Nhà đầu tư ngoại đã ngỏ ý bỏ 400 triệu USD vào Vietcombank
Nhà đầu tư muốn mua giá thấp, ngân hàng mong bán cao
Tháng 6 năm ngoái, thị trường đón nhận thông tin “hot”: Quỹ đầu tư GIC của Chính phủ Singapore thông báo đã đạt được thỏa thuận sơ bộ để mua 305,8 triệu cổ phiếu VCB, tương đương 7,7% vốn điều lệ của Ngân hàng.
Mức giá mà quỹ này mua vào dù thấp hơn mức giá đang được giao dịch trên thị trường chứng khoán, nhưng có tổng trị giá tới gần 400 triệu USD.
Tại thời điểm đó, các bên dự kiến thương vụ sẽ hoàn tất vào quý IV/2016. Tuy nhiên, cho tới nay, thương vụ này vẫn chưa nhận được sự chấp thuận của Chính phủ Việt Nam và kế hoạch tăng vốn của Vietcombank vì vậy mà chưa được thực hiện.
"Nhà đầu tư nước ngoài mua khối lượng cổ phần lớn muốn mua với giá thấp, trong khi đó, ngân hàng vừa đòi hỏi họ phải đáp ứng các yêu cầu về thời gian, lại muốn bán giá như giá bán lẻ trên sàn niêm yết" - Ông Phan Đức Tú, Tổng giám đốc BIDV
Xung quanh câu chuyện này, tại Đại hội đồng cổ đông thường niên tổ chức cuối tháng 4 vừa qua, ông Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch Hội đồng quản trị Vietcombank cho biết, GIC là quỹ đầu tư lớn của Singapore, trong bối cảnh các ngân hàng thương mại Việt Nam tìm kiếm nhà đầu tư khó khăn, việc Vietcombank có nhà đầu tư tầm cỡ quốc tế quan tâm đó là điều tích cực.
Đối chiếu với một số quy định về bán vốn doanh nghiệp nhà nước (giá bán không thấp hơn giá thị trường, cổ phiếu niêm yết không thấp hơn giá sàn) thì GIC chưa đáp ứng được các điều kiện như vậy.
“Để nhận được sự phê duyệt của các cơ quan chức năng với mức giá của GIC đưa ra là hơi khó”, ông Thành nói.
Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm nay của BIDV, nhà đầu tư cũng băn khoăn về vấn đề tăng vốn của Ngân hàng trong thời gian tới và câu chuyện tìm nhà đầu tư ngoại. Theo ông Phan Đức Tú, Tổng giám đốc BIDV, tăng vốn trong giai đoạn này là rất khó và Ngân hàng đang nỗ lực cao nhất để có thể tăng vốn thành công trong năm nay.
Từ năm 2014, BIDV đã có chủ trương bán 30% cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược nước ngoài, nhưng tới nay chưa thực hiện được và cổ đông đã thông qua việc tiếp tục triển khai chủ trương này trong năm nay.
“Nhà đầu tư nước ngoài mua khối lượng cổ phần lớn muốn mua với giá thấp, trong khi đó, ngân hàng vừa đòi hỏi họ phải đáp ứng các yêu cầu về thời gian, lại muốn bán giá như giá bán lẻ trên sàn niêm yết. Đây là cái khó chung cho toàn bộ hệ thống ngân hàng, chứ không riêng BIDV”, ông Tú cho biết.
Là ngân hàng đang trong quá trình tái cơ cấu, SCB có định hướng tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược nước ngoài là định chế tài chính có năng lực, quy mô tài chính lớn để đồng hành trong giải quyết những vấn đề tồn đọng của Ngân hàng. Tuy nhiên, quan điểm được đưa ra từ ông Võ Tấn Hoàng Văn, Tổng giám đốc SCB là “việc bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài cũng phải đáp ứng được nguyện vọng của cổ đông trong nước và bù đắp được phần nào cho những nỗ lực và chia sẻ mà họ đã bỏ ra trong nhiều năm qua. Như vậy thì việc bán cổ phần cho nước ngoài mới có ý nghĩa”.
Việc không gặp nhau về giá bán cũng là nguyên nhân thương vụ bán cổ phần của GPBank cho UOB tưởng như cầm chắc trong tay bỗng chốc thất bại, sau đó Ngân hàng Nhà nước đã phải mua lại ngân hàng này với giá 0 đồng.
