Nghị quyết 35 truyền đi thông điệp mạnh mẽ về Chính phủ kiến tạo

Theo đánh giá của Bộ KH&ĐT, sau gần một năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 35/NQ-CP của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển DN đến năm 2020, bộ máy công quyền đã có sự chuyển biến về tư tưởng, nhận
Nghị quyết 35 truyền đi thông điệp mạnh mẽ về Chính phủ kiến tạo

95% thủ tục hành chính đã được đơn giản hoá

Bộ KH&ĐT vừa có Báo cáo Sơ kết 1 năm thực hiện Nghị quyết số 35/NQ-CP của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển DN đến năm 2020. Theo đó, đánh giá chung về kết quả đạt được, Bộ KH&ĐT cho rằng, kết quả đầu tiên và quan trọng nhất được hầu hết các DN, tổ chức trong nước và quốc tế đánh giá cao và ghi nhận là Nghị quyết đã góp phần tạo dựng niềm tin của cộng đồng DN, thể hiện những cam kết của Chính phủ đối với cộng đồng DN, truyền đi thông điệp mạnh mẽ về Chính phủ kiến tạo, phục vụ, hỗ trợ và thúc đẩy DN phát triển, coi DN là động lực phát triển kinh tế..

Về tình hình thực hiện các nhóm giải pháp hỗ trợ DN, trước hết, nhóm giải pháp cải cách hành chính, tạo thuận lợi cho DN đã đạt được những kết quả được cộng đồng DN ghi nhận. Cụ thể, với việc cải thiện môi trường kinh doanh, gia nhập thị trường cho DN, Bộ KH&ĐT cho rằng, nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh là điểm đáng ghi nhận trong thời gian qua.

Chính phủ đã ban hành 50 nghị định về điều kiện đầu tư kinh doanh theo Luật Đầu tư và Luật DN, trong đó tập trung cắt giảm nhiều thủ tục, giấy phép, tạo thuận lợi cho DN.

Một số lĩnh vực được cải thiện rõ rệt về thủ tục hành chính, điển hình là thủ tục về thuế và hải quan đã được đẩy mạnh thông qua việc áp dụng hiện đại hoá, giảm thủ tục, thời gian và chi phí cho DN. Hệ thống khai thuế qua mạng, nộp thuế điện tử đã được triển khai tại 63 Cục thuế và 100% chi cục thuế trực thuộc. DN kê khai điện tử đạt tỷ lệ 99,64 % và được hỗ trợ nộp thuế XNK bằng phương thức điện tử. Số thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực thuế năm 2016 đã giảm 85 thủ tục so với 2015…

Bên cạnh đó, cơ chế một cửa quốc gia của Việt Nam đã kết nối kỹ thuật thành công với 4 nước ASEAN (Indonesia, Malaysia, Thái Lan, Singapore) để trao đổi Giấy chứng nhận xuất xứ mẫu D cho hàng hóa XK có xuất xứ ASEAN. Cơ chế một cửa quốc gia đã kết nối chính thức với 11/14 Bộ. Ngoài thủ tục thông quan hàng hóa (Bộ Tài chính), 37 thủ tục hành chính của 9 Bộ còn lại đã được thực hiện thông qua Cơ chế một cửa quốc gia. Tổng số bộ hồ sơ hành chính đã được xử lý trên cổng là 264 nghìn bộ hồ sơ, với sự tham gia của hơn 8,2 nghìn DN.

Cũng theo Bộ KH&ĐT, các giải pháp nhằm cải cách thủ tục hành chính đã đạt được một số kết quả nhất định, theo đó, có 4.527/4.723 thủ tục hành chính (đạt tỷ lệ 95,85%) đã được đơn giản hoá. Chính phủ điện tử được triển khai nghiêm túc để công khai, minh bạch tạo điều kiện cho DN giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước qua môi trường mạng, công bố kết quả giải quyết kiến nghị của DN.

