Trong đó, sản xuất thép xây dựng tăng trưởng 10%, thép lá cuộn cán nguội tăng 5%, thép ống Hàn tăng 15% và sản xuất tôn mạ và sơn phủ màu tăng 12%.
Đặc biệt sản xuất thép cuộn cán nóng tăng mạnh nhất 154% so với năm ngoái nhờ vào việc Formosa Hà Tĩnh dự định tăng gấp đôi công suất sản xuất khi đưa lò cao số 2 đi vào sản xuất trong năm nay.
Trong năm 2018, ngành thép Việt Nam dự báo ghi nhận sản xuất 7.500 tấn gang, 14.000 tấn phôi thép, hơn 26.000 tấn sản phẩm thép cuối cùng bao gồm thép xây dựng, thép cuộn cán nóng, thép lá cuộn cán nguội, thép ống hàn và tôn mạ và sơn phủ màu.
Có được sự tăng trưởng này, đại diện Hiệp hội Thép Việt Nam lý giải nhờ vào mục tiêu tăng trưởng GDP 6,5 - 6,7% của Chính phủ, nhiều dự án hạ tầng, xây dựng, bất động sản sẽ được triển khai trong năm 2018.
Bên cạnh đó, ông Sưa cho biết ngành Thép Việt Nam sẽ ghi nhận nhiều dự án được đưa vào hoạt động trong năm nay. Cụ thể, Tập đoàn Hòa Phát sẽ đưa lò cao giai đoạn 1 tại tỉnh Quảng Ngãi với công suất 2 triệu tấn/năm vào hoạt động, lò cao số 2 của Formosa Hà Tĩnh với công suất 3,8 triệu tấn/năm cũng được đưa vào hoạt động trong năm nay;
Tập đoàn Hoa Sen đưa thiết bị dây chuyền cán nguội, mạ kẽm/lạnh, mạ màu vào hoạt động với công suất 350 nghìn tấn; đồng thời, ba công ty Tung Ho, Pomina tại Bà Rịa Vũng Tàu và thép Việt Ý tại Hải Phòng đều dự kiến sản xuất thêm 600 nghìn tấn thép xây dựng mỗi năm.
Trong năm 2017, ngành thép Việt Nam chứng kiến sự tăng trưởng tốt nhờ vào các chỉ số tăng trưởng mạnh của GDP, ngành công nghiệp chế biến chế tạo, ngành xây dựng và sự hồi phục của ngành bất động sản; tạo tiền đề cho sự tăng trưởng trong năm 2018.
Sản xuất các sản phẩm thép đạt hơn 22 triệu tấn năm 2017 tăng 23,5% so với năm trước đó; bán hàng sản phẩm thép các loại đạt 18,92 triệu tấn, tăng 20,7%. Trong đó, tăng mạnh nhất là tôn mạ và màu, ống thép và thép xây dựng, riêng CRC giảm nhẹ.
Năm 2017, ngành thép đã đạt được kết quả trong việc giảm nhập khẩu và tăng xuất khẩu. Nhập khẩu nguyên liệu và sản phẩm thép năm 2017 ước tính đạt 19,918 triệu tấn, giảm 14,2%; trong đó, thép thành phẩm nhập khẩu đạt 14,985 triệu tấn, giảm 14,5%.
Xuất khẩu của ngành thép trong năm 2017 đạt 5,509 triệu tấn, tăng 28,5% so với năm 2016. Tổng kim ngạch đạt 3,643 tỷ USD, tăng 45,4%.
Trong đó riêng xuất khẩu thép đạt 3,148 tỷ USD, tăng 25,7%. Các thị trường xuất khẩu chính của các sản phẩm thép Việt Nam trong năm qua chủ yếu là các nước trong khối ASEAN, chiếm 59,3%, Hoa Kỳ, các nước Liên minh châu Âu, Hàn Quốc, Ấn Độ, Đài Loan và Australia.
Bên cạnh những thuận lợi, trong năm 2017 ngành thép cũng phải đối mặt với nhiều thách thức đặc biệt phải áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại để bảo vệ sản xuất trong nước cũng như kháng kiện các vụ kiện của nước ngoài như Hoa Kỳ, Australia, Indinesia, Malaysia, Thái Lan và Ấn Độ đối với sản phẩm thép xuất khẩu của Việt Nam.
Trước đó, Bộ Công thương đã ban hành Quyết định số 2968/QĐ-BCT về áp dụng biện pháp tự vệ chính thức đối với mặt hàng phôi thép và thép dài nhập khẩu vào Việt Nam từ các nước/vùng lãnh thổ khác nhau. Mức thuế tự vệ bổ sung sẽ giảm dần hàng năm khoảng 1-2% và về mức 0% trong tháng 3/2020 nếu không có quyết định gia hạn.