Nhật ký Gapado: Tha thứ!

Mang danh một nhà văn, tôi phải đến những nơi này, để hiểu thấu được từng nỗi đau của dân tộc tôi và của các dân tộc trên thế giới đã từng trải qua chiến tranh...

z5965200055973-dd424f164e186d8745fc51217bce2dcb.jpg

Tôi có tính tiết kiệm bởi sinh ra và lớn lên trong thời bao cấp. Biết tính tôi chồng con động viên, đừng tiết kiệm nhé cứ ăn tẹt ga đi. Bạn bè cùng bảo, món nào ngon thì ăn nhé đừng tiết kiệm. Nào đâu tôi có tiết kiệm. Trên đảo nhỏ không có siêu thị không có chợ muốn ăn ngon phải sang đảo lớn. Sang đảo lớn phải đi tàu, thời tiết xấu là tàu không đi.

Ngày chủ nhật mưa thời tiết xấu không có tàu ra đảo, chúng tôi chỉ còn một ít gạo rong biển và củ quả, Buổi chiều hửng nắng chúng tôi đi dạo, đã 3 ngày không ra khỏi nhà rất bí bức. Tôi muốn thăm nhà thờ nhà thơ Kim dẫn tôi đến. Một nhà thờ nhỏ màu trắng, không hiểu sao tôi lại nhớ đến một truyện ngắn của Sergey Pushkin. Trong đêm tối mưa gió có một bé gái xinh đẹp vào nhà thờ trú, đêm tối bịt bùng như đồng lõa và dục vọng của cha nổi lên, dù có là cha sứ thì bản ngã cha vẫn là người đàn ông mà. Nhìn vẻ mặt thánh thiện của cô bé cha sứ đã dùng con dao để cắt một ngón chân để kìm nén dục vọng…

Nhà thờ đang cắt cỏ, mùi cỏ thơm ngọt khiến tôi sảng khoái vô cùng. Chúng tôi rảo bước quanh nhà thờ rồi đi ra phía biển, sóng to. Tôi muốn đi men đường biển nhưng nhà thơ Kim lo sợ sóng to có thể bất chợt dềnh lên như sóng thần cuốn chúng tôi đi. Chúng tôi đi xuyên ra cánh đồng nơi có những ngôi mộ được quây đá. Nhà thơ Kim nói với tôi:

- Ở Jeju những ngôi mộ được nằm trên cánh đồng để gần gũi với gia đình.

Tôi nói với nhà thơ Kim:

- Ở Việt Nam cũng thế, trước đây những ngôi mộ cũng nằm giữa cánh đồng lúa.

Chúng tôi quyết định vào nhà hàng quen để ăn mì hải sản. Bà chủ quán nói:

- Không còn nguyên liệu, không còn gì cả.

Nhà thơ Kim mua một chai rượu gạo. Buổi tối chúng tôi lại ăn mì nấu với rong biển uống rượu gạo. Tôi mở clip thầy Khang khóc khi cầm danh sách các cháu thôn Làng Nủ gặp thiên tai trong cơn bão số 3. Thầy nhận nuôi các cháu đến khi trưởng thành, danh sách 19 cháu mà giờ chỉ còn 6 cháu. Đau thương vô chừng, thầy nói, giờ có muốn nuôi cũng chẳng còn mà nuôi nữa rồi. Chúng tôi cùng lặng đi. Nhà thơ Kim nói:

- Hãy nhìn vào đảo Gapado mà xem sự biến đổi khí hậu đã ảnh hưởng rất nhiều.

- Đúng thế và thủ phạm chính là con người. Rừng đầu nguồn bị chặt phá. Tham nhũng và ngu dốt cũng là một nguyên nhân nữa. Tôi trả lời .

- Đúng thế, loài người không biết có còn tồn tại được 100 năm nữa không? Nhà thơ Kim nói.

Tôi trả lời:

- Trong lịch sử phát triển của loài người tôi tin đã có nhiều lần diệt vong rồi và lại phát triển. Phát triển đến đỉnh cao trí tuệ lẫn bản ngã xấu xa thế rồi diệt vong. Rồi lại bắt đầu lại. Hiện nay đang có một học thuyết cho rằng đến năm 2064 con người sẽ thay đổi toàn cục, từ bỏ tham sân si để sống hòa hợp cùng thiên nhiên, không sở hữu của cải nữa và thậm chí còn người khi ấy không sinh con đẻ cái nữa… dân số sẽ tụt xuống chỉ còn 2 tỉ chứ không phải 8 tỉ như bây giờ. Dân số đông cũng là một nguyên cớ để diệt vong?

z5965199265318-70736b896d3595748c469cd09f94a171.jpg

- Bạn nói điều đó có thật không? Nhà thơ Kim hỏi tôi.