372 kiến nghị của DN được xử lý, trả lời

Đối với vấn đề tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho DN, Bộ KH&ĐT cho biết, hệ thống tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của DN trên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ (tại địa chỉ http://doanhnghiep.chinhphu.vn) do Văn phòng Chính phủ điều hành đã tiếp nhận tổng cộng 586 phản ánh, kiến nghị của DN.

Trong đó, Văn phòng Chính phủ đã phân loại, chuyển 489 phản ánh, kiến nghị tới các Bộ ngành, địa phương để xem xét, xử lý theo thẩm quyền. Đến nay, đã có 372 phản ánh, kiến nghị đã được các Bộ ngành, địa phương xử lý và trả lời, đạt tỷ lệ 76,1%.

Tại các địa phương, đường dây nóng được công khai, tổ chức hỏi đáp trực tuyến trên Cổng thông tin điện tử của tỉnh, thành phố để tiếp nhận và giải đáp khó khăn của DN. Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố đã tổ chức đối thoại, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho DN…

Nhiều địa phương triển khai nhiều sáng kiến trong đối thoại với DN như cà phê doanh nhân (Quảng Ninh, Trà Vinh, An Giang, Sóc Trăng…), khởi nghiệp - doanh nhân (Kon Tum), mô hình Bác sĩ DN (Bắc Ninh), thành lập Tổ điều hành thực hiện Nghị quyết 35 (Bà Rịa - Vũng Tàu), Tổ tư vấn, hỗ trợ khởi sự DN và phát triển DN (Trà Vinh), Tổ công tác hỗ trợ DN…

Đối với vấn đề tạo dựng môi trường thuận lợi hỗ trợ DN khởi nghiệp, DN đổi mới sáng tạo, theo Bộ KH&ĐT, tinh thần quyết tâm thúc đẩy khởi nghiệp, lập nghiệp của Thủ tướng Chính phủ không chỉ được các cơ quan nhà nước, địa phương hưởng ứng mạnh mẽ mà đã lan toả sang cả khu vực tư nhân.

Trong năm 2016, hàng trăm hội nghị, hội thảo, sự kiện, cuộc thi về khởi nghiệp được tổ chức. Có 28 không gian làm việc chung và sáng tạo ra đời, đa số của tổ chức tư nhân, mạng lưới các nhà đầu tư cá nhân cho khởi nghiệp bắt đầu được hình thành, nhận thức của cả xã hội về khởi nghiệp đã được nâng lên đáng kể.

Bên cạnh đó, các chính sách, biện pháp hỗ trợ DNNVV, hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo đã được rà soát, đánh giá và đề xuất lồng ghép vào Luật Hỗ trợ DNNVV

Đánh giá về các giải pháp giảm chi phí kinh doanh cho DN, Bộ KH&ĐT cho biết, để rà soát các quy định pháp luật về đất đai theo hướng điều chỉnh giảm tiền thuê đất, chi phí chuyển đổi mục đích sử dụng đất và các chi phí khác của DN, Bộ Tài chính đã báo cáo Chính phủ cho triển khai biện pháp mở rộng phạm vi áp dụng phương pháp hệ số điều chỉnh giá đất để xác định nghĩa vụ tài chính về tiền thuê đất cho DN.

Bên cạnh đó, về các khoản phụ thu bất hợp lý đối với hàng XNK, Bộ GTVT đã chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan lập tổ công tác liên ngành về việc các hãng tàu nước ngoài thu các khoản phụ thu bất hợp lý đối với hàng XNK của Việt Nam, đồng thời đề xuất xây dựng văn bản quy phạm pháp luật quy định về quản lý, giám sát đối với giá, phụ thu ngoài giá dịch vụ vận chuyển bằng đường biển của DN vận tải biển.

Đấu thầu mua sắm công qua mạng chỉ đạt 4,42%

Bên cạnh những kết quả đạt được kể trên, qua một năm thực hiện Nghị quyết 35, Bộ KH&ĐT cũng nhận thấy vẫn còn rất nhiều hạn chế cần được khắc phục trong thời gian tới.

Theo đó, việc bảo đảm quyền kinh doanh, quyền bình đẳng tiếp cận nguồn lực và cơ hội kinh doanh của DN là một trong những vấn đề còn tồn tại nhiều bất cập.

