Theo BCTC hợp nhất, trong quý 1, thu nhập lãi thuần của ngân hàng đạt hơn 924,5 tỷ đồng, chỉ tăng nhẹ 4% so với cùng kỳ năm trước. Hoạt động dịch vụ đem về khoản lãi thuần 77,5 tỷ đồng, kinh doanh ngoại hối lãi 27,5 tỷ đồng. Hoạt động chứng khoán kinh doanh lãi thuần 1,1 tỷ đồng. Còn chứng khoán đầu tư vẫn lỗ 200 triệu đồng. Hoạt động khác bị lỗ hơn 30 tỷ đồng.
Chi phí hoạt động trong kỳ này tăng đáng kể 10% lên hơn 553,6 tỷ đồng. Do chi phí dự phòng rủi ro tín dụng tăng cao lên 191,6 tỷ đồng nên lợi nhuận trước thuế của SHB ghi nhận ở mức 307 tỷ đồng và lãi sau thuế còn 62 tỷ đồng, chỉ tăng nhẹ so với cùng kỳ năm trước.
Đại hội cổ đông thường niên vừa qua đã thông qua chỉ tiêu tăng trưởng lợi nhuận trước thuế năm 2017 lên tới 50%, đạt mức 1.750 tỷ đồng. Như vậy, lợi nhuận quý 1 của ngân hàng mới chỉ đạt 17,5% lợi nhuận mục tiêu đề ra.
Tại thời điểm 31/3/2017, tổng tài sản của SHB tăng gần 6% so với đầu năm, lên 247,9 nghìn tỷ đồng. Trong đó, dư nợ cho vay khách hàng tăng gần 6% lên 172 nghìn tỷ đồng. Chi phí dự phòng rủi ro cho vay tiếp tục tăng lên 1.934 tỷ đồng. Huy động tiền gửi của khách hàng tăng 5,6% lên mức 176 nghìn tỷ đồng.
Sau thương vụ hợp nhất với Công ty tài chính Vinaconex- Viettel, vốn điều lệ của SHB đã tăng lên mức gần 11.197 tỷ đồng.
Về chất lượng tín dụng, quy mô nợ xấu đến cuối quý 1 của SHB đã tăng lên tới 3.303 tỷ đồng, chiếm 1,92% tổng dư nợ cho vay và tăng đáng kể so với số 3.043 tỷ đồng nợ xấu ở thời điểm cuối năm 2016. Trong đó, nợ nhóm 5- có nguy cơ mất vốn tăng hơn 13,5% lên mức gần 2.029 tỷ đồng. Riêng tỷ lệ nợ quá hạn của SHB vẫn duy trì ở mức 3,25%.
Về tình hình xử lý nợ của Habubank, SHB cũng cho biết nợ xấu của Habubank chiếm hơn 8.600 tỷ đồng tại thời điểm sáp nhập. Đến nay, SHB đã thu hồi 2.800 tỷ đồng, bán 3.500 tỷ đồng cho VAMC. Hiện, nợ xấu vẫn phát sinh thêm cỡ khoảng 2.300 tỷ đồng và SHB sẽ tiếp tục lập dự phòng và xử lý.
Còn dư nợ 1.600 tỷ đồng của Vinashin đã được hoán đổi một phần sang trái phiếu VAMC, nên còn lại trong báo cáo tài chính 948 tỷ đồng. SHB sẽ tiếp tục hoán đổi trái phiếu theo đề án của Chính phủ về xử lý nợ Vinashin, sẽ thực hiện trích lập trong 10 năm.
Chia sẻ với cổ đông về mục tiêu lợi nhuận năm 2017, ông Đỗ Quang Hiển - Chủ tịch HĐQT của SHB đánh giá “các chỉ tiêu đặt ra là khiêm tốn và thận trọng”. Vì SHB có thêm công ty tài chính tiêu dùng đi vào hoạt động sẽ gia tăng nguồn thu dịch vụ và đóng góp khoảng 100 tỷ đồng lợi nhuận ngay năm nay.
Bên cạnh đó, SHB mở rộng hợp tác bán chéo sản phẩm bảo hiểm, mà hiện đã có tập đoàn bảo hiểm nhân thọ lớn của nước ngoài đang thương thảo hợp tác với SHB và sẵn sàng chi trả phí độc quyền là 500 tỷ đồng trong năm đầu tiên./.
>> "Dọn dẹp" nợ xấu Habubank, Ngân hàng SHB tiếp tục tăng vốn lên 12 nghìn tỷ đồng