Ngành hải quan đặt mục tiêu đạt 94% dịch vụ công trực tuyến

Tổng cục Hải quan vừa tổ chức họp báo chuyên đề về triển khai nộp thuế điện tử qua ngân hàng phối hợp thu và thông quan 24/7 và "Triển khai dịch vụ công trực tuyến trong lĩnh vực hải quan".
Ngành hải quan đặt mục tiêu đạt 94% dịch vụ công trực tuyến

Giới thiệu về đề án nộp thuế điện tử 24/7, Cục trưởng Cục Thuế XNK Lưu Mạnh Tưởng cho biết, đề án nộp thuế và thông quan 24/7 là hình thức nộp tiền thuế và các khoản phải nộp khác qua ngân hàng thương mại phối hợp thu với Tổng cục Hải quan thông qua Cổng thanh toán điện tử Hải quan. Theo đó, việc nâng cấp Cổng thanh toán điện tử Hải quan cho phép người nộp thuế được lập bảng kê nộp thuế trực tiếp trên Cổng thanh toán điện tử Hải quan mọi lúc, mọi nơi, mọi phương tiện có kết nối với internet và được ngân hàng xác nhận kết quả giao dịch nộp thuế thành công ngay sau khi nhận được yêu cầu chuyển tiền nộp thuế và thực hiện thông quan ngay hàng hóa.

Theo kế hoạch đề án đã được phê duyệt là hoàn thành và đưa vào triển khai trong tháng 11/2017. Vì vậy, các đơn vị nghiệp vụ và công nghệ thông tin thuộc Tổng cục Hải quan (TCHQ) và các ngân hàng phối hợp thu, đặc biệt là 5 ngân hàng triển khai thí điểm (bao gồm: VCB, VIETINBANK,BIDV, MBBANK, TECHCOMBANK) đã phối hợp chặt chẽ để hoàn thiện chương trình, nâng cấp Cổng thanh toán điện tử hải quan, hoàn thành nội dung Thỏa thuận hợp tác giữa TCHQ và các NHTM.

Tại buổi họp báo, một số phóng viên đặt câu hỏi về những khó khăn, thách thức khi Tổng cục Hải quan triển khai chương trình nộp thuế điện tử 24/7; Khi nào Tổng cục Hải quan sẽ mở rộng chương trình nộp thuế điện tử 24/7. Ông Lưu Mạnh Tưởng cho biết, tham gia nộp thuế điện tử 24/7 tại công thanh toán điện tử của Tổng cục Hải quan, DN chỉ phải đáp ứng điều kiện: có chữ ký số để lập giấy nộp tiền, duyệt chuyển tiền nộp thuế và ủy quyền cho ngân hàng trích nợ tài khoản cho dịch vụ nộp thuế điện tử. DN không phải trả bất kỳ khoản chi phí nào khi tham gia hình thức nộp thuế mới này.

Triển khai đề này là một bước cải cách thủ tục hành chính của cơ quan Hải quan để tạo thuận lợi hơn nữa cho người nộp thuế, vì vậy quá trình triển khai cơ quan Hải quan và các ngân hàng phối hợp thu đã chuẩn bị cơ sở hạ tầng, nâng câp cổng thanh toán điện tử... để giúp hệ thống vận hành thuận lợi.

Về lợi ích khi nộp thuế điện tử đối với DN nhận được khi tham gia nộp thuế điện tử 24/7, Cục trưởng Cục Thuế XNK đã làm một phép so sánh, nếu trước đây, một lô hàng luồng Xanh thực hiện nộp thuế vào cuối giờ chiều ngày thứ 6 sẽ khó có thể thông quan hàng hóa ngay; tuy nhiên hiện nay, khi thực hiện nộp thuế điện tử 24/7 thì DN có thể nộp thuế vào lúc 22 giờ ngày thứ 6 và sáng thứ 7 có thể nhận hàng hóa về chỉ cần DN có tài khoản trích nợ đủ để trả cho lệnh nộp thuế và có chữ ký số. Đây chính là lợi ích rõ nét nhất mà DN nhận được khi thực hiện nộp thuế 24/7. Bên cạnh đó còn là một số lợi ích khác.

Trả lời câu hỏi của phóng viên về các ngân hàng tính lãi như thế nào khi DN nộp thuế qua ngân hàng, Cục trưởng Cục Thuế XNK cho biết, tiền thu thuế DN nộp qua các ngân hàng thương mại đều được các ngân hàng thương mại hạch toán thu NSNN và chuyển ngay tới Kho bạc Nhà nước, quy trình nộp thuế này đã được quy định rõ ở cấp thông tư. Vì vậy, không có chuyện ngân hàng sử dụng tiền thuế của DN.

