Ngay trong ngày khai mạc triển lãm, 8 bức tranh của nữ nhà văn - hoạ sĩ Trần Thị Trường đã có người sưu tầm gắn nơ sở hữu. Và mỗi ngày, số nơ đều đặn tăng thêm. Trả lời câu hỏi về sức sáng tạo dồi dào của mình, chị Trần Thị Trường cho rằng mỗi ngày đều đem đến cho chị một niềm vui, một năng lượng mới...
Trần Thị Trường vốn là một người viết văn, làm báo bên cạnh niềm đam mê hội hoạ. Nhà văn Trần Thị Trường có trong tay những tập truyện ngắn để lại nhiều dư âm trong lòng bạn đọc như: "Thời gian ngoảnh mặt"; "Thị Lộ"; "Sóng vỗ mạn thuyền"... hay các tiểu thuyết "Lời cuối cho em"; "Kẻ mắc chứng điên" và "Phố"...
Sau nhiều năm sống với nghề báo và văn, chị Trần Thị Trường quay trở lại với hội hoạ. Chị đã từng đỗ vào trường Đại học Mỹ thuật nhưng rồi bỏ dở giữa chừng, bởi gánh nặng kinh tế, gia đình lúc bấy giờ.
"Chưa bao giờ ngừng viết, chưa bao giờ thôi hy vọng rằng các con chữ là một phương tiện hữu hiệu giúp tác động đến đời sống con người. Nhưng ngôn ngữ biểu đạt ngoài hình thức từ các con chữ, còn có những hình thức khác, trong đó có hội hoạ...", nhà văn - hoạ sĩ Trần Thị Trường chia sẻ.
Bỏ vẽ đã lâu, vượt qua những lúng túng ngắn ban đầu khi gặp được người hướng dẫn tâm đắc - hoạ sĩ Hải Kiên - giảng viên trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương, chị Trần Thị Trường đã nhanh chóng bước vào "sân chơi" chuyên nghiệp của các hoạ sĩ tại Việt Nam. Trong buổi khai mạc, hoạ sĩ Lê Thiết Cương đã nhận xét rằng viết hay vẽ với chị đều là Sống và chưa bao giờ thôi hy vọng.
Chỉ trong 8 tháng, chị đã cho ra đời gần 50 bức tranh tĩnh vật, được người yêu hội hoạ và giới chuyên môn đánh giá cao. Có những bức vẽ ngay khi vừa hoàn thành đã có nhà sưu tầm tìm đến. Đối tượng được chị Trần Thị Trường miêu tả qua cọ vẽ thường là những phong cạnh chị thấy, là những đồ vật quen thuộc trong đời sống hàng ngày bởi chị luôn quan niệm rằng mỗi đồ vật đều có linh hồn, có tiếng nói ...