Năm 2019, Tập đoàn Than-Khoáng sản tăng trưởng tốt ở sản phẩm chủ lực là than, đáp ứng nhu cầu sử dụng của các hộ tiêu thụ lớn, đặc biệt là cho sản xuất điện.
Cụ thể, than nguyên khai đạt 40,5 triệu tấn, đạt 101% so với kế hoạch. Than tiêu thụ 44,02 triệu tấn, bằng 105% kế hoạch. Trong đó, tiêu thụ than trong nước đạt 42,95 triệu tấn, bằng 108% thực hiện 2018. Riêng than tiêu thụ cho điện đạt 36,06 triệu tấn, tăng 6,8 triệu tấn so về số tuyệt đối và 24% về số tương đối so với với thực hiện 2018.
Than nhập khẩu 6,5 triệu tấn, đạt 141% so với kế hoạch tăng 5,7 triệu tấn so với cùng kỳ 2018.
Sản xuất alumin vượt công suất thiết kế. Cả 2 nhà máy Tân Rai, Nhân Cơ đều vượt 5% công suất thiết kế. Sản xuất đạt 1,36 triệu tấn, tiêu thụ đạt 1,39 triệu tấn, vượt kế hoạch 7%.
Sản xuất, tiêu thụ các loại khoáng sản khác đạt khá. Sản xuất điện có đóng góp tích cực trong việc đáp ứng đủ điện cho sản xuất và tiêu dùng. Các lĩnh vực sản xuất khác như sản xuất vật liệu nổ công nghiệp; sản xuất cơ khí… và các lĩnh vực thăm dò, khảo sát khoáng sản được bảo đảm.
Tổng doanh thu TKV đạt 131,5 ngàn tỷ đồng, tăng 9% so năm 2018. Nộp Ngân sách nhà nước 18,1 ngàn tỷ đồng, tăng 1,5 ngàn tỷ đồng so với thực hiện năm 2018. Lợi nhuận toàn Tập đoàn đạt trên 4.000 tỷ đồng, tăng 1.000 tỷ đồng so với kế hoạch…
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhìn nhận, các chỉ tiêu tài chính của Tập đoàn trong năm 2019 đều vượt kế hoạch. Công tác tái cơ cấu được triển khai quyết liệt và có hiệu quả rõ rệt, Chính phủ đánh giá là đơn vị thực hiện có hiệu quả nhất trong các tập đoàn, tổng công ty nhà nước.
Nhấn mạnh năm 2020 là năm bản lề với nhiều sự kiện trọng đại của đất nước, Phó Thủ tướng giao 8 nhiệm vụ cho TKV.
Phó Thủ tướng yêu cầu triển khai có hiệu quả toàn bộ các hoạt động sản xuất kinh doanh của Tập đoàn, bảo đảm được kế hoạch năm 2020 đề ra được. Đặc biệt, tập trung sản xuất đáp ứng theo nhu cầu thị trường, nhất là thị trường than, góp phần bảo đảm nhu cầu năng lượng cho phát triển kinh tế.
Nhiệm vụ thứ hai là đẩy mạnh công tác tái cơ cấu doanh nghiệp. Tiếp tục rà soát lại các ngành nghề, sản phẩm của Tập đoàn để tái cơ cấu phù hợp. Tái cơ cấu về đầu tư (trên cơ sở xác định các sản phẩm chính của Tập đoàn gồm: Than, điện, các sản phẩm khoáng sản khác). Tái cơ cấu về quản trị doanh nghiệp. Tái cơ cấu về nhân lực gắn với đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Trên cơ sở đó, xây dựng chiến lược phát triển Tập đoàn giai đoạn 2021-2030 tầm nhìn 2045.
Ba là, tiếp tục đẩy mạnh áp dụng khoa học công nghệ vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh của Tập đoàn. Cần coi khoa học công nghệ là chìa khoá để nâng cao năng suất lao động, tăng hiệu quả của doanh nghiệp và tăng hệ số an toàn trong quá trình lao động sản xuất.
Bốn là, chú trọng đầu tư mở rộng sản xuất. Trong đó, tập trung vốn đầu tư cho các dự án mỏ hầm lò mới; các dự án khai thác, chế biến khoáng sản khác. Cải tạo, nâng cấp các mỏ hiện có để tăng sản lượng than bảo đảm nhu cầu than cho nền kinh tế theo Quy hoạch phát triển ngành than Việt Nam đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (đặc biệt là than cho sản xuất điện). Chế biến sâu các loại khoáng sản, nâng cao năng suất, chất lượng, giá thành sản phẩm khoáng sản, sản phẩm chế biến từ khoáng sản.
Năm là, tập trung nguồn lực để tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm đang chậm tiến độ.
Sáu là, tiếp tục thực hiện các giải pháp đồng bộ, quyết liệt về công tác an toàn lao động, hạn chế đến mức thấp nhất các vụ tai nạn và sự cố lớn.
Bảy là, làm tốt công tác bảo vệ môi trường trong quá trình sản xuất kinh doanh. Trong đó, lãnh đạo Chính phủ yêu cầu TKV phải là đơn vị đi đầu, ưu tiên nguồn lực, triển khai các biện pháp hiệu quả bảo vệ môi trường.
Cuối cùng, Phó Thủ tướng yêu cầu lãnh đạo TKV phải chú trọng quan tâm đến đời sống, việc làm của người lao động; thực hiện tốt các chương trình, chính sách an sinh xã hội.