do kéo dài thời gian cơ cấu nợ và giữ nguyên nhóm nợ đối với hệ thống. Ngoài ra, việc kéo dài thời gian cơ cấu nợ theo Thông tư 02 đến 31/12/2024 sẽ góp phần làm giảm mức độ gia tăng nợ xấu nội bảng của tổ chức tín dụng và tạo điều kiện cho tổ chức tín dụng thực hiện hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng, góp phần hỗ trợ phục hồi nền kinh tế.

Trên cơ sở này, Ngân hàng Nhà nước đề xuất sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 4 của Thông tư số 02/2023/TT-NHNN ngày 23 tháng 4 năm 2023 như sau: “2. Phát sinh nghĩa vụ trả nợ gốc và/hoặc lãi trong khoảng thời gian từ ngày Thông tư này có hiệu lực đến hết ngày 31/12/2024.”

Sửa đổi khoản 8 Điều 4 như sau: “8. Việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho khách hàng theo quy định tại Thông tư này được thực hiện kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực đến hết ngày 31/12/2024.”.

Như vậy, dự thảo Thông tư sửa đổi đề xuất kéo dài thêm 6 tháng thời gian cơ cấu thời hạn trả nợ cho khách hàng. Cụ thể, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được xem xét quyết định cơ cấu lại thời hạn trả nợ đối với số dư nợ gốc và/hoặc lãi của khoản nợ phát sinh nghĩa vụ trả nợ gốc và/hoặc lãi đến hết ngày 31/12/2024.

Theo nhiều gia tài chính cho biết, nợ xấu tiếp tục là vấn đề "khó nhằn" của ngành ngân hàng trong năm 2024. Số liệu từ WiChart cho thấy, trong quý 1/2024, số dư nợ xấu của ngành ngân hàng đã tăng thêm 14% so với cuối năm 2023, lên 224.010 tỷ đồng. Đây là mức nợ xấu cao kỷ lục của ngành ngân hàng, vượt qua mức đỉnh ghi nhận hồi quý 3/2023.

So với cuối năm 2022, nợ xấu toàn ngành đã tăng tới 64%. Đồng thời, nợ cần chú ý (nợ nhóm 2) cũng vọt tăng hơn 10% so với cuối năm 2023, lên 215.832 tỷ đồng.

Trong một phân tích gần đây, nhóm chuyên gia từ Chứng khoán BSC đánh giá, xu hướng nợ xấu tăng trở lại trong quý đầu năm cho thấy sự cải thiện về chất lượng tài sản trong quý 4/2023 chỉ mang tính thời vụ. Điều này được xác nhận bởi tỷ lệ hình thành nợ xấu trong quý tăng lên mức 0,5% dù đã giảm liên tiếp ba quý trước đó.

Đồng thời, BSC cũng nhận thấy tác động CIC trong ngành vẫn gia tăng, ảnh hưởng lớn nhất đến phân khúc bán lẻ và khách hàng lớn, khiến tỷ lệ nợ xấu của một số ngân hàng như HDBank, MSB, MB và VIB đi lên trong quý đầu năm.

Trong cuộc họp giữa Vietcap và MB về kết quả kinh doanh quý 1, phía ngân hàng cho biết việc việc phân loại lại nhóm nợ theo CIC dẫn đến mức tăng khoảng 80 điểm cơ bản trong tỷ lệ nợ xấu quý 1, chủ yếu do một khách hàng doanh nghiệp quan trọng bị ngân hàng khác hạ xếp hạng.

Khách hàng này vẫn có dòng tiền và đang duy trì thanh toán cho MB. Ngân hàng cho biết đang làm việc với khách hàng này và ngân hàng liên quan để giải quyết và kỳ vọng nhóm nợ của khách hàng này có thể trở lại mức cũ. MB ước tính tỷ lệ nợ xấu vẫn có thể tiếp tục bị ảnh hưởng bởi phân loại lại theo CIC trong quý 2/2024, khoảng 20 điểm cơ bản.

BSC kỳ vọng tỷ lệ nợ xấu của các ngân hàng được cải thiện rõ hơn về nửa sau với xu hướng tiếp tục sử dụng dự phòng (tăng trích lập) để xử lý nợ. Qua đó dự kiến chất lượng tài sản toàn ngành được duy trì ổn định trong 2024 so với 2023, nhất là sau khi quy định về tái cơ cấu nợ trong Thông tư 02 đã được gia hạn đến hết năm.

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm

Ngành ngân hàng 2025: Lợi nhuận trước thuế dự báo tăng 15%, chất lượng tài sản dần cải thiện

Ngành ngân hàng 2025: Lợi nhuận trước thuế dự báo tăng 15%, chất lượng tài sản dần cải thiện

Theo dự báo của VCBS, lợi nhuận trước thuế toàn ngành ngân hàng sẽ duy trì mức tăng trưởng ấn tượng khoảng 15% trong cả hai năm 2024 và 2025. Đồng thời, chất lượng tài sản toàn ngành ngân hàng sẽ dần được cải thiện, nhờ vào đà phục hồi của nền kinh tế và hiệu quả từ các chính sách hỗ trợ...