Theo số liệu của Công ty tư vấn tăng trưởng Thương mại Điện tử YouNet ECI, tổng giá trị giao dịch (GMV) của 4 nền tảng Shopee, TikTok Shop, Lazada, Tiki trong 6 tháng đầu năm 2025 đạt 222.100 tỷ đồng, tăng 23% so với cùng kỳ.
Như vậy, ước tính, mỗi ngày người Việt chi hơn 1.233 tỷ đồng để mua sắm qua các kênh này, tăng hơn 25% so với năm ngoái.
Về cơ cấu thị phần, chỉ riêng hai sàn Shopee và TikTok Shop đã nắm tới 97% thị phần thương mại điện tử Việt Nam.
Trong đó, Shopee vẫn giữ vị trí dẫn đầu với 55% thị phần (đạt 122.200 tỷ đồng, giảm 6% so với cùng kỳ). TikTok Shop có sự tăng trưởng ấn tượng khi nâng thị phần từ 32,5% lên 42% (đạt GMV 93.300 tỷ đồng, tăng 148% so với cùng kỳ).
Xếp thứ 3 và 4 lần lượt là Lazada (5.800 tỷ đồng) và Tiki (837,6 tỷ đồng).
Ngành hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) tiếp tục đóng vai trò dẫn dắt, với mức tăng trưởng 167% trên TikTok Shop và 20% trên Shopee.
Theo YouNet ECI, mặc dù thị trường nở ra nhưng số lượng nhà bán có doanh thu lại giảm hơn 7.000 nhà bán so với cùng kỳ. Giải thích hiện tượng này, ông Nguyễn Phương Lâm, Giám đốc Phân tích thị trường tại YouNet ECI cho biết, khi người tiêu dùng mua ngày càng nhiều các sản phẩm thiết yếu trên thương mại điện tử, họ đặt niềm tin nhiều hơn vào thương hiệu uy tín và nhà bán lẻ lớn.

Cũng theo ông Lâm, một phần do áp lực phí sàn tăng và nhiều nhà bán nhỏ lẻ chưa chuyên nghiệp hoặc chưa thật sự đầu tư nên buộc phải rời cuộc chơi.
"Vì vậy, số lượng nhà bán giảm không phản ánh tình trạng chung của ngành. Bởi thực tế, các gian hàng Mall Shop vẫn tăng trưởng doanh thu đến 34% so với cùng kỳ", ông Lâm nói.
Báo cáo của YouNet ECI còn cho thấy, tuy số lượng nhà bán có doanh thu giảm đi nhưng doanh thu trung bình của mỗi nhà bán còn đang kinh doanh trên sàn lại tăng đến 27,6% so với cùng kỳ.
Đồng thời, giá trị trung bình của mỗi sản phẩm tiêu thụ trên sàn cũng tăng nhẹ 5,4% so với cùng kỳ. Đại diện một sàn thương mại điện tử cho biết giá trị đơn hàng trên sàn tăng vượt bậc cho thấy khách hàng sẵn sàng chi trả nhiều hơn trong 1 năm qua.

Trong bối cảnh hiện nay, ông Nguyễn Phương Lâm nhìn nhận, người tiêu dùng Việt đang mua sắm trực tuyến quanh năm, ở nhiều ngành hàng, và ngày càng chú trọng đến chất lượng.
"Do đó, doanh nghiệp cần nhìn nhận thương mại điện tử là kênh tiêu thụ chiến lược chứ không chỉ là nơi "xả hàng cuối năm". Đầu tư nghiêm túc trong xây dựng thương hiệu, chất lượng dịch vụ, và chuẩn bị tài chính để đi đường dài mới có thể cạnh tranh. Thương mại điện tử Việt Nam không còn chỗ cho tư duy ăn xổi", ông Lâm nhấn mạnh.