Công ty cổ phần Chứng khoán FPT (Mã: FTS) dự định trả cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ 5%, phát hành thêm với tỷ lệ 20%, và chào bán cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 10%. Ngày giao dịch không hưởng quyền (GDKHQ) đều là 25/7. Ngày thanh toán tiền mặt là 5/8.
Số cổ phiếu FTS đang lưu hành là xấp xỉ 147,6 triệu đơn vị nên Chứng khoán FPT sẽ cần chi gần 74 tỷ đồng để thanh toán cho cổ đông. Ngoài ra, công ty còn cần phát hành thêm 29,5 triệu cổ phiếu và chào bán 14,76 triệu cổ phiếu khác.
Giá chào bán cho cổ đông hiện hữu là 10.000 đồng/cp, tức là Chứng khoán FPT có thể thu về khoảng 147,6 tỷ đồng. Thời gian chuyển nhượng quyền mua là từ 2/8 đến 16/8, thời gian đăng ký đặt mua và nộp tiền mua là từ 2/8 đế 23/8.
Vốn điều lệ của Chứng khoán FPTS có thể tăng từ 1.476 tỷ đồng hiện nay lên gần 1.918 tỷ đồng sau đợt phát hành thêm và bán cổ phần. Giá cổ phiếu FTS đã tăng 34,3% trong một tháng gần đây nhưng vẫn còn kém xa mức đầu năm. Bảng thống kê bên dưới cho thấy đa phần cổ phiếu ngành chứng khoán đều hồi phục mạnh trong tháng qua.
CTCP Chứng khoán Rồng Việt (Mã: VDS) cũng sẽ chốt cổ đông trong tuần này.Cụ thể, Rồng Việt sẽ trả cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 35%, phát hành thêm tỷ lệ 10% và chào bán cho cổ đông hiện hữu tỷ lệ 50%. Ngày GDKHQ đều là 29/7.
Công ty hiện có hơn 105 triệu cổ phiếu đang lưu hành nên sẽ cần phát hành gần 36,8 triệu đơn vị VDS để trả cổ tức, phát hành thêm 10,5 triệu đơn vị, chào bán 52,55 triệu đơn vị cho cổ đông hiện hữu.
Giá chào bán dự kiến là 10.000 đồng/cp, đồng nghĩa Rồng Việt có thể thu về khoảng 525 tỷ đồng. Vốn điều lệ của công ty dự kiến tăng từ mức 1.051 tỷ đồng hiện nay lên gần 2.050 tỷ đồng sau khi trả cổ tức, phát hành thêm và chào bán. Thứ hạng của Rồng Việt về vốn điều lệ trong ngành chứng khoán sẽ tăng từ số 18 lên số 9.
Trong một tháng gần đây, giá cổ phiếu VDS tăng gần 11%. Tuy nhiên như biểu đồ bên dưới cho thấy, khi so với đầu năm, giá vẫn thấp hơn khoảng 50%.
CTCP Lọc Hóa Dầu Bình Sơn (Mã: BSR) có kế hoạch trả cổ tức bằng tiền mặt tỷ lệ 3%, tương đương 300 đồng/cp. Công ty hiện có 3,1 tỷ cổ phiếu đang lưu hành nên sẽ cần chi 930 tỷ đồng để thanh toán cho cổ đông.
Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đang kiểm soát 92,1% vốn của Lọc Hóa Dầu Bình Sơn nên sẽ được nhận phần lớn số tiền nói trên.
Kết phiên gần đây nhất 22/7, giá cổ phiếu BSR dừng ở 25.000 đồng/cp, thấp hơn 5,7% so với một tháng trước. Vốn hóa của công ty hiện đạt hơn 77.500 tỷ đồng.
Lọc Hóa Dầu Bình Sơn ước tính doanh thu trong 6 tháng đầu năm 2022 đạt hơn 87.000 tỷ đồng, tăng 77% so với cùng kỳ năm ngoái và thực hiện 95% kế hoạch cả năm. Chứng khoán Mirae Asset (MASVN) ước tính công ty có thể lãi trên 10.000 tỷ đồng trong hai quý vừa qua.
Giá dầu nửa đầu năm nay cao hơn hẳn năm ngoái là nhân tố chính giúp kết quả kinh doanh của BSR khởi sắc.
CTCP Siêu Thanh (Mã: ST8) dự định trả cổ tức bằng tiền mặt tỷ lệ 85%, tương đương 8.500 đồng/cp. Công ty hiện có 25,72 triệu cổ phiếu đang lưu hành nên sẽ cần chi 218,6 tỷ đồng để thanh toán cho cổ đông.
Siêu Thanh hoạt động chính trong lĩnh vực mua bán thiết bị văn phòng, máy photocopy, vật tư ngành in và phụ tùng, máy fax, … Cổ phiếu ST8 niêm yết tại HOSE từ tháng 12/2007.
Quý II vừa qua, Siêu Thanh ghi nhận lợi nhuận sau thuế hơn 200 tỷ đồng, trái ngược với khoản lỗ 977 triệu đồng của quý II/2021. Lũy kế 6 tháng vừa qua, công ty lãi sau thuế gần 207 tỷ, gấp 33 lần cùng kỳ.
Kết quả kinh doanh của Siêu Thanh tăng đột biến chủ yếu do khoản thu nhập khác 242 tỷ đồng đến từ việc chuyển nhượng khoản đầu tư tài chính tại công ty con và bất động sản tại Vũng Tàu và 261F Dạ Nam.