Nguyên nhân nào khiến giá dầu cao hơn xăng?

Giá bán lẻ các loại dầu đang cao hơn xăng xuất phát từ nhiều nguyên nhân nhưng chủ yếu là do chênh lệch cung - cầu.
Nguyên nhân nào khiến giá dầu cao hơn xăng?

Tại thị trường trong nước, giá các mặt hàng dầu đã lần đầu vượt xăng. Sau kì điều hành ngày 5/9, dầu diesel và dầu hoả tăng lên 25.180-25.440 đồng/lít, trong khi xăng có giá 23.350-24.230 đồng/lit. Thực tế này bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân.

Trên thế giới, giá các sản phẩm chưng cất như dầu diesel, dầu hoả tăng vọt trên thị trường và vượt qua giá xăng. Reuters dẫn dữ liệu của AAA Gas Prices cho biết, năm ngoái người Mỹ phải trả bình quân 3,8 USD một gallon (khoảng 3,78 lít) xăng; dầu diesel là 3,29 USD một gallon. Hiện giờ giá đã đảo ngược, khi người Mỹ phải trả tới 5 USD cho mỗi gallon dầu diesel, cao hơn 0,5 USD so với xăng (trung bình 4,5 USD một gallon).

Điều này được giới phân tích lý giải một phần do thói quen của người tiêu dùng thay đổi. Theo họ, giá xăng tăng quá cao trong một năm qua đã khiến người tiêu dùng Mỹ, châu Âu chuyển từ sử dụng xe cá nhân chạy xăng, sang các phương tiện công cộng để tiết kiệm chi tiêu trong bối cảnh lạm phát leo thang.

Còn dầu là mặt hàng thường dùng trong sản xuất công nghiệp, vận tải, nông nghiệp thực phẩm... nên khó thay thế hay cắt giảm.

Ngoài ra, nhu cầu trữ, tăng mua nhiên liệu (chủ yếu là dầu) cho sưởi ấm mùa đông sắp tới của người dân các nước (châu Âu, Mỹ...) cũng khiến lực cầu về dầu tăng mạnh, đẩy giá mặt hàng này đi lên. Trong khi đó, nguồn hàng dự trữ trong kho và nguồn cung từ các nhà máy lọc dầu... sụt giảm sau đại dịch. Dữ liệu của Reuters cho biết, công suất của các nhà máy lọc dầu tại Mỹ đã giảm khoảng 800.000 thùng một ngày so với trước dịch Covid-19.

Tại châu Á, theo đánh giá của Bloomberg, nhu cầu về dầu diesel cũng đang tăng kỷ lục, trong khi tồn kho sản phẩm chưng cất này ở mức thấp. Việc loạt nhà máy lọc dầu sẽ bảo trì theo kế hoạch trong tháng 9 và 10, có thể sẽ làm tăng mất cân bằng cung - cầu mặt hàng dầu.

Có thể bạn quan tâm