Ngân hàng quay trở lại thời hoàng kim báo lãi nghìn tỷ?

Thị trường lại “dậy sóng” với những con số lợi nhuận nghìn tỷ của năm 2017 mà một số ngân hàng như Vietcombank, BIDV, MBB, SHB, Vietinbank... vừa công bố.
Ngân hàng quay trở lại thời hoàng kim báo lãi nghìn tỷ?

Nhóm “ông lớn” ngân hàng đã thắng đậm trong mùa kinh doanh quý 4/ 2017, giúp tăng mạnh lợi nhuận cả năm.

Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) vừa công bố kết quả kinh doanh năm 2017 với nhiều chỉ tiêu hoàn thành vượt kế hoạch đề ra. Đáng chú ý, ngân hàng ghi nhận mức lợi nhuận kỷ lục vượt trên 11.000 tỷ đồng, tăng 20% so với năm 2016, vượt 8,7% so với kế hoạch năm đề ra (9.200 tỷ đồng). Đây là mức lợi nhuận cao nhất trong số các ngân hàng vừa công bố kết quả kinh doanh sơ bộ cho đến thời điểm này. Năm 2018, Vietcombank đặt mục tiêu sẽ đạt lợi nhuận trước thuế 12.000 tỷ đồng và giảm nợ xấu về dưới 1% tổng dư nợ.

Lãnh đạo ngân hàng cho biết, mức lợi nhuận này là thực chất sau khi đã được ngân hàng trích lập dự phòng một cách đầy đủ và thận trọng nhất.

Lợi nhuận của Vietcombank bất ngờ bứt phá là nhờ hoạt động tín dụng tăng trưởng khả quan, đạt hơn 17% so với chỉ tiêu tăng 16%. Hoạt động xử lý nợ xấu cũng cải thiện tích cực, tiếp đà đã xử lý toàn bộ nợ xấu tại VAMC năm 2016 thì năm 2017, Vietcombank tiếp tục xử lý được một lượng nợ xấu lớn và hiện nay, tỷ lệ nợ xấu chỉ còn là 1,1%, thấp nhất trong các tổ chức tín dụng tại Việt Nam.

Tạm xếp thứ 2 về lợi nhuận trước thuế năm 2017 là Vietinbank với con số ước đạt 9.206 tỷ đồng, hoàn thành 105% kế hoạch đề ra. Năm 2017, dư nợ tín dụng của Vietinbank tăng trưởng khá cao ở mức 18%, đạt 839 nghìn tỷ đồng. Tổng nguồn vốn ước đạt trên 1 triệu tỷ đồng, tăng 16%, hoàn thành 102% kế hoạch ĐHĐCĐ. Tại hội nghị tổng kết ngày 15/1 vừa qua, lãnh đạo Vietinbank cho biết năm 2018 ngân hàng phấn đấu tăng trưởng tổng tài sản khoảng 15% - 17%; huy động vốn tăng 18% - 20%, tín dụng tăng 16 - 17% (mức tăng trưởng cụ thể theo phê duyệt của NHNN). Tỷ lệ nợ xấu kiểm soát dưới 2%. Lợi nhuận trước thuế đảm bảo đạt và vượt kế hoạch được NHNN và ĐHĐCĐ giao.

Trong khi đó, năm 2017, hoạt động kinh doanh của BIDV cũng khởi sắc hơn. Cụ thể, tại thời điểm 31/12/2017, tổng tài sản của BIDV đạt 1.176.000 tỷ đồng, tăng trưởng 16,7% so với 2016, đứng đầu về quy mô tổng tài sản trong hệ thống ngân hàng.

Tổng nguồn vốn huy động đạt 1.106.517 tỷ đồng, tăng trưởng 17,9% so với 2016; trong đó tiền gửi tổ chức kinh tế và dân cư đạt 934.111 tỷ đồng, tăng trưởng 17,4%, chiếm 12,5% Huy động vốn toàn ngành ngân hàng.

Tổng quy mô tín dụng và đầu tư đạt 1.136.778 tỷ đồng, tăng trưởng 18% so với 2016; trong đó cho vay nền kinh tế đạt 862.604 tỷ đồng, tăng trưởng 17%, chiếm 13,12% quy mô tín dụng toàn ngành ngân hàng.

