Nguyên nhân thu hồi giấy phép của Ngân hàng Nông nghiệp Trung Quốc

Đại diện của NHNN cho biết, việc thu hồi Giấy phép văn phòng đại diện của Agricultural Bank of China Limited tại Hà Nội là tự đề nghị thu hồi do ngân hàng đã thành lập chi nhánh tại Hà Nội nên việc để
Nguyên nhân thu hồi giấy phép của Ngân hàng Nông nghiệp Trung Quốc

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) vừa ban hành Quyết định về việc thu hồi Giấy phép Văn phòng đại diện của Ngân hàng Nông nghiệp Trung Quốc (Agricultural Bank of China Limited) tại Hà Nội.

Theo quyết định này, phía Agricultural Bank of China phải có trách nhiệm thực hiện các thủ tục chấm dứt hoạt động, đóng cửa văn phòng đại diện theo quy định. Đồng thời, trong thời hạn tối đa 7 ngày làm việc, văn phòng đại diện của ngân hàng Trung Quốc này tại Hà Nội phải công bố quyết định thu hồi giấy phép trên phương tiện thông tin đại chúng và niêm yết tại trụ sở văn phòng đại diện.

Theo đại diện của NHNN , việc thu hồi giấy phép có 3 trường hợp là tổ chức tự đề nghị thu hồi giấy phép, bị thu hồi giấy phép và bị phá sản. Trường hợp thu hồi Giấy phép Văn phòng đại diện Ngân hàng Agricultural Bank of China Limited tại Hà Nội rơi vào lý do đầu tiên, đó là tự đề nghị thu hồi giấp phép. Hiện Ngân hàng Agricultural Bank of China Limited đã thành lập chi nhánh tại Hà Nội nên việc để Văn phòng là không cần thiết.

Văn phòng đại diện này của Agricultural Bank of China được NHNN cấp giấy phép thành lập chi nhánh số 80/GP-NHNN hồi tháng 3/2018. Trụ sở chính tại tòa nhà TNR, 54A Nguyễn Chí Thanh, phường Láng Thượng, quận Đống Đa (TP. Hà Nội).

Chi nhánh ngân hàng này được phép hoạt động trong các lĩnh vực như nhận các khoản tiền gửi, tiền tiết kiệm, cấp tín dụng dưới các hình thức cho vay, chiết khấu, phát hành thẻ tín dụng... và nhiều dịch vụ ngân hàng khác tại thị trường Việt Nam.

Theo giấy phép thành lập, Agricultural Bank of China - chi nhánh Hà Nội có vốn điều lệ 50 triệu USD với thời gian hoạt động là 99 năm. Người đại diện theo pháp luật là ông Yu Xiao Chen, đồng thời là Tổng giám đốc. Chi nhánh ngân hàng này đã chính thức đi vào hoạt động từ tháng 5/2018.

Tại Việt Nam, nếu tính cả văn phòng đại diện của Agricultural Bank of China nói trên, đến cuối năm 2018, có tổng cộng 52 văn phòng đại diện của tổ chức tín dụng nước ngoài hoạt động.

Trong đó, có rất nhiều ngân hàng cỡ lớn trên thế giới cũng đang mở văn phòng đại diện tại Việt Nam như Bank of Taiwan (Đài Loan); Commonwealth Bank of Australia; ICBC (Trung Quốc); JP Morgan Chase Bank (Mỹ)...

Về phía Agricultural Bank of China đây là nhà băng nằm trong nhóm "Big 4" tại Trung Quốc.

Ngân hàng được thành lập vào năm 1951, có trụ sở tại quận Đông Thành, Bắc Kinh. Hiện nhà băng này cũng đã mở chi nhánh tại nhiều thành phố thuộc các quốc gia khác ngoài Trung Quốc như London, Tokyo, New York, Frankfurt, Sydney, Seoul...

Theo số liệu từ Tập đoàn tài chính S&P Global Inc công bố hồi giữa năm 2018, Ngân hàng Nông nghiệp Trung Quốc là nhà băng lớn thứ ba trên thế giới với quy mô tổng tài sản toàn cầu lên tới 3.240 tỷ USD.

Hai nhà băng xếp trên cũng đến từ Trung Quốc bao gồm Industrial & Commercial Bank of China - Ngân hàng Công Thương Trung Quốc (ICBC) với 4.000 tỷ USD tổng tài sản và China Construction Bank - Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc với 3.400 tỷ USD tài sản toàn cầu.

>> Hàng loạt ngân hàng ngoại muốn rút vốn khỏi Việt Nam, trùng hợp hay xu hướng?

Có thể bạn quan tâm