Ngân hàng phải cấp thông tin tài khoản khách hàng cho ngành Thuế trong trường hợp nào?

Dự thảo Luật Quản lý thuế mới nhất đã cụ thể hóa một số nội dung như: Trường hợp nào thì ngân hàng (NH) mới phải cung cấp thông tin cho cơ quan Thuế và những thông tin nào được phép cung cấp… Tuy nhiê
Ngân hàng phải cấp thông tin tài khoản khách hàng cho ngành Thuế trong trường hợp nào?

Trả lời về vấn đề này, ông Lưu Đức Huy, Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế, Tổng cục Thuế cho biết, ở bản sửa đổi mới nhất, dự thảo chỉ quy định NH cung cấp số tài khoản (có gắn với mã số thuế) của khách hàng chứ không phải cung cấp cả những thông tin liên quan tới số dư tài khoản, thông tin giao dịch của chủ tài khoản như trước đây.

Theo kinh nghiệm các nước, các NH đều cung cấp số tài khoản của khách hàng cho cơ quan thuế khi khách hàng mở tài khoản. Còn theo dự thảo này, tại Việt Nam, các NH chỉ cung cấp số tài khoản của khách hàng gắn với mã số thuế của người nộp thuế khi cơ quan thuế yêu cầu.

Còn với những trường hợp bị cơ quan thuế xác định nằm trong diện rủi ro, NH có thể phải cung cấp cả thông tin về giao dịch thanh toán trên tài khoản của người nộp thuế. Đơn cử như trường hợp người nộp thuế nợ thuế đến mức phải cưỡng chế theo quy định, cơ quan thuế sẽ phải thực hiện các biện pháp mạnh như phong tỏa tài khoản hay trích tiền từ tài khoản.

“Một người có thể mở tài khoản tại rất nhiều NH khác nhau. Nếu người này cố tình chây ỳ hay trốn thuế mà cơ quan thuế không có thông tin tài khoản thì không thể thu được thuế”, ông Huy nói. Do đó, theo đại diện Tổng cục Thuế, khi luật có hiệu lực (dự kiến từ 2020), cơ quan thuế sẽ hướng dẫn người nộp thuế bổ sung tài khoản NH.

Song song, NH cũng phải cung cấp cho cơ quan thuế tài khoản tương ứng với mã số thuế của khách hàng. Những thông tin này sẽ được bổ sung vào dữ liệu người nộp thuế và được cơ quan thuế quản lý. Ông Huy cũng khẳng định, những thông tin này sẽ được bảo mật nghiêm ngặt.

Trước đó, tại dự thảo Luật Quản lý Thuế (sửa đổi) có quy định ngân hàng thương mại có trách nhiệm cung cấp thông tin tài khoản của khách hàng là người nộp thuế mở tại NH cho cơ quan quản lý thuế (bao gồm thông tin về mở tài khoản; số tài khoản; nội dung giao dịch qua tài khoản, số dư tài khoản; mã số thuế của người nộp thuế…) đã vấp phải nhiều ý kiến phản đối.

Trước dự thảo trên, nhiều NH thương mại cho rằng quy định này sẽ gây khó cho NH bởi phạm vi cung cấp thông tin không rõ ràng sẽ phát sinh thêm nhiều thủ tục, có thể vi phạm quy định về bảo mật thông tin của NH với khách hàng. Tổng giám đốc một NH cổ phần lớn tại TP HCM cho biết thỉnh thoảng NH vẫn nhận được yêu cầu phong tỏa tài khoản khẩn cấp, trích lục số dư tài khoản của khách hàng nhưng nếu phải cung cấp tới nội dung giao dịch qua tài khoản, lịch sử giao dịch… là rất khó. 

Theo các NH, việc cung cấp thông tin của người nộp thuế để phục vụ, bảo đảm thực hiện trách nhiệm của cá nhân, doanh nghiệp là hợp lý, nhưng phải quy định rõ việc cơ quan thuế được yêu cầu NH thương mại cung cấp ở mức độ nào, nếu không sẽ dẫn đến sự lạm quyền. Đồng thời, cần đặt vấn đề với dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi), cơ quan thuế có quy định bảo mật rõ ràng với các thông tin được NH cung cấp hay không?

Theo chuyên gia, các nước quy định về trao đổi, chia sẻ chứ không phải yêu cầu cung cấp thông tin. Ngoài ra, họ quy định rất rõ phải cung cấp thông tin trong những trường hợp nào, thông tin ra sao cũng như đưa ra những mức độ khác nhau về cung cấp thông tin. Dự thảo sửa đổi lần này đưa ra phạm vi cung cấp thông tin rộng quá. Chỉ nên yêu cầu cung cấp thông tin cần thiết, hữu ích cho việc đòi nợ thuế.

Trước đó, tại dự thảo Luật Quản lý thuế sửa đổi, Bộ Tài chính đã đề xuất trao quyền điều tra cho cơ quan thuế. Tuy nhiên, sau đó, Bộ Tài chính đã bỏ đề xuất này. Theo lý giải của Bộ Tài chính, cần phải có thời gian và công đoạn để đào tạo cán bộ thuế có chuyên môn nghiệp vụ điều tra, am hiểu luật hình sự và tố tụng mới ứng dụng được và vấn đề này cần phải có thời gian và công đoạn để thực hiện.

Có thể bạn quan tâm

Ngành ngân hàng 2025: Lợi nhuận trước thuế dự báo tăng 15%, chất lượng tài sản dần cải thiện

Ngành ngân hàng 2025: Lợi nhuận trước thuế dự báo tăng 15%, chất lượng tài sản dần cải thiện

Theo dự báo của VCBS, lợi nhuận trước thuế toàn ngành ngân hàng sẽ duy trì mức tăng trưởng ấn tượng khoảng 15% trong cả hai năm 2024 và 2025. Đồng thời, chất lượng tài sản toàn ngành ngân hàng sẽ dần được cải thiện, nhờ vào đà phục hồi của nền kinh tế và hiệu quả từ các chính sách hỗ trợ...