- Tôi cũng không thể khẳng định có thật hay không nhưng tôi tin vào điều đó. Tôi còn tin một điều rằng gia đình và con cái cũng là nguyên nhân để cho con người tham lam. Người ta cứ vin vào cái cớ, tôi phải nuôi gia đình tôi phải nuôi con cái tôi phải cho con cái một cuộc sống tốt đẹp…

- Nhiều tài phiệt họ rất tham lam họ cũng không có gia đình mà. Nhà thơ Kim phản biện lại tôi.

- Nhưng họ có cả dòng họ phía sau.

Chúng tôi im lặng một chút rồi đổi chủ đề. Nhà thơ Kim nói:

- Nếu mai thời tiết vẫn xấu thì chúng ta sẽ sang hàng xóm để xin đồ ăn. Hàng xóm rất quan trọng bạn có thấy không? Tôi đã chứng kiến nhiều người trút hơi thở cuối cùng không phải trong tay người thân mà trong tay hàng xóm.

- Vâng tôi đồng ý với bạn điều này.

Đúng kiểu dân cơm “đầu ghế” hay nói ăn như tu ở như tù nói chuyện như lãnh tụ. Hai mụ đàn bà viết lách quèn ngày mai hết gạo mà nói những chuyện to tát như đúng rồi.

Nhà thơ Kim về rồi tôi quay lại với cái mũ đang móc dở, não vẫn chưa dứt khỏi clip của thầy Khang. Vừa rịn nước mắt vừa nghĩ đến cái thời 4.0 này, quả là ngồi một chỗ biết ngoài vạn dặm thật. Biết rồi thì lắm lúc cũng tức anh ách. Ví như cái chuyện rất nhỏ, một thanh niên bơi từ trong căn biệt thự chìm trong dòng nước lũ ra nhận đồ cứu trợ, các anh hùng bàn phím nhảy ra chê trách nhà giàu thế còn nhận đồ cứu trợ? Hỏi rằng trong cơn lũ bủa vây hàng tuần như thế thì làm gì còn đồ ăn?

Nhẽ phải kể lại cho các anh hùng bàn phím câu chuyện cổ tích, rằng có một ông vua tham lam ông ta muốn tất cả mọi thứ trong tay ông ta đều biến thành vàng. Thượng đế đã cho ông ta được đúng ý nguyện, mọi thứ khi tay ông vua đụng đến đều biến thành vàng dù đó có là cục đất thó. Và cả cơm ăn nước uống hàng ngày của ông vua cũng biến thành vàng khi đụng vào cơ thể của ông ta. Cuối cùng ông vua đã bị chết đói.

Đạo diễn Oh hẹn tôi và nhà thơ Kim đi tham quan chợ truyền thống và một số địa điểm lịch sử bên đảo Jeju. Trời nắng to. Tôi ăn diện điệu đà khiến giám đốc Quỹ cứ nhìn tôi rồi khen “Nice! Nice!”, cô ấy còn sờ vào chiếc khăn và chiếc vòng của tôi. Điểm đầu tiên chúng tôi đến là chợ truyền thống. Lần thứ hai tôi đặt chân đến đây và tất cả các gian hàng đều mê hoặc tôi.

Tôi phăng phăng bước lên trước đến những gian hàng tôi cần mua, đầu tiên là táo 10.000 won 6 quả, rồi đến hàng nấm, tôi mua nấm đùi gà nấm kim chi và giá đỗ tương… Tôi muốn mua cá tươi nhưng Oh nói, đến chiều mới quay về nhà sợ cá ươn mất. Tôi mua một bó hẹ to. Nặng quá rồi, nhà thơ Kim cho vào ba lô còn tôi xách một túi to đùng vậy mà qua hàng cá khô tôi vẫn quyết mua thêm 1 đấu cá cơm khô, vẫn là cái đấu vuông bằng gỗ. Vừa mua hàng tôi vừa ngắm những gương mặt, sao thân quen đến thế. Rồi trong tim tôi ngân lên những nốt nhạc của đứa bé gái theo chân mẹ đi chợ từ lúc ba bốn tuổi.

z5965198813974-4d59fe4bf5d010e9b4c0e8f4fd8088fb.jpg

Đi chợ xong thì đã quá ngọ, đạo diễn Oh đưa chúng tôi đi ăn trưa. Đến một nhà hàng thì đã đóng cửa, đến một nhà hàng khác cũng… đóng cửa. Nhà thơ Kim nói với tôi, kinh tế Hàn Quốc bị suy thoái nặng nề. Tôi trả lời, I know. Đến nhà hàng thứ ba mới mở cửa.

