“Gia Cát Dự” triển vọng kinh tế Việt Nam 6 tháng cuối năm 2025 và năm 2026

Chứng khoán SSI vừa nâng mạnh dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam năm 2025 lên 7,5 – 8%. Cải cách thể chế, khơi thông tư nhân và thỏa thuận thương mại với Mỹ là các yếu tố thúc đẩy chính...

anh-chup-man-hinh-2025-07-11-luc-194754.jpg

Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu còn nhiều biến động, Việt Nam đang cho thấy những nỗ lực quyết liệt trong cải cách thể chế, khơi thông nguồn lực và chủ động thích ứng với môi trường thương mại thay đổi. Báo cáo mới nhất của Công ty Chứng khoán SSI nhận định, các động lực chính sách đang tạo nền tảng cho giai đoạn phục hồi và tăng trưởng mạnh mẽ của nền kinh tế trong 6 tháng cuối năm 2025 và cả năm 2026. Dự báo tăng trưởng GDP năm 2025 đã được nâng lên mức 7,5 - 8%, phản ánh niềm tin vào triển vọng cải thiện rõ nét trên nhiều lĩnh vực.

CÚ HÍCH CHO TĂNG TRƯỞNG DÀI HẠN

Một trong những điểm sáng đáng chú ý trong triển vọng kinh tế Việt Nam 6 tháng cuối năm là việc triển khai Nghị quyết 68 – văn bản xác định khu vực tư nhân là động lực quan trọng hàng đầu của nền kinh tế. Theo SSI, nghị quyết này không chỉ xác lập vai trò trung tâm của kinh tế tư nhân mà còn đưa ra mô hình hợp tác công – tư (PPP) linh hoạt hơn, tiêu biểu là đầu tư công – quản lý tư, hoặc đầu tư tư – sử dụng công trong các lĩnh vực hạ tầng, văn hóa xã hội và công nghệ thông tin.

Cách tiếp cận theo mô hình “quản trị hỗn hợp” được đánh giá là thực tiễn, giúp tối ưu hóa nguồn lực và thúc đẩy trách nhiệm giữa Nhà nước và tư nhân. Tuy nhiên, theo Chứng khoán SSI, hiện tại các doanh nghiệp lớn sẽ là nhóm hưởng lợi trước tiên do có đủ năng lực tham gia vào các dự án hạ tầng quy mô lớn.

Việc triển khai mô hình này có một số điểm tương đồng với chiến lược chaebol của Hàn Quốc dựa trên tăng trưởng hướng xuất khẩu và lựa chọn ngành mũi nhọn, song Việt Nam vẫn giữ sự cân bằng hơn. Doanh nghiệp nhà nước tiếp tục đóng vai trò trụ cột trong các ngành then chốt, góp phần giữ ổn định vĩ mô, đồng thời tạo liên kết với khu vực tư nhân thay vì nhường toàn bộ thị trường cho các tập đoàn lớn.

Trong thời gian tới, để đảm bảo tính bao trùm, cần tạo điều kiện thực chất cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME). Theo SSI, điều này cần được thực hiện thông qua cơ chế tiếp cận công bằng với tài sản công, đất đai, và các chính sách hỗ trợ rõ ràng, dễ thực thi. Bên cạnh đó, cải thiện hành lang pháp lý cũng là yếu tố thiết yếu để khu vực tư nhân năng động hơn, đóng góp tích cực vào thị trường vốn và nền kinh tế.

Một điểm đột phá khác trong cải cách thể chế là việc Quốc hội thông qua một nghị quyết đặc biệt vào tháng 6, cho phép Chính phủ chủ động sửa đổi luật và nghị quyết theo cơ chế thí điểm (hiệu lực đến tháng 2/2027). Theo đó, các vướng mắc pháp lý trong những lĩnh vực quan trọng như đất đai, thuế, tài chính và đổi mới sáng tạo có thể được tháo gỡ nhanh hơn.

anh-chup-man-hinh-2025-07-11-luc-193202.jpg

Việc thành lập Hội đồng Thẩm định độc lập do Bộ Tư pháp chủ trì được kỳ vọng sẽ đảm bảo tính minh bạch và nghiêm ngặt. Khi được triển khai hiệu quả, cơ chế này sẽ giúp giảm chi phí tuân thủ, rút ngắn thời gian phê duyệt dự án, đồng thời củng cố niềm tin của giới đầu tư trong và ngoài nước.

GỠ RÀO CẢN THƯƠNG MẠI VÀ ỔN ĐỊNH CHÍNH SÁCH TIỀN TỆ

Theo phân tích của Chứng khoán SSI, trên bình diện quốc tế, sự kiện quan trọng là Việt Nam đạt được thỏa thuận khung thương mại đối ứng với Hoa Kỳ vào ngày 2/7/2025. Theo đó, Việt Nam chấp nhận mức thuế 20% đối với hàng hóa có xuất xứ từ Việt Nam và 40% với hàng hóa quá cảnh qua lãnh thổ Việt Nam. Đổi lại, Việt Nam cam kết giảm thuế nhập khẩu từ Mỹ xuống 0%.

Việt Nam trở thành quốc gia thứ ba trên thế giới có thỏa thuận này với Mỹ. SSI nhận định mức thuế 20% là chấp nhận được, thấp hơn mức 30% áp dụng cho Trung Quốc, nhưng cao hơn mức 10% của Anh. Mức thuế này thay thế phần lớn các loại thuế khác, ngoại trừ một số sắc thuế ngành đặc thù (như Mục 232 của Mỹ).

