Gần kết thúc nửa đầu năm 2017, nhiều ngân hàng thương mại đang tính toán lạc quan lợi nhuận. Chi phí trích lập dự phòng trở thành “nhạc trưởng”, sẽ có ảnh hưởng nhất.
Ngân hàng Công thương Việt Nam (VietinBank), thành viên dẫn đầu lợi nhuận toàn hệ thống những năm gần đây, theo tìm hiểu của VnEconomy, 6 tháng đầu năm nay có thể đạt tăng trưởng lợi nhuận tới 50% so với cùng kỳ.
Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), tương ứng, con số chốt lại hai quý đầu năm nếu đạt trên dưới 4.800 tỷ đồng cũng sẽ không bất ngờ, vì Vietcombank đã sạch nợ tại Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC), cũng như đã thực hiện trích lập dự phòng rủi ro đạt tỷ lệ rất cao (khoảng 121% tổng nợ xấu tính đến cuối 2016, bao gồm cả dự phòng chung).
Ngân hàng Sài Gòn - Hà Nội (SHB) dự kiến đánh dấu sự trở lại thực sự sau 5 năm sáp nhập Habubank, với khoảng 800 tỷ đồng lợi nhuận sau 6 tháng. Sức bật của SHB còn tiềm năng ở thương vụ trị giá khoảng 1.600 tỷ đồng, đã ký với đối tác nước ngoài, cũng như công ty tài chính tiêu dùng dự kiến bắt đầu nhập cuộc trong quý 3 tới.
Đó là những con số dự kiến chung tại một số thành viên điển hình, gắn với tình hình kinh doanh có xu hướng tốt lên.
Còn ở bình diện chung, 6 tháng đầu năm cũng như cả năm 2017, dự báo lợi nhuận ngân hàng sẽ rất uyển chuyển, trầm bổng với “nhạc trưởng” là chi phí trích lập dự phòng rủi ro.
Thử nhìn sang trường hợp Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank). Tại đây có hơn 52% cổ phần mà Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) nhận ủy quyền, đang là tài sản thế chấp.
Không có thông tin cụ thể công bố mức độ khoản vay liên quan, cũng như cập nhật tình hình của nó. Nhưng xét một cách tương đối, cách đây vài năm, giá cổ phiếu STB của Sacombank ở mức khác, gắn với hạn mức cho vay nào đó. Khi giá cổ phiếu này giảm về khoảng 8.000 đồng/cổ phiếu, nếu bên vay gặp khó khăn và không bù đắp đủ giá trị tài sản thế chấp…, ngân hàng phải tăng trích lập dự phòng.
Từ đầu năm đến nay, giá cổ phiếu STB đã tăng rất mạnh, mức cao gần đây lên tới khoảng 14.500 đồng/cổ phiếu. Nếu theo thông thường, trong một tình huống giả định, Sacombank sẽ hoàn nhập hoặc chí ít cũng giảm bớt chi phí dự phòng ở khoản vay liên quan, có lợi cho lợi nhuận.
Xét rộng ra, sự tăng trưởng nói chung của thị trường chứng khoán từ đầu năm đến nay, cũng như triển vọng của năm nay, đang mở ra cơ hội hoàn nhập hoặc giảm thiểu chi phí trích lập dự phòng và có tác động tốt tới lợi nhuận của những trường hợp có khoản vay thế chấp bằng cổ phiếu gặp khó khăn trước đây.
Tương tự, sự hồi phục của thị trường và giá bất động sản, thậm chí có biểu hiện sốt ở một số phân khúc, cũng tác động đến giá trị tài sản thế chấp, cũng mở ra cơ hội cải thiện chi phí trích lập dự phòng của các nhà băng nói chung, tốt cho lợi nhuận…
Rông hơn nữa, với nghị quyết về xử lý nợ xấu mà Quốc hội vừa ban hành, cơ hội giãn thời gian và lộ trình trích lập dự phòng rủi ro cũng tạo điều kiện cho các ngân hàng giảm thiểu chi phí trước mắt, bớt tác động tiêu cực tới lợi nhuận.
Trao đổi với VnEconomy, lãnh đạo một ngân hàng thương mại cũng nhấn mạnh đến vai trò của “vị nhạc trưởng” đó.
Theo người trong cuộc này, cơ chế và mức độ trích lập dự phòng rủi ro, quan điểm và lựa chọn liên quan, khiến lợi nhuận ngân hàng trở nên rất uyển chuyển trong năm nay.
Thứ nhất, mặc dù lợi nhuận là những con số cùng thể hiện kết quả, nhưng việc hình thành chúng lại có thể khác nhau căn bản.
Nhiều ngân hàng thương mại Việt Nam đang hướng đến thực hiện tiêu chuẩn Basel 2, chặt chẽ hơn trong xác định các tỷ lệ an toàn. Liên quan đến lợi nhuận, nếu chọn áp dụng theo tiêu chuẩn cao hơn, hay khác nhau giữa phân loại nợ theo định tính hay định lượng, đều cho kết quả khác nhau.
Thứ hai, quan điểm và đánh giá của chính mỗi ngân hàng đối với chất lượng tài sản liên quan đến các khoản vay cũng sẽ khiến lợi nhuận trầm bổng theo chủ quan nhất định.
Giả sử, theo quy định, khoản vay 100 đồng là nợ xấu, ngân hàng được phép khấu trừ 30% là 30 đồng giá trị tài sản đảm bảo. Thông thường, nhiều trường hợp muốn khấu trừ tối đa, để bớt chi phí trích lập dự phòng và bớt ảnh hưởng đến lợi nhuận.
Ngược lại, không loại trừ tình huống ngân hàng thận trọng, hoặc chưa muốn thể hiện một con số lợi nhuận gây chú ý…, mức độ đánh giá có thể giảm dưới 30%, đồng nghĩa với chi phí trích lập dự phòng tăng lên và lợi nhuận được kiềm chế bớt.
Dù theo hướng nào, dù sẽ có tác động tích cực nhất định từ sự hỗ trợ của nghị quyết xử lý nợ xấu, nhưng điều chắc chắn là năm nay Ngân hàng Nhà nước vẫn sẽ xem xét chặt chẽ lợi nhuận của từng thành viên, để giới hạn mức phân phối lợi nhuận, chia cổ tức, lương thưởng…
Bởi điểm ưu tiên lớn nhất của toàn hệ thống hiện nay, có lợi nhuận tốt càng phải tập trung nguồn và lực cho xử lý nợ xấu.
Theo Minh Đức/ VnEconomy