Không chỉ đề cập đến các quy định liên quan đến vấn đề giá giao dịch liên kết, Nghị định 20 còn đưa ra những hướng dẫn về khấu trừ chi phí trong các giao dịch liên kết.
Ngày 24/2/2017, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 20/2017/NĐ-CP quy định về Quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết (Nghị định 20). Nghị định 20 sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/5/2017 và thay thế quy định hiện hành về giá giao dịch liên kết (GDLK) là Thông tư 66/2010/TT-BTC, đồng thời đưa ra những quy định mới về kê khai, xác định giá GDLK tại Việt Nam
Tuy được soản thảo một phần dựa trên Thông tư 66, Nghị định 20 đã mở rộng phạm vi diễn giải đối với một số quy định hiện hành, đồng thời đưa ra một số khái niệm, nguyên tắc mới theo Hướng dẫn của OECD và các Chương trình hành động BEPS. Phần mở đầu đã cho thấy mục tiêu của Nghị định là quản lý giá GDLK nhằm tránh thất thu thuế cho Ngân sách Nhà nước.
Nghị định 20 còn giới thiệu khái niệm “bản chất quyết định hình thức” – là khái niệm để cơ quan thuế áp dụng trong công tác quản lý, kiểm tra và thanh tra giá GDLK. Quan điểm này là cơ sở cho việc soạn thảo các điều khoản và quy định được nêu trong Nghị định này.
Những điểm nổi bật của Nghị định 20
Nghị định 20 đưa ra yêu cầu về Hồ sơ kê khai xác định giá GDLK theo ba cấp nhằm thu thập được nhiều hơn thông tin về thuế của các công ty đa quốc gia. Nghị định đã áp dụng hướng tiếp cận như được khuyến nghị trong Chương trình hành động số 13 (BEPS) (Hướng dẫn chuẩn bị báo cáo về chính sách giá và báo cáo lợi nhuận liên quốc gia). Cụ thể, người nộp thuế phải chuẩn bị và lưu trữ Hồ sơ thông tin tập đoàn toàn cầu (Master file), Hồ sơ quốc gia (Local file) và Báo cáo lợi nhuận liên quốc gia (Country by Country report).
Nghị định cũng hướng dẫn chi tiết về phân tích so sánh, bao gồm cơ sở dữ liệu được sử dụng, lựa chọn phương pháp xác định giá GDLK, số lượng đối tượng so sánh độc lập tối thiểu và các yếu tố điều chỉnh khác (ví dụ như lợi thế chi phí theo yếu tố địa lý).
Ngoài ra, mẫu tờ khai các GDLK mới theo Nghị định 20 yêu cầu người nộp thuế phải kê khai thông tin chi tiết về báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh theo nhóm GDLK và giao dịch độc lập. Bất kỳ chênh lệch đáng kể nào giữa mức lợi nhuận thu được từ các GDLK và giao dịch độc lập đều có thể làm gia tăng rủi ro cho người nộp thuế và đặt ra nhiều câu hỏi từ phía cơ quan thuế.
Không chỉ đề cập đến các quy định liên quan đến vấn đề giá GDLK, Nghị định 20 còn đưa ra những hướng dẫn về khấu trừ chi phí trong các GDLK, ví dụ như quy định tổng chi phí lãi vay được khấu trừ cho mục đích tính thuế không vượt quá 20% chỉ số EBITDA (lợi nhuận trước thuế chưa trừ chi phí lãi vay và chi phí khấu hao).
“Nghị định 20 đã đánh dấu mốc phát triển quan trọng trong hệ thống quy định pháp luật về giá GDLK tại Việt Nam trong suốt 10 năm qua, thể hiện cam kết của Việt Nam trong việc xây dựng chính sách thuế mang tính nhất quán đối với khung chính sách thuế toàn cầu (BEPS) về tính minh bạch và nỗ lực chống tránh thuế.”
