Nhiều doanh nghiệp vẫn lúng túng khi thực hiện quy định về kinh doanh vàng

Nghị định 24 về quản lý kinh doanh vàng đã được áp dụng hơn 4 năm qua, nhưng nhiều doanh nghiệp kinh doanh vàng vẫn chưa hiểu đầy đủ cũng như chưa thực hiện đúng các quy định liên quan đến các vấn đề
Nhiều doanh nghiệp vẫn lúng túng khi thực hiện quy định về kinh doanh vàng

Hội thảo “Giải đáp vướng mắc trong thực hiện Nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý kinh doanh vàng” do Hội Mỹ nghệ Kim hoàn Đá quý TP.HCM (SJA) tổ chức đã diễn ra hôm nay 21-9 tại TP.HCM với khoảng 200 doanh nghiệp tham dự.

Tại đây, doanh nghiệp đã hỏi khá nhiều về các quy định liên quan đến thanh tra – kiểm tra, nhãn mác, hoá đơn chứng từ, máy đo lường chất lượng,... Theo ông Nguyễn Văn Dưng, Chủ tịch SJA, Nghị định 24 có hiệu lực từ tháng 5-2012, cùng nhiều thông tư hướng dẫn như Thông tư 22/2013/TT-BKHCN, Thông tư 16/2012/TT-NHNN.

SJA cũng đã tổ chức nhiều hội thảo mời lãnh đạo các cơ quan quản lý liên quan đến để hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện, nhưng vẫn còn những doanh nghiệp lúng túng trong quá trình áp dụng. Vừa qua khi đoàn kiểm tra liên ngành tiến hành kiểm tra đồng loạt, đã có không ít doanh nghiệp kinh doanh vàng bị phạt vì có nhiều sai phạm.

Điều này tạo nên tâm lý lo lắng, bức xúc cho doanh nghiệp. Trao đổi với báo chí sau hội thảo này, ông Dưng cho biết, doanh nghiệp mua bán vàng hiện nay trên địa bàn TP.HCM thường là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ nên họ ít quan tâm các vấn đề về pháp lý cũng như quy định liên quan đến ngành vàng.

Trong thời gian tới, SJA sẽ có tiếp tục thông tin về pháp lý, chứng từ hoá đơn để doanh nghiệp áp dụng theo đúng quy định của pháp luật. Theo ông Phan Văn Đồng, Chánh thanh tra Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM (Sở KHCN), hiện Sở KHCN vẫn đang tiến hành đợt thanh tra kiểm tra các doanh nghiệp kinh doanh vàng tại TP.HCM.

Tuy nhiên, đến nay trong 67 cơ sở kinh doanh vàng đã được kiểm tra, có đến 51 cơ sở vi phạm về nhãn hàng hoá do chưa nắm đầy đủ quy định cũng như nhiều lý do khác. Thông tư 22/2013/TT-BKHCN và Nghị định 89/2006/NĐ-CP quy định rất rõ về nhãn mác hàng hoá, nhưng doanh nghiệp kinh doanh vàng chưa quan tâm đầy đủ, ông Đồng cho biết.

Trong nhãn mác đối với sản phẩm vàng bạc đá quý có các nội dung, như tên hàng hoá, tên địa chỉ tổ chức cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hoá, hàm lượng, khối lượng, tiêu chuẩn công bố, ký hiệu. Trong đó, mã ký hiệu, và hàm lượng nếu khắc trên sản phẩm thì không cần thể hiện thông tin này trong tem đính kèm sản phẩm.

Tuy nhiên, khi đi kiểm tra, nhiều doanh nghiệp kinh doanh vàng vi phạm về quy định này vì họ cho rằng tem có kích cỡ nhỏ nên khó thể hiện đầy đủ toàn bộ các thông tin được yêu cầu trong quy định. Ngoài ra, theo ông Đồng, doanh nghiệp mua vàng không rõ nguồn gốc xuất xứ là vi phạm pháp luật. Doanh nghiệp kinh doanh vàng mua sản phẩm hoàn thiện về tự kiểm tra, sau đó tự ghi nhãn mác cho các sản phẩm vàng bạc đá quý cũng là vi phạm quy định, vì việc in nhãn cho hàng hoá là trách nhiệm của nhà sản xuất, doanh nghiệp kinh doanh phân phối chỉ được ghi thêm nhãn phụ với tư cách nhà phân phối, chứ không được in lại nhãn.

Cũng tại hội thảo, một số doanh nghiệp kinh doanh vàng thắc mắc về việc tại sao doanh nghiệp kinh doanh phân phối sản phẩm vàng bạc đá quý phải chịu trách nhiệm về chất lượng của vàng, trong khi họ không phải là người trực tiếp sản xuất. Trả lời câu hỏi này, ông Đồng cho biết, theo quy định hiện nay, người bán hàng phải chịu trách nhiệm đầu tiên về hàng hoá họ kinh doanh, phân phối. Do đó, khi đoàn thanh tra đến kiểm tra và phát hiện sản phẩm vàng vi phạm về chất lượng, doanh nghiệp bán hàng chắc chắn bị xử phạt.

Do đó, nếu doanh nghiệp bán vàng có hoá đơn, công bố tiêu chuẩn, hợp đồng đầy đủ của nhà sản xuất thì đây là cơ sở để doanh nghiệp yêu cầu nhà sản xuất bồi thường. Nếu hai bên không thoả thuận được, doanh nghiệp bán hàng có quyền kiện nhà sản xuất ra toà.

Theo H.Thu/TBKTSG

Có thể bạn quan tâm