Sau khi trừ chi phí, BIDV ghi nhận mức lợi nhuận trước thuế hợp nhất năm 2017 của BIDV đạt 8.800 tỷ đồng, vượt chỉ tiêu của Đại hội đồng cổ đông đề ra.

Ở Khối ngân hàng thương mại cổ phần, lợi nhuận kinh doanh năm 2017 cũng ghi nhận những con số ấn tượng. Hiện, ngân hàng TMCP Quân Đội (MBB) đang dẫn đầu về lợi nhuận trong các ngân hàng TMCP không có vốn chi phối của Nhà nước. Theo báo cáo tài chính riêng lẻ, ghi nhận lợi nhuận trước thuế năm 2017 đạt 5.355 tỷ đồng, vượt mức kế hoạch 25%, tăng trưởng 44% so với năm 2016. Đây là mức tăng trưởng cao nhất trong những năm gần đây của MBB.

Tính đến 31/12/2017, tổng tài sản của MBB đạt 306,737 tỷ đồng, vượt 12% kế hoạch, tăng 22% so với năm 2016; vốn điều lệ 18,155 tỷ đồng. Dư nợ cho vay đạt 180,257 tỷ đồng, tăng trưởng 21% so với năm 2016. Huy động vốn của MBB đạt 220,227 tỷ đồng, tăng 13%... Kết quả kinh doanh khởi sắc với thu nhập lãi thuần đạt 10,653 tỷ đồng, tăng 35% so với năm 2016 và chiếm 81% trong tổng thu nhập hoạt động của ngân hàng, chủ yếu đến từ mảng dịch vụ.

TPbank cũng vừa công bố con số lợi nhuận cả năm 2017 đạt 1.205 tỷ đồng, đạt 155,6% so với kế hoạch năm và tăng trưởng 70,5% so với lợi nhuận năm trước. Như vậy TPBank đã quay lại mốc nghìn tỷ lợi nhuận sau nhiều năm kinh doanh khó khăn, xử lý các vấn đề tồn đọng và kiểm soát nợ xấu lớn.

Tính đến cuối năm 2017, tổng tài sản đạt của TPBank tăng 18% lên mức 124.000 tỷ đồng. Tổng huy động từ các tổ chức và dân cư đạt 115.000 tỷ đồng, tăng 17,5% so với cùng kỳ.​ Hoạt động tín dụng tăng trưởng 22%, đạt dư nợ 71.295 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu giảm mạnh về mức 0,87%.

Đáng chú ý, TPBank sắp sửa niêm yết cổ phiếu trên sàn HoSE với số lượng 555 triệu cổ phiếu, vốn điều lệ 5.842 tỷ đồng. Số lượng cổ phiếu ưu đãi cổ tức hơn 29,2 triệu cổ phần.

Một số ngân hàng thương mại quy mô vốn vừa và lớn khác hiện vẫn chưa công bố kết quả lợi nhuận năm 2017. Song theo dự báo, với tình hình kinh doanh khởi sắc cùng với việc xử lý nợ xấu khẩn trưởng, các ngân hàng sẽ ghi nhận con số lợi nhuận nghìn tỷ. Đơn cử như SHB, HDbank, LienvietPostBank, Techcombank, ACB…

>> Xử lý 19.000 tỷ năm 2017, Sacombank dự kiến kéo nợ xấu về 3% năm 2018

Có thể bạn quan tâm

Chủ tịch CBBank trở thành Phó tổng Vietcombank

Chủ tịch CBBank trở thành Phó tổng Vietcombank

Ông Nguyễn Văn Tuân, Chủ tịch Hội đồng Thành viên CBBank, đã được bổ nhiệm làm Phó Tổng giám đốc Vietcombank từ ngày 16/1/2025, đánh dấu sự trở lại sau gần 10 năm rời ngân hàng này để tái cấu trúc CBBank...

LPBank công bố lợi nhuận trước thuế năm 2024 đạt 12.168 tỷ đồng, chính thức bước chân vào nhóm doanh nghiệp có lợi nhuận trên 10.000 tỷ đồng

LPBank gia nhập câu lạc bộ lợi nhuận 10.000 tỷ

LPBank đã chính thức bước chân vào câu lạc bộ lợi nhuận trên 10.000 tỷ đồng, đánh dấu sự tăng trưởng vượt bậc và khẳng định vị thế trong hệ thống ngân hàng thương mại tại Việt Nam...