Tại sự kiện, các chuyên gia kinh tế tập trung vào 3 nội dung chính về triển vọng kinh tế thế giới, triển vọng kinh tế Việt Nam và triển vọng thị trường ngoại hối năm 2023.
Theo ông Edward Lee, chuyên gia kinh tế trưởng khu vực ASEAN và Nam Á của Ngân hàng Standard Chartered, năm 2023 đã khởi đầu tích cực hơn dự kiến. Tốc độ tăng trưởng kỳ vọng ở mức vừa phải, đạt 2,5% năm 2023. Trong đó, các thị trường mới nổi tăng trưởng ổn định hơn so với các thị trường phát triển.
Cụ thể, vào nửa cuối năm, kinh tế thế giới được dự báo sẽ chạm đáy và bắt đầu phục hồi, tạo động lực cho sản xuất và tăng trưởng. Các nền kinh tế chủ chốt đều áp dụng chính sách thắt chặt định lượng với những đợt tăng lãi suất và việc các chính sách tài chính bị hạn chế sẽ tác động tới tăng trưởng toàn cầu.
"Hơn nữa, tuy lạm phát dự kiến sẽ ở mức trung bình, nhưng vẫn cao hơn mức trước đại dịch Covid-19. Điều này sẽ ảnh hưởng đến tiêu dùng nội địa ở các nước. Hiện tại, khối lượng thương mại toàn cầu đã giảm vào cuối năm ngoái, cho thấy nhu cầu bên ngoài đang chậm lại", ông Edward Lee nêu quan điểm.
Đi sâu hơn vào khu vực ASEAN, ông Edward Lee dự đoán mức tăng trưởng trung hạn là tương đối ổn định so với toàn cầu. Trong đó, ASEAN sẽ nhận thấy một số thuận lợi trong năm 2023, bao gồm du lịch phục hồi, thị trường lao động lạc quan, tăng cường thu hút vốn FDI để hỗ trợ hoạt động đầu tư. Tuy vậy, khu vực vẫn phải đối mặt với những xu hướng bất lợi từ sự thặt chặt chính sách tiền tệ trên thế giới cũng như lãi suất trong vay tăng.
Về triển vọng kinh tế Việt Nam, ông Tim Leelahaphan, chuyên gia kinh tế phụ trách Thái Lan và Việt Nam của Ngân hàng Standard Chartered nhận định: “Tiếp nối đà phục hồi tăng trưởng năm 2022, nền kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng mạnh mẽ với tốc độ tăng GDP đạt 7,2% trong năm 2023 và 6,7% trong năm 2024".
Quan điểm của ông Tim Leelahaphan cho rằng, kinh tế Việt Nam nửa đầu năm 2023 vẫn đối mặt với một số rủi ro vĩ mô như lạm phát, nợ công, khôi phục lòng tin, song triển vọng phục hồi tích cực vào nửa cuối năm. Việt Nam sẽ tiếp tục là một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu và là một điểm đến được nhiều doanh nghiệp lựa chọn.
Tiềm lực kinh tế của Việt Nam so với các quốc gia trong khu vực vẫn khả quan nhờ sức bật tăng của năm ngoái, tiêu dùng nội địa, cũng như sức hút đầu tư của ngành chế biến, chế tạo và việc giữ vững các thị trường xuất khẩu. Đây là những cơ sở giúp tăng trường 6 tháng cuối năm đạt từ 9 đến 9,5%.
Tuy nhiên, diễn biến khó lường từ yếu tố bên ngoài, rủi ro lạm phát cũng như xuất khẩu gặp khó khăn có thể dẫn đến cán cân thương mại yếu bên cạnh sự lên giá của USD so với VND.
Điểm qua về thị trường ngoại hối, trưởng bộ phận nghiên cứu khu vực ASEAN và Nam Á Divya Devesh nhận định hiện nay thế giới cần lưu ý 2 yếu tố. Thứ nhất là tác động của đồng USD - vẫn là đồng tiền có lãi suất cao và tác động tới ngoại hối toàn cầu. Thứ hai là khả năng suy thoái của Mỹ, dù hiện nay có tín hiệu tích cực song các thách thức có thể quay trở lại vào cuối năm 2023.
Tại Phiên thảo luận, các diễn giả đã trao đổi về những cơ hội và thách thức cho tăng trưởng và ổn định vĩ mô của Việt Nam, các giải pháp thúc đẩy động lực tăng trưởng (xuất khẩu, tiêu dùng, đầu tư) và nhận diện các động lực tăng trưởng mới; đồng thời khuyến nghị các chính sách nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững.
Đại sứ, trưởng Phái đoàn EU tại Việt Nam, lãnh đạo Deloitte và các chuyên gia kinh tế khuyến nghị, Việt Nam cần đẩy mạnh thương mại xanh và hỗ trợ toàn diện các mục tiêu bền vững. Cam kết thúc đẩy chuyển đổi số, chuyển đổi xanh gắn với các tiêu chí môi trường là xu thế bắt buộc đối với hầu hết các quốc gia hiện nay, trong đó có cả Việt Nam. Do đó các doanh nghiệp trong nước cần phải có những bước chuẩn bị phù hợp để bắt kịp với xu hướng tất yếu này, cụ thể như đổi mới tư duy, thay đổi phương thức quản trị, xây dựng chiến lược xuất khẩu xanh...
Chia sẻ về quan điểm của mình, bà Michele Wee, Tổng Giám đốc Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam cho biết, Việt Nam có triển vọng phát triển trong trung và dài hạn, mang lại tiềm năng tăng trưởng và thu hút đầu tư. Việt Nam đang đóng một vai trò ngày càng quan trọng trong hoạt động thương mại quốc tế và chuỗi cung ứng toàn cầu.
"Việc thu hút vốn FDI sẽ là động lực hỗ trợ ngành sản xuất và dịch vụ, giúp nền kinh tế tăng trưởng mạnh mẽ. Đặc biệt, chúng tôi cho rằng việc đẩy mạnh phát triển biền vững hướng tới mục tiêu Net Zero sẽ giúp Việt Nam thu hút được những loại vốn FDI phù hợp và đáp ứng được kỳ vọng của thế giới. Với sự sẵn sàng tham gia vào nền kinh tế xanh, tôi nghĩ rằng Việt Nam đang đi đúng hướng", bà Michele Wee đánh giá.