Đơn cử, trong lĩnh vực mua sắm công, tháng 4/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 13/CT-TTg về việc tăng cường sử dụng vật tư, hàng hóa sản xuất trong nước trong công tác đấu thầu các dự án đầu tư phát triển và hoạt động mua sắm thường xuyên sử dụng vốn nhà nước. Việc ban hành Chỉ thị sẽ góp phần đẩy mạnh sản xuất và tiêu dùng vật tư, hàng hóa sản xuất trong nước, giúp các DN và sản phẩm hàng hóa, dịch vụ nâng cao sức cạnh tranh trước áp lực về hội nhập khi thực thi các cam kết quốc tế.

Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện đấu thầu qua mạng nhằm công khai, minh bạch các dự án mua sắm công, tạo cơ hội tham gia của DN (đặc biệt là các DNNVV) chưa đảm bảo lộ trình theo yêu cầu của Chính phủ. Theo báo cáo, có đến 65/119 Bộ, ngành, địa phương không thực hiện gói thầu nào qua mạng, các đơn vị còn lại có thực hiện, nhưng tỷ lệ rất thấp. Tỷ lệ các gói thầu chào hàng cạnh tranh áp dụng đấu thầu qua mạng chỉ đạt 5,74%, đấu thầu rộng rãi áp dụng đấu thầu qua mạng chỉ đạt 4,42%, thấp hơn nhiều so với lộ trình quy định

Cũng theo đánh giá từ cộng đồng DN, vấn đề tiếp cận đất sản xuất kinh doanh của DN còn rất nhiều khó khăn, đặc biệt là DN trong nước, do giá thuê cao, diện tích cho thuê lớn so với nhu cầu của DN. Việc thu hồi đất và tính giá đất còn rườm rà, phức tạp, thiếu tính thực tiễn, việc tính giá đền bù chưa sát với thực tế thị trường. Quy hoạch không trùng khớp, thiếu nhất quán hoặc thông tin quy hoạch không rõ ràng, dẫn đến việc chấp thuận chủ trương đầu tư của DN gặp khó khăn.

Theo kết quả kiểm tra, khảo sát tại một số địa phương của Văn phòng Chính phủ về việc triển khai Nghị quyết 35/NQ-CP thì các DN, đặc biệt là các DNNVV rất khó tiếp cận với nguồn vốn tín dụng. Qua làm việc và trao đổi trực tiếp với một số UBND tỉnh, thành phố, Hiệp hội DN và DN các tỉnh, thành phố thì rất ít DNNVV tiếp cận được bảo lãnh tín dụng từ các Quỹ bảo lãnh tín dụng cho DNNVV ở các địa phương. Việc rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung quy định về bảo lãnh tín dụng cho DNNVV còn gặp nhiều lúng túng, đến nay vẫn chưa rõ cơ chế giải quyết.

Theo baohaiquan.vn

Có thể bạn quan tâm

VNDirect nâng dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam 2024 đạt 6,9%

VNDirect nâng dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam 2024 đạt 6,9%

VNDirect đã nâng dự báo tăng trưởng GDP năm 2024 của Việt Nam từ 6,7% lên 6,9%, đồng thời cho rằng GDP quý 4/2024 sẽ tăng 7,1%. Công ty chứng khoán này cũng đưa ra kịch bản lạc quan GDP của Việt Nam tiếp tục tăng trưởng 6,9% trong năm 2025...

VACOD-HBA thúc đẩy “nâng tầm” doanh nghiệp về kế toán, kiểm toán, AI

VACOD-HBA thúc đẩy “nâng tầm” doanh nghiệp về kế toán, kiểm toán, AI

TS Nguyễn Hồng Sơn, Chủ tịch VACOD-HBA mong muốn các doanh nghiệp không chỉ phát huy bản lĩnh, tinh thần vượt khó của “những người lính thời bình”, nắm bắt công nghệ mới, không ngừng học hỏi để giúp phát triển doanh nghiệp bền vững, mà còn xây dựng thành công văn hoá kinh doanh trong doanh nghiệp...