Thông tin từ Bộ Công thương cho biết, lượng than đá nhập khẩu chủ yếu để phục vụ các nhà máy điện than.
Tuy nhập khẩu than đá tuy tăng về giá trị nhưng giảm về số lượng. Cụ thể, giá nhập khẩu bình quân 7 tháng đầu năm 2022 khoảng 5,8 triệu đồng/tấn, gấp gần 3 lần so với giá bình quân nhập khẩu than cùng kỳ năm 2021 (tổng kim ngạch 2,1 tỷ USD, bình quân giá than là 2,1 triệu đồng/tấn).
Nhu cầu sử dụng than đá, xăng dầu, khí đốt trong những tháng cuối năm 2022 còn tiếp tục tăng cao, Việt Nam vẫn cần nguồn than lớn cho các nhà máy nhiệt điện, sản xuất phân bón, hóa chất, xi măng...
Theo kế hoạch, riêng sản lượng than cấp cho các nhà máy nhiệt điện năm 2022 là 35 triệu tấn, tuy nhiên, Tập đoàn Than và Khoáng sản Việt Nam (TKV) cho biết, việc cung cấp phụ thuộc nhiều nhập khẩu.
Số liệu từ TKV cho biết, 7 tháng đầu năm tập đoàn này đã sản xuất đạt trên 24,2 triệu tấn than, tiêu thụ đạt 28,3 triệu tấn… Kế hoạch còn lại 5 tháng cuối năm: sản xuất than 15,3 triệu tấn; than tiêu thụ 17,3 triệu tấn, trong đó than cho nhiệt điện hơn 13,7 triệu tấn; phấn đấu năm 2022, than sản xuất đạt 41,5 triệu tấn, than tiêu thụ đạt 45,6 triệu tấn, trong đó than cấp cho nhiệt điện 35 triệu tấn.
Trong bối cảnh nguồn cung than trong nước phục vụ sản xuất điện thiếu hụt, việc đẩy nhanh việc nhập khẩu than từ các thị trường Australia, Nam Phi...được các Bộ ngành, doanh nghiệp rốt ráo triển khai tìm nguồn ngay từ đầu năm.
Dù vậy, giá nhập khẩu tăng mạnh do ảnh hưởng tiêu cực từ tình hình địa chính trị trên thế giới đang là thách thức của việc nhập khẩu.
Giá than nhập khẩu tăng cao đang gây áp lực lớn, giảm hiệu quả kinh doanh đối với hoạt động sản xuất điện trong nước. Than chiếm khoảng 90% trong cơ cấu chi phí nguyên vật liệu của các doanh nghiệp nhiệt điện than, trong khi giá nguyên liệu này tăng vọt nhưng doanh nghiệp không được tăng giá bán điện.