Đạo diễn Oh đưa thực đơn cho tôi. Tôi cười trừ bụng nghĩ thầm, biết gì đâu mà hỏi chứ. Nhà thơ Kim bật máy dịch, tôi nói, tôi sẽ ăn theo mọi người. Bữa ăn rất xôm, có ba loại cá đặc sản khá đắt, nhưng hợp khẩu vị nhất với tôi là khoai lang chiên và thịt lợn rang trên chảo gang.

Chúng tôi phải tranh thủ thời gian vì 16 giờ sẽ hết tàu sang đảo có nghĩa là nếu không kịp tàu chúng tôi sẽ phải ở lại trên đảo Jeju. Trong cái nắng gắt giữa trưa chúng tôi đến thăm di tích nhà ông thầy vốn là một ông quan trong triều đình bị đầy ra đảo. Trên đảo ông đã mở lớp dạy thư pháp. Nếp nhà từ thế kỷ 17 với chum với vại với cây rơm mái rạ… nước mắt tôi cứ thế trào ra. Tuổi thơ của tôi ơi đã bao lần tôi dựa lưng vào gốc cây rơm rồi ngủ quên đã bao lần tôi bắt được quả trứng gà của thị gà mái đẻ rơi đã bao lần đôi bàn tay nhỏ xíu đi rút rơm cho mẹ nấu cơm. Và cái toa lét là chiếc cầu đá bắc trên chuồng lợn, có nhiều bận ngồi ở trên lợn cứ hồng hộc phía dưới sợ chết khiếp. Bước chân tôi cứ như bị găm lại tôi không muốn rời nơi ấy. Tôi muốn được ngồi để trò chuyện với ông thầy. Tôi muốn được làm học trò của ông. Đạo diễn Oh quay lại tìm tôi, chúng tôi không thể nấn ná thêm. Chúng tôi đến bảo tàng nhỏ, nơi lưu giữ những bức thư pháp của ông thầy và học trò của ông.

Điểm thứ ba chúng tôi đến là sân bay, nơi Nhật bản cất giấu máy bay chiến đấu. Vẫn còn nguyên đó những căn hầm cất giấu máy bay nằm giữa cánh đồng rộng. Những người nông dân đang làm đất chuẩn bị cho vụ thu đông. Đất được máy cầy rất tơi đánh luống, có chỗ đất được vun thành đống cao trộn phân rồi sau đó mới rải lên trên luống. Ở đảo gió rất lớn nên để bảo vệ cây non phải có ni lông che phủ. Hệ thống tưới nước tự động.

Một mô hình máy bay được các nghệ sỹ tạo dựng đặt trong một hầm, qua năm tháng sắt đã rỉ sét nhưng những dải ruy băng viết lời cầu nguyện cho hòa bình thì vẫn tươi mới.

Điểm thứ 4 là nơi đau thương, là nơi những người dân vô tội đã bị giết chết. Thực lòng tôi không muốn đến những nơi thế này, nhưng mang danh nhà văn nên người ta cứ đưa chúng tôi đến. Năm 2000 tôi đến nước Đức và người ta cũng đưa tôi đến nơi từng là trại tập trung và hàng ngàn con người đã bị giết ở đấy. Khi tôi đến cánh rừng đã trở lại yên bình cây lá tốt tươi nhưng những linh hồn không thể siêu thoát nổi cứ lẩn quất quanh đấy chích vào da thịt tôi và tim tôi đau nhói.

Ở nơi đây cũng thế. Khi tôi bước chân lên đài tưởng niệm thì da thịt tôi như mọc hàng ngàn chiếc gai nhọn. Không đau đớn gì ghê gớm chỉ tê tê từ đỉnh đầu xuống đến từng ngón chân. Tôi đi chỗ những người dân đã bị hành quyết, là hai chiếc hố, trong một chiếc hố chứa nước trong vắt có một con uyên ương đang bơi lội, chỉ có một mình nó lẻ bóng.