Cùng với đó, dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) trong lĩnh vực hải quan cũng được triển khai. Ông Lưu Mạnh Tưởng nhấn mạnh, DVCTT là những việc quan trọng nhằm tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp trong quán trình làm thủ tục hải quan, đồng thời nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý nhà nước về hải quan. 

Cụ thể, đến nay, 100% thủ tục hải quan cốt lõi trong thông quan hàng hóa đã được tự động hóa, 100% Cục Hải quan, Chi cục Hải quan thực hiện thủ tục hải quan điện tử với 99,65% doanh nghiệp tham gia. Cũng từ cuối năm 2014, Bộ Tài chính - Tổng cục Hải quan với vai trò chủ trì đã phối hợp với các bộ, ngành thúc đẩy triển khai Cơ chế một cửa quốc gia. Tính đến nay, đã có 12 bộ, ngành kết nối; số lượng thủ tục hành chính đưa lên Cơ chế một cửa quốc gia (chưa kể Bộ Tài chính) là 39 thủ tục.

Bên cạnh đó, Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Hải quan cũng cung cấp nhiều thông tin, dịch vụ công trực tuyến hỗ trợ doanh nghiệp trong quá trình thực hiện thủ tục hải quan như: Tra cứu biểu thuế, mã số hàng hóa; đăng ký DN sử dụng chữ ký số; tra cứu thông tin nộp thuế, nợ thuế.

Trong suốt thời gian qua, hệ thống DVCTT luôn vận hành thông suốt, đảm bảo cho việc xử lý các nghiệp vụ của cá nhân, DN thực hiện TTHC cũng như của cơ quan hải quan. Một số vướng mắc quan đến tài khoản, hướng dẫn sử dụng Hệ thống đều được bộ phận hỗ trợ (help-desk) của Tổng cục Hải quan xử lý kịp thời.

Việc thực hiện TTHC bằng phương thức điện tử góp phần giảm sự tiếp xúc trực tiếp giữa DN với cán bộ công chức. Đồng thời DN có thể theo dõi trực tuyến toàn bộ quá trình xử lý TTHC, góp phần công khai, minh bạch hoạt động của cơ quan hải quan. 

Cục trưởng Cục Thuế xuất nhập khẩu khẳng định, với số lượng lớn dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4 như hiện nay, cơ quan hải quan đã tạo nhiều thuận lợi cho DN, giảm được  thời gian và chi phí thực hiện TTHC hải quan, tăng năng lực cạnh tranh. DN có thể khai báo các TTHC liên quan đến thông quan hàng hóa; nộp thuế, phí, lệ phí; thủ tục đối với phương tiện vận tải và nhận được kết quả phản hồi của cơ quan hải quan trên mạng internet.

Để quá trình triển khai DVCTT có hiệu quả hơn, Tổng cục Hải quan đã có những đề xuát kiến nghị sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan trong lĩnh vực hải quan. Đồng thời Thủ tướng Chính phủ cũng đã giao Bộ Tài chính chủ trì, tổng kết, đánh giá tình hình thực hiện để đề xuất sửa đổi toàn diện Nghị định 27/2007/NĐ-CP về Giao dịch điện tử trong lĩnh vực tài chính và trình Chính phủ ban hành năm 2018. Như vậy, sẽ phát huy được tính ưu việt của công tác triển khai DVCTT, góp phần xây dựng Chính phủ điện tử, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia theo đúng tinh thần Nghị quyết 36a/NQ-CP và Nghị quyết 19/2017/NĐ-CP của Chính phủ.

Có thể bạn quan tâm

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trả lời chất vấn trước Quốc hội

Chính phủ đề xuất tái khởi động dự án điện hạt nhân

Để đảm bảo nguồn điện cung ứng trước mắt và lâu dài, Chính phủ đã áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó có việc thực hiện đề xuất cấp có thẩm quyền tái khởi động dự án điện hạt nhân, phát triển mạnh điện gió ngoài khơi...

Toàn cảnh bức tranh kinh tế 10 tháng năm 2024 qua các con số

Toàn cảnh bức tranh kinh tế 10 tháng năm 2024 qua các con số

Trong 10 tháng năm 2024, kinh tế Việt Nam đạt kết quả tích cực trong nhiều lĩnh vực như: Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tăng 11,8% (so với cùng kỳ năm 2023); Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp tăng ổn định; Số doanh nghiệp thành lập mới “hồi sinh”...