Nguyễn Hương Giang-Phó TGĐ Dịch vụ Tư vấn thuế, PwC Việt Nam
Đối với các dịch vụ nội bộ, các tiêu chí xác định chi phí được khấu trừ cho mục đích tính thuế cũng được đưa ra. Cụ thể, người nộp thuế phải chứng minh dịch vụ nội bộ được nhận thực sự mang lại lợi ích kinh tế cho người nộp thuế, đồng thời phải đưa ra bằng chứng (chứng từ kế toán, hợp đồng dịch vụ,...) để chứng minh tính hợp lý của phương pháp xác định phí dịch vụ.
Các chi phí sẽ không được khấu trừ cho mục đích tính thuế nếu người nộp thuế không chứng minh được lợi ích trực tiếp và giá trị của dịch vụ đó đem lại đối với hoạt động kinh doanh của mình, ví dụ như các dịch vụ trùng lặp, chi phí phục vụ lợi ích cổ đông...
Một số vấn đề cần được làm rõ hơn
Nghị định 20 đã đưa ra khung pháp lý vững chắc và phổ quát hơn cho hoạt động quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết, đồng thời đưa Việt Nam tiến gần hơn đến các chuẩn mực quốc tế về gia tăng tính minh bạch và nỗ lực chống tránh thuế.
Tuy nhiên, một trong những vấn đề chính liên quan đến Nghị định 20 là tính khả thi khi áp dụng các chuẩn mực quốc tế vào tình hình thực tế của Việt Nam, ví dụ như, do thiếu cơ sở dữ liệu địa phương, người nộp thuế sẽ thiếu cơ sở để tham khảo khi xác định giá trong GDLK theo hướng dẫn của nghị định mới.
Điều này dẫn đến câu hỏi liệu người nộp thuế có thể mở rộng giới hạn các cơ sở dữ liệu tham khảo (như dữ liệu từ các công ty cùng ngành ở châu Á), và liệu cơ quan thuế có cho phép cách làm này hay không.
Ngoài ra, Nghị định 20 cũng cho phép cơ quan thuế được sử dụng dữ liệu nội bộ cho mục đích điều chỉnh giá GDLK trong trường hợp người nộp thuế được xem là không tuân thủ quy định. Điều này có thể làm nảy sinh nhiều hơn các bất đồng giữa người nộp thuế và cơ quan thuế.
Nghị định 20 cũng nhấn mạnh rằng các phương pháp xác định giá GDLK mà người nộp thuế áp dụng phải đảm bảo không làm giảm nghĩa vụ nộp Ngân sách Nhà nước - đây được xem là điểm chưa nhất quán với nguyên tắc giao dịch độc lập (ví dụ như: người nộp thuế không được phép thực hiện điều chỉnh giảm).
Ngoài ra, Nghị định 20 không đưa ra hướng dẫn cụ thể về cách thực hiện điều chỉnh giá GDLK (ví dụ như: điều chỉnh tăng) và những ảnh hưởng tiềm tàng tới các loại thuế khác (thuế giá trị gia tăng, thuế nhà thầu…).
Tuy vẫn tồn tại một số vấn đề cần phải được giải quyết, lãm rõ, Nghị định 20 đã đánh dấu mốc phát triển quan trọng trong hệ thống quy định pháp luật về giá GDLK tại Việt Nam trong suốt 10 năm qua, thể hiện cam kết của Việt Nam trong việc xây dựng chính sách thuế mang tính nhất quán đối với khung chính sách thuế toàn cầu (BEPS) về tính minh bạch và nỗ lực chống tránh thuế.
Trong khi mục tiêu của Nghị định là củng cố việc thực thi các quy định về giá GDLK tại Việt Nam, Nghị định mới này cũng tạo thêm một số yêu cầu về nghĩa vụ tuân thủ cho người nộp thuế. Mặc dù Nghị định 20 có hiệu lực kể từ ngày 1/5/2017, nhưng với những tác động tiềm ẩn lên các vấn đề vượt ra ngoài phạm vi giá GDLK, người nộp thuế cần sớm chủ động nghiên cứu, đánh giá mức độ của các tác động tiềm tàng đến việc tuân thủ quy định về thuế tại Việt Nam, cũng như đến các hoạt động kinh doanh của mình.
Theo Thời báo tài chính