Anh Nguyễn Anh Tú, thương nhân kinh doanh tại chợ Sadovod, Moskva chia sẻ, ngay sau khi Nga bị loại khỏi hệ thống thanh toán quốc tế, cho đến hiện tại, trong quá trình giao dịch, buôn bán, anh vẫn sử dụng dịch vụ chuyển tiền qua ngân hàng từ Nga đi các nước, trong đó có về Việt Nam và rất thuận lợi.
Theo anh Tú, người dân, doanh nghiệp không chỉ chuyển tiền ra nước ngoài qua tài khoản ngân hàng được thực hiện bởi Hiệp hội Viễn thông Tài chính Liên ngân hàng Toàn cầu (SWIFT) mà còn có thể chuyển qua hệ thống nhắn tin tài chính của Ngân hàng Trung ương Nga (SPFS); qua đơn vị chuyển tiền quốc tế; qua các cửa hàng vàng bạc hoặc thanh toán cho đầu mối tại mỗi nước...”.
Chính từ thực tế này nên nhiều người cho rằng, việc sinh viên Việt Nam tại Nga chuyển hoặc nhận tiền từ Việt Nam không phải khó.
Chị Vũ Thị Mai (Định Công, Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết, chị có con gái lớn đang du học tại Nga năm thứ 4. Hơn 4 năm qua gia đình chị cũng nhiều lần chuyển tiền sang cho con gái học tập, sinh hoạt nhưng cũng không nhất thiết phải chuyển qua hệ thống SWIFT, mà tiện cách nào sẽ chuyển cách đó.
“Dù Nga bị Mỹ và các nước phương Tây trừng phạt phong tỏa giao dịch chuyển tiền qua ngân hàng bằng phương thức SWIFT nhưng tôi nghĩ các bậc phụ huynh như chúng tôi cũng như Việt kiều tại Nga có nhiều hình thức chuyển, nhận tiền khác, chỉ cần thông qua một cuộc điện thoại”, chị Mai nói.
Nhiều người Việt đang sinh sống tại Nga cũng đồng quan điểm cho rằng, trong khi các hoạt động kinh doanh buôn bán gặp khó do đồng rúp trượt giá sâu thì việc chuyển tiền qua ngân hàng từ Nga về nước hay ngược lại hiện không gặp bất cập gì. Vì ngoài SWIFT, còn có nhiều phương thức giao dịch khác nhau.
“Sau khi bị loại khỏi hệ thống thanh toán SWIFT, đúng là hoạt động giao dịch trực tiếp tại ngân hàng gặp đôi chút khó khăn do người dân đồng loạt đi rút tiền mặt tại các cây ATM và trực tiếp tại ngân hàng. Tuy nhiên, việc chuyển tiền về Việt Nam hay Việt Nam chuyển tiền sang Nga thông qua hệ thống ngân hàng không gặp khó khăn gì”, chị Nguyễn Thị Thanh, Việt kiều Nga sinh sống tại Moskva nói.
Chia sẻ về vấn đề này, đại diện Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) cho biết, các hoạt động giao dịch chuyển tiền từ trong nước ra nước ngoài, từ nước ngoài về Việt Nam đều được sự phê duyệt của Ngân hàng Nhà nước.
“Khi Nga bị loại khỏi SWIFT, các gia đình Việt Nam có du học sinh tại Nga khi chuyển tiền sang cũng không gặp trở ngại gì, vì không chỉ có một cách duy nhất là chuyển tiền qua SWIFT, mà còn nhiều cách khác nhau”, đại diện ngân hàng này nói.
Cũng khẳng định tương tự, đại diện Ngân hàng Hợp tác xã (Coop Bank) cho rằng lệnh trừng phạt này vẫn cho phép các ngân hàng Nga thực hiện thanh toán qua ngân hàng ở quốc gia không bị áp lệnh trừng phạt.
“Các biện pháp trừng phạt cũng không nhằm vào nhóm khách hàng của các ngân hàng bị trừng phạt nên việc chuyển tiền của người Việt sang Nga và từ Nga về Việt Nam sẽ không chịu ảnh hưởng”, vị này cho biết.
Trong khi đó, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh nói, thực tế nhiều năm trước đây, khi bị phương Tây trừng phạt, Nga đã chuẩn bị cho khả năng bị loại khỏi SWIFT và đã lập ra hệ thống thanh toán riêng, đó là SPFS. Đây là một hệ thống tương tự SWIFT, được Ngân hàng Trung ương Nga phát triển từ năm 2014.
Còn theo chuyên gia kinh tế, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, hiện tại Nga chỉ bị cắt kết nối SWIFT chứ không bị cấm vận xuất nhập khẩu. Do đó, hoạt động hàng đổi hàng vẫn sẽ diễn ra bình thường. Hàng nhập vào Nga sẽ được quy thành tiền, thông qua cách này mà hoạt động chuyển tiền giữa Nga với các nước khác vẫn diễn ra bình thường.
Dù không phân tích sâu vào các cách chuyển tiền khác ngoài SWIFT nhưng PGS.TS Đinh Trọng Thịnh vẫn cho rằng, phía Nga chắc chắn đã sẵn sàng thực hiện các phương án thay thế để duy trì hoạt động của các ngân hàng với đối tác và người dân. Còn phía Việt kiều ở Nga hay phụ huynh có con em du học tại Nga vẫn có thể chủ động chuyển tiền qua nhiều phương án khác nhau.
Được biết, SWIFTlà một tổ chức độc lập có trụ sở tại Bỉ, bao gồmmột hệ thống nhắn tin nội bộ giữa hơn 11.000 ngân hàng và tổ chức tài chính tại hơn 200 quốc gia.
Thống kê cho thấy, đã có hơn 40 triệu tin nhắn với lệnh chuyển hàng tỷ USD được gửi đi mỗi ngày thông qua SWIFT. Hiện nay có 291 thành viên ngân hàng của Nga nằm trong hệ thống SWIFT, đại diện cho 1,5% luồng giao dịch. Con số này tương đương với khoản thanh toán trị giá khoảng 800 tỷ USD mỗi năm.
Tại Việt Nam, Ngân hàng Liên doanh Việt - Nga (VRB) có giấy phép tham gia kênh thanh toán riêng sang Nga, cung cấp dịch vụ chuyển tiền song phương trực tiếp Việt - Nga, giúp các khách hàng và doanh nghiệp thực hiện các kênh thanh toán quốc tế giữa 2 nước trong nhiều năm qua.