Tuy nhiên, thách thức lớn hơn nằm ở quy tắc xuất xứ (ROO), hiện vẫn trong quá trình đàm phán. Nếu các tiêu chí xuất xứ quá nghiêm ngặt, tương tự quy tắc “từ sợi trở đi” từng áp dụng trong TPP thì doanh nghiệp Việt Nam sẽ khó tận dụng được lợi ích từ thuế suất ưu đãi. Những ngành có tỷ lệ nội địa hóa thấp như công nghệ cao hay dược phẩm là nhóm chịu ảnh hưởng rõ nhất.

Ngoài ra, các cuộc điều tra thương mại vẫn đang diễn ra đối với một số mặt hàng chiến lược như bán dẫn, dược phẩm, có thể ảnh hưởng tới xu hướng xuất khẩu trong thời gian tới. Trong bối cảnh này, Chính phủ dự kiến sẽ có các chính sách hỗ trợ có mục tiêu như giảm tiền thuê đất, ưu đãi thuế, và hỗ trợ đầu tư cho các ngành công nghệ cao.

Chứng khoán SSI đánh giá rằng các doanh nghiệp FDI có thể linh hoạt cơ cấu lại chuỗi sản xuất và thị trường để thích nghi với mức thuế từng thị trường, qua đó hạn chế tác động. Ước tính, tác động của thỏa thuận này lên GDP Việt Nam là không lớn, ở mức tối đa khoảng 0,82% trong năm 2025.

anh-chup-man-hinh-2025-07-11-luc-193149.jpg

Về chính sách tiền tệ, xu hướng nới lỏng đang dần quay trở lại khi tăng trưởng toàn cầu suy yếu và dư địa tài khóa bị thu hẹp. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) được dự báo sẽ cắt giảm lãi suất 2 lần trong năm 2025 và thêm 3 lần trong năm 2026. Các ngân hàng trung ương tại các nền kinh tế mới nổi, trong đó có Việt Nam, được kỳ vọng sẽ điều chỉnh tương ứng để bảo vệ tỷ giá và tăng cường ổn định tài chính.

SSI cho rằng lãi suất chính sách tại Việt Nam sẽ giữ ổn định trong nửa cuối năm 2025, nhưng có thể giảm khoảng 50 điểm cơ bản trong năm 2026 để hỗ trợ tăng trưởng. Về tỷ giá, USD/VND có thể tiếp tục biến động trong quý 3 nhưng sẽ ổn định hơn vào quý 4, nhờ vào kiều hối mùa vụ và dòng vốn FDI, FII quay lại mạnh mẽ trong bối cảnh kỳ vọng nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam gia tăng.

Ngoài ra, việc cải cách quản lý thị trường vàng và triển khai các chương trình thí điểm về tài sản số cũng là những yếu tố tích cực giúp ổn định thị trường tiền tệ.

Nhờ kết quả vượt mong đợi trong nửa đầu năm 2025 và sự hỗ trợ của loạt chính sách điều hành linh hoạt, Chứng khoán SSI đã nâng dự báo tăng trưởng GDP cả năm lên 7,5 – 8%. Trong đó, tiêu dùng và đầu tư nội địa được kỳ vọng trở thành động lực chính, trong khi các yếu tố bên ngoài đóng vai trò hỗ trợ.

Đà cải cách thể chế tiếp tục được đẩy mạnh, cùng với sự tinh gọn bộ máy nhà nước và nỗ lực xây dựng môi trường kinh doanh minh bạch, được kỳ vọng sẽ đặt nền móng vững chắc cho tăng trưởng bền vững trong năm 2026.

Xem thêm

“Lá chắn kinh tế" cho doanh nghiệp logistics Việt Nam

“Lá chắn kinh tế" cho doanh nghiệp logistics Việt Nam

Trước những biến động chưa từng có của nền kinh tế thế giới, để hội nhập sâu hơn và chuỗi cung ứng toàn cầu, các doanh nghiệp ngành logistics của Việt Nam phải sớm có những bước chuyển mình chiến lược…

Tính đến giữa năm 2025, thị trường tài sản mã hóa toàn cầu đã vượt mốc 2.000 tỷ USD

Thị trường tài sản mã hóa: Thí điểm để khai mở tương lai

Trong hành trình kiến tạo một nền kinh tế số hiện đại, việc Chính phủ giao Bộ Tài chính chủ trì, khẩn trương xây dựng và trình dự thảo Nghị quyết về thí điểm thị trường tài sản mã hóa là một bước đi vừa táo bạo, vừa rất cần thiết...

Có thể bạn quan tâm

Gen Y và Gen Z định nghĩa sao về bảo hiểm Việt Nam

Gen Y và Gen Z định nghĩa sao về bảo hiểm Việt Nam

Trong làn sóng chuyển mình của thị trường bảo hiểm Việt Nam giai đoạn 2025 - 2030, hai thế hệ người tiêu dùng lớn nhất là Gen Y và Gen Z không chỉ là động lực tăng trưởng mà còn là tác nhân thúc đẩy ngành tái cấu trúc theo hướng hiện đại, số hóa và cá nhân hóa...

Top 10 công ty bảo hiểm nhân thọ uy tín tại Việt Nam năm 2025

Top 10 công ty bảo hiểm nhân thọ uy tín tại Việt Nam năm 2025

Sau giai đoạn trầm lắng, thị trường bảo hiểm Việt Nam đang dần lấy lại nhịp tăng trưởng trong năm 2025. Những chuyển biến tích cực không chỉ đến từ nội lực phục hồi của doanh nghiệp, mà còn được thúc đẩy đặc biệt bởi cuộc cách mạng công nghệ mạnh mẽ trong toàn ngành...