Những nhà đầu tư đã bỏ ra số tiền lớn để đầu tư vào các sản phẩm bất động sản của FLC, từ biệt thự nghỉ dưỡng, codotel, căn hộ đến đất nền, đang đối mặt với nguy cơ mất trắng hoặc bị chôn vốn trong thời gian dài. Họ đã kiên nhẫn chờ đợi, hy vọng vào một giải pháp từ phía cơ quan chức năng và doanh nghiệp, nhưng 3 năm trôi qua, quyền lợi của họ vẫn chưa được đảm bảo.
LỜI HỨA "TRÊN MÂY" VÀ NHỮNG CAM KẾT BẤT THÀNH
Sau khi ông Trịnh Văn Quyết, cựu Chủ tịch Tập đoàn FLC, bị bắt vào ngày 29/3/2022 vì những sai phạm liên quan đến “Thao túng thị trường chứng khoán” và “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, hàng loạt dự án bất động sản của FLC trải khắp từ Bắc vào Nam đã rơi vào tình trạng “đóng băng”. Đây là hệ quả trực tiếp từ sự suy sụp của tập đoàn này, đẩy hàng nghìn nhà đầu tư vào cảnh khốn đốn.
Nhiều năm trước, các dự án từng được FLC quảng bá rầm rộ, hứa hẹn mang lại lợi nhuận hấp dẫn, giờ đây chỉ còn là những công trường dang dở hoặc thậm chí là bãi đất trống mà nhà đầu tư chưa thể nhìn thấy móng. Một số dự án đã bị dừng xem xét, thu hồi chủ trương nghiên cứu hoặc chấm dứt hoạt động do vướng mắc pháp lý và năng lực tài chính của chủ đầu tư.
FLC Grand Hotel Hạ Long nổi lên như một trong những ví dụ điển hình và nhức nhối nhất về những dự án có dấu hiệu lừa đảo của FLC sau khi cựu Chủ tịch Trịnh Văn Quyết bị bắt. Ở thời điểm hiện tại, không khó để bắt gặp hình ảnh nhiều nhà đầu tư từng rót tiền vào dự án này vẫn đang miệt mài treo băng rôn, tập trung đòi quyền lợi trước trụ sở FLC hay các cơ quan chức năng.
Theo chia sẻ của chị L.M (Hà Nội), một trong hơn 400 nhà đầu tư đã bỏ ra hàng tỷ đồng mua căn hộ condotel tại FLC Grand Hotel Hạ Long thì nay đã hoàn toàn vỡ mộng. Năm 2017-2018, khi cơn sốt bất động sản nghỉ dưỡng lên đỉnh điểm, Tập đoàn FLC đã “khuấy đảo” thị trường với dự án FLC Grand Hotel Hạ Long. Khoảng 450 phòng khách sạn view vịnh Hạ Long, cùng sân golf 18 hố được quảng bá rầm rộ với những mỹ từ hoa mỹ: Condotel 5 sao, "tọa sơn hướng hải", “tinh hoa bên bờ di sản”, “kỳ quan đứng giữa kỳ quan”.
Hơn 400 nhà đầu tư từ khắp các tỉnh thành, Việt kiều tại Pháp, Hàn Quốc, thậm chí người Singapore, đã tin tưởng “xuống tiền”, có người mua tới 4-5 căn. Một căn studio 45m2 view vịnh khi đó có giá tương đương một căn hộ 2 phòng ngủ phân khúc trung cấp ở nội thành Hà Nội.
FLC cam kết trả lợi nhuận hấp dẫn 12%/năm trong 8 năm khi nhà đầu tư đóng đủ 95% giá trị căn hộ, đồng thời nhấn mạnh sẽ trả tiền thuê trong bất kỳ hoàn cảnh nào, không có trường hợp bất khả kháng. Từ năm thứ 9, nhà đầu tư sẽ được hưởng 85% lợi nhuận sau thuế và chi phí vận hành. Ngoài ra, nhà đầu tư còn được hứa hẹn cấp sổ đỏ lâu dài, hỗ trợ vay vốn với lãi suất 0% trong 12 tháng và 15 đêm nghỉ miễn phí mỗi năm tại các khu nghỉ dưỡng của FLC.
Nhưng theo các nhà đầu tư dự án, đến cuối tháng 12/2018, FLC bàn giao căn hộ và chỉ định Công ty FLC Hạ Long quản lý, khai thác dự án, đồng thời ký hợp đồng thuê và quản lý tài sản với nhà đầu tư (lúc này đã là chủ sở hữu). Theo hợp đồng, FLC Hạ Long phải trả tiền thuê 12%/năm, chia 2 kỳ/năm trong 8 năm, và sau đó chia 85% lợi nhuận cho chủ sở hữu.
Tuy nhiên, ngay từ kỳ thanh toán đầu tiên vào tháng 6/2019, FLC Hạ Long đã không trả tiền thuê đúng như cam kết. Công ty này đưa ra hàng loạt lý do để trì hoãn, gây khó khăn đặc biệt cho những nhà đầu tư đang phải “oằn mình” trả lãi ngân hàng để vay mua căn hộ.