Trên thế giới này ở đâu có con người ở đó có chiến tranh? Đất nước tôi cũng có không chỉ là một nơi như chỗ này, nơi những người dân vô tội đã bị giết chết bởi quân đội Hàn Quốc. Nước Nhật thì bị Mỹ ném hai quả bom nguyên tử xuống Hiroshima và Nagasaki. Nước Mỹ thì bị máy bay khủng bố đâm xuống tòa tháp đôi… Người lớn thì gào lên không được quên quá khứ. Đúng thế sao có thể quên quá khứ, không có quá khứ thì không thể có tương lai. Một ông nào đó đã nói, nếu anh bắn súng lục vào quá khứ thì tương lai sẽ bắn vào anh bằng súng đại bác.

Mang danh một nhà văn tôi phải đến những nơi này, để tôi hiểu thấu được từng nỗi đau của dân tộc tôi và của các dân tộc trên thế giới đã từng trải qua chiến tranh.

z5965198851024-b65cf46d01ee58be36332022ca741793.jpg
Nhà văn Y Ban và các nhà văn Hàn Quốc tại Gapado

Chúng tôi quay về nhà bày lên bếp những thứ đã mua được ở chợ truyền thống. Nhà thơ Kim nói với tôi, chúng ta giàu có rồi.

Thấm thoát 3 tháng cũng đã hết, bỗng nhớ hai câu thơ của nhà thơ Chế Lan Viên: Khi ta ở, chỉ là nơi đất ở. Khi ta đi đất bỗng hóa tâm hồn”. Đây là lần đầu tiên tôi ở nước ngoài lâu đến vậy. Những ánh mắt nụ cười của những người trên đảo, những nhành hoa, ngọn cỏ, những gió những nắng những bờ rào đá, sóng biển, con tàu và tiếng gọi thân thiết: Việt Nam Việt Nam sẽ thành một miền ký ức tươi đẹp nhất trong tôi và sẽ theo tôi suốt cuộc đời.

Xem thêm

Nhà văn Bích Ngân: Những trăn trở tận tâm tận lực

Nhà văn Bích Ngân: Những trăn trở tận tâm tận lực

Ba tác phẩm "Đường đến cây cô đơn", "Tiếng gọi bến bờ", và "Anh nhớ em muốn chết" của nhà văn Bích Ngân dành cho bạn đọc những cảm xúc yên bình, lắng đọng những cũng khiến họ đeo đuổi nghĩ suy và liên tưởng về cuộc sống, con người quanh ta.

Có thể bạn quan tâm

Nhật ký Gapado: Chào xứ Hàn bằng… đặc sản “mùi”

Nhật ký Gapado: Chào xứ Hàn bằng… đặc sản “mùi”

Ra khỏi nhà, khi bước chân đầu tiên của tôi đặt chân lên con đường đất dường như gặp lại tuổi thơ của mình và tôi đã nhìn thấy một cô bé 5 tuổi trong cánh đồng hoa bướm, cô bé đó như đang đuổi bắt một con bướm. Tim tôi đã ngân lên những nốt nhạc...

Khám phá xứ sở thần tiên ở phía tây nam Thổ Nhĩ Kỳ

Khám phá xứ sở thần tiên ở phía tây nam Thổ Nhĩ Kỳ

Từ những bậc thang travertine trắng xóa đến những hồ nước khoáng kỳ diệu, Pamukkale không chỉ là một kỳ quan thiên nhiên mà còn là nơi giao thoa giữa lịch sử, văn hóa và vẻ đẹp huyền bí của Thổ Nhĩ Kỳ…

Khát vọng du lịch sinh thái, xanh hóa đảo Cát Bà

Khát vọng du lịch sinh thái, xanh hóa đảo Cát Bà

Tiềm năng phát triển du lịch "xanh" tại Cát Bà là rất lớn, việc phát triển các sản phẩm du lịch gần gũi với thiên nhiên không chỉ mang lại lợi ích kinh tế mà còn góp phần bảo vệ môi trường và nâng cao nhận thức của cộng đồng về du lịch bền vững...

Khám phá Bà Nà về đêm trọn gói chỉ từ 500.000 đồng

Khám phá Bà Nà về đêm trọn gói chỉ từ 500.000 đồng

Đến với Bà Nà về đêm, du khách không chỉ được chiêm ngưỡng vẻ đẹp lung linh của cảnh quan mà còn được tham gia vào vô vàn hoạt động hấp dẫn, đây sẽ là điểm đến lý tưởng để bạn tạo ra những kỷ niệm đáng nhớ bên người thân và bạn bè...