… Và e ngại room với khối ngoại
Dưới góc nhìn của TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế, không chỉ có ở ngân hàng nhỏ, mà ngay cả những ngân hàng lớn, ngân hàng có vốn nhà nước cũng đang rất cần bổ sung nguồn vốn để đảm bảo tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu và khả năng chống đỡ rủi ro trong trường hợp có những cú sốc tài chính từ bên ngoài. Và họ chỉ có thể trông chờ vào dòng vốn ngoại trong bối cảnh phát hành thêm để huy động nguồn vốn trong nước không khả thi.
Thực tế, đã có nhiều nhà đầu tư nước ngoài quan tâm đến việc đầu tư vào hệ thống ngân hàng thương mại Việt Nam, kể cả những ngân hàng nhỏ, nhưng có văn hóa quản lý tốt và nợ xấu ở mức chấp nhận được. Tuy nhiên, điều họ e ngại nhất chính là giới hạn tỷ lệ sở hữu (room) tại ngân hàng trong nước vẫn chưa được mở.
Ông Nghĩa cũng dẫn ra câu chuyện thành công trong huy động vốn đầu tư nước ngoài vào hệ thống ngân hàng của Trung Quốc, theo đó, quốc gia này đã từng cổ phần hóa các ngân hàng quốc doanh và niêm yết trên thị trường chứng khoán Hồng Kông, thu hút dòng vốn đầu tư từ nước ngoài vào các ngân hàng thương mại lớn, giúp các nhà băng này nhanh chóng nâng tổng tài sản, giảm thiểu nợ xấu, đặc biệt là nâng cao được năng lực quản trị để đáp ứng tiêu chí của một ngân hàng trên sàn chứng khoán quốc tế.
“Chính phủ có thể xem xét nới room cho nhà đầu tư nước ngoài với các mức như sau: cho phép được sở hữu 30% đối với ngân hàng thương mại cổ phần quy mô lớn, 51% đối với ngân hàng trung bình và thậm chí 100% đối với những ngân hàng yếu kém thực sự”, TS. Nghĩa nói.
Đồng quan điểm này, Tổng giám đốc SCB Võ Tấn Hoàng Văn nhận định, việc mở cửa thị trường tài chính ngân hàng đón nhận dòng vốn đầu tư nước ngoài là một xu hướng mạnh mẽ của kinh tế hiện nay.
Giải pháp cho phép nhà đầu tư nước ngoài tham gia sở hữu tổ chức tín dụng tái cơ cấu với tỷ lệ chi phối, thậm chí lên trên 50% có thể mang lại những lợi ích thiết thực cho cổ đông hiện hữu và nhà đầu tư nước ngoài, tạo điều kiện cải thiện môi trường đầu tư và phát triển kinh tế, đồng thời giúp giải quyết nhiều mục tiêu của quá trình tái cơ cấu hệ thống tín dụng như xử lý tình trạng sở hữu chéo và cho vay các bên liên quan, nâng cao năng lực tài chính của các tổ chức tín dụng.
“Việc áp dụng giải pháp này có thể tạo ra một bước ngoặt đáng kể trong quá trình tái cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng trong thời gian tới”, ông Văn nhấn mạnh.
Để giúp SCB có những thay đổi cơ bản và mang tính đột phá, Ngân hàng đã đề xuất với Ngân hàng Nhà nước giải pháp cho phép nhà đầu tư nước ngoài tham gia sở hữu với tỷ lệ chi phối (trên 50%). Ông Văn cho biết, thời gian qua, SCB đã tiếp xúc với một số quỹ đầu tư và tổ chức tín dụng trong khu vực. SCB dự kiến sẽ có sự tham gia của nhà đầu tư ngoại trong giai đoạn 2017 - 2018, sau đó niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán Việt Nam trong năm 2019.
Bên cạnh giải pháp nới room để thu hút khối ngoại, theo TS, Nghĩa, cần sớm ban hành Luật Hỗ trợ tái cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu nhằm tạo ra nền tảng pháp lý thuận lợi hơn cho việc tham gia của các nhà đầu tư mới trong nước cũng như nước ngoài vào hệ thống ngân hàng thương mại Việt Nam, đồng thời hỗ trợ chương trình tái cấu trúc diễn ra thuận lợi./.
Theo Nhuệ Mẫn/ĐTCK
>> Lãi khủng, vì sao Vietcombank vẫn “xén” cổ tức?