Dù các chủ sở hữu đã nhiều lần trực tiếp đòi tiền tại trụ sở FLC và FLC Hạ Long, mọi nỗ lực đều không mang lại kết quả. Sự phẫn nộ của hơn 400 nhà đầu tư vẫn ngày một lớn dần khi quyền lợi chính đáng của họ bị bỏ lơ...
NHÀ ĐẦU TƯ "NGỒI TRÊN LỬA"
Đáng chú ý, không phải chỉ dự án FLC Grand Hotel Hạ Long đang gặp vướng mắc mà còn rất nhiều nhà đầu tư các dự án khác của FLC sống trong sự lo lắng, trực chờ khi đã xuống tiền đầu tư nhưng dự án vẫn “nằm im bất động”. Một trong số các dự án đã từng tạm dừng triển khai trước đó là FLC Quảng Bình. Sau 9 năm triển khai dự án, khung cảnh ở đây vẫn hoang tàn, đổ nát, nhiều hạng mục công trình xây dựng dang dở, cùng với đó là khoảng trống đất mênh mông.
Ngoài ra, hàng loạt dự án của FLC bị "khai tử" trong năm 2022: Dự án khu đô thị mới, kết hợp khu du lịch nghỉ dưỡng hồ Suối Cam (Bình Phước); Dự án Nông nghiệp Công nghệ cao FAM - Kon Tum và dự án Tổ hợp sân golf, du lịch nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí và đô thị FLC Măng Đen; Dự án khu nghỉ dưỡng du lịch sinh thái cao cấp Eo Gió (Bình Định)…
Tại Đại hội đồng cổ đông bất thường lần 2 diễn ra hồi tháng 11/2024, đại diện FLC đã chia sẻ về hoạt động của doanh nghiệp, FLC đang quản lý danh mục 54 dự án tại 14 tỉnh thành trên cả nước (trước sáp nhập). Tập đoàn đang tích cực triển khai các giải pháp để tháo gỡ các vướng mắc về pháp lý và tài chính cho các dự án, đồng thời đẩy mạnh tìm kiếm đối tác có tiềm lực để hợp tác đầu tư, nhằm đảm bảo tiến độ và hiệu quả của các dự án.
Cụ thể, dự án FLC Tropical City Ha Long sau 18 tháng kể từ khi tái khởi động hiện đã hoàn thành khoảng 80% hạ tầng và đạt tiến độ thi công cao. Dự kiến, các căn hộ giai đoạn 1 sẽ được bàn giao từ tháng 12/2024 và sẵn sàng đưa vào hoạt động từ đầu năm 2025.
Các dự án trọng điểm khác như FLC Quảng Bình, quy mô hơn 2.000 ha cũng đã tái khởi động từ tháng 4/2024, hướng tới phát triển thành khu đô thị nghỉ dưỡng kết hợp giải trí đẳng cấp quốc tế.
Dự án FLC La Vista Sadec 15 ha tại thành phố Sa Đéc, Đồng Tháp đang được đẩy nhanh tiến độ để kịp bàn giao cơ bản cho khách hàng trong năm 2024. Dự án FLC Premier Parc diện tích 6,4 ha hiện đã hoàn thiện phần cơ sở hạ tầng và phần thô của các sản phẩm thấp tầng, dự kiến cung cấp thêm nhiều sản phẩm cao cấp cho thị trường bất động sản thủ đô...
Với số tiền đầu tư thực sự rất lớn, các nhà đầu tư bất động sản FLC, vẫn đang mong chờ một hướng giải quyết quyền lợi thiết thực và hiệu quả nhất từ phía doanh nghiệp và các cơ quan chức năng. Họ cần một lộ trình cụ thể để chấm dứt tình trạng "ngồi trên đống lửa" kéo dài suốt 3 năm qua.
Sự tương phản giữa việc nhà đầu tư cổ phiếu nhận bồi thường và nhà đầu tư bất động sản vẫn bế tắc cho thấy sự phức tạp trong việc xử lý các hệ quả của những vụ việc lớn liên quan đến các tập đoàn kinh tế. Đối với nhà đầu tư bất động sản, việc thu hồi lại quyền lợi không chỉ đơn thuần là vấn đề tài chính mà còn là sự ổn định về mặt tinh thần, cuộc sống.
Các cơ quan chức năng cần có những giải pháp đồng bộ và quyết liệt hơn nữa để tháo gỡ khó khăn cho các nhà đầu tư bất động sản của FLC. Việc rà soát, đánh giá lại tình trạng pháp lý của từng dự án, tìm kiếm phương án tái cấu trúc hoặc chuyển nhượng dự án cho các nhà phát triển bất động sản có năng lực là những bước đi cần thiết. Đồng thời, cần có cơ chế rõ ràng để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của nhà đầu tư, tránh để họ trở thành nạn nhân cuối cùng trong những sai phạm của doanh nghiệp.