Nghiên cứu bổ sung mức phạt đối với hành vi ép khách hàng mua bảo hiểm

Mục tiêu là hướng đến thực hiện đồng bộ các giải pháp để phát triển thị trường bảo hiểm minh bạch, bền vững cũng như bảo vệ tốt hơn quyền lợi của người tham gia.
ép khách hàng mua bảo hiểm

Theo ông Ngô Việt Trung, Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm, thời gian qua, Bộ Tài chính, Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm cũng nhận được nhiều phản ánh về tình trạng nhân viên ngân hàng thương mại ép khách hàng mua bảo hiểm.

Ngân hàng là kênh tốt và hiệu quả, đặc biệt đối với các thị trường bảo hiểm phát triển trên thế giới. Đối với Việt Nam, trong thời gian qua, việc phân phối bảo hiểm qua ngân hàng có đóng góp lớn trong tổng doanh thu của thị trường bảo hiểm Việt Nam (khoảng 20% tổng doanh thu phí của thị trường bảo hiểm nhân thọ và khoảng 14% tổng doanh thu phí của thị trường bảo hiểm phi nhân thọ). Tuy nhiên, vì phát triển nhanh dẫn đến phát sinh một số bất cập trong quản lý, giám sát chất lượng dịch vụ bán bảo hiểm qua kênh ngân hàng.

Ông Trung cũng khẳng định, theo pháp luật kinh doanh bảo hiểm, nguyên tắc quan trọng đầu tiên là việc tham gia bảo hiểm phải dựa trên nguyên tắc tự nguyện. Với đại lý, dù là tổ chức hay cá nhân, phải tư vấn trung thực và tư vấn sản phẩm phù hợp với nhu cầu, khả năng tài chính của khách hàng. Hiện, trong các dự thảo văn bản hướng dẫn Luật Kinh doanh bảo hiểm số 08/2022/QH15, Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm đã bổ sung một loạt các giải pháp để đảm bảo minh bạch trong các tài liệu sản phẩm bảo hiểm; nguyên tắc tự nguyện để khách hàng hiểu được mục đích, sản phẩm bảo hiểm đó có phù hợp với mình không; các quy định về trách nhiệm của đại lý tư vấn bảo hiểm như nghiêm cấm việc tư vấn sai, tư vấn mập mờ gây hiểu nhầm giữa sản phẩm bảo hiểm và sản phẩm ngân hàng...

Các quy định này cùng với việc tăng cường quản lý giám, sát, thanh tra, kiểm tra sẽ bảo vệ tốt hơn quyền lợi của người tham gia.

Hiện, Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm đang trình Bộ Tài chính để trình Chính phủ sửa đổi quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm để phù hợp với nội dung của Luật Kinh doanh bảo hiểm số 08/2022/QH15 cũng như các văn bản hướng dẫn luật liên quan. Việc xử phạt bao gồm các hình thức phạt bằng tiền và các hình thức phạt bổ sung.

Thậm chí, hình phạt bổ sung có thể sẽ là hình thức cấm hoặc ngừng kinh doanh có thời hạn với nghiệp vụ nếu vi phạm nghiêm trọng. "Tôi nghĩ, hình phạt là một phần. Quan trọng nhất là nhận thức của doanh nghiệp bảo hiểm, ngân hàng thương mại, làm sao để hiểu và tuân thủ các quy định của pháp luật", ông Trung khẳng định. 

Có thể bạn quan tâm