Tính đến thời điểm này, 10 ngân hàng có báo cáo kết quả kinh doanh thì có đến 9 ngân hàng báo lãi vượt kế hoạch. Ngân hàng đã thực sự khởi sắc?
Nhiều ngân hàng khởi sắc
Vietcombank tiếp tục ghi nhận kết quả kinh doanh khởi sắc liên tiếp trong nhiều quý vừa qua. Lợi nhuận sau thuế của ngân hàng này trong 9 tháng đầu năm đạt gần 6.400 tỉ đồng, tăng 25,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhân tố điển hình thứ hai là VPBank với lợi nhuận sau thuế tăng đến 71%, đạt hơn 4.500 tỉ đồng, cao hơn so với BIDV (hơn 4.300 tỉ đồng).
Thực tế, con số lãi đột biến ở Vietcombank hay VPBank không phải đến quý III này mới biết, mà cũng có thể dự đoán từ kết quả hồi giữa năm. Nhưng điều khá bất ngờ là ở những ngân hàng nhỏ hơn, kết quả kinh doanh đều ấn tượng.
LienVietPostBank chứng kiến lợi nhuận sau thuế lần đầu tiên vượt mốc 1.000 tỉ đồng, đạt hơn 1.125 tỉ đồng, tăng 61% so với cùng kỳ. Nhiều ngân hàng tư nhân khác cũng có mức tăng trưởng vượt kỳ vọng của thị trường. Chưa công bố báo cáo tài chính cụ thể, nhưng lần lượt thị trường cũng đã ghi nhận trường hợp lợi nhuận tăng đột biến và vượt hoặc gần hoàn thành kế hoạch cả năm chỉ sau 9 tháng tại HDBank, OCB hay ABBank. Cụ thể, lợi nhuận trước thuế của OCB đạt 789 tỉ đồng, trong khi con số năm 2016 chỉ đạt 484 tỉ đồng. Tương tự, lợi nhuận trước thuế của HDBank đạt 1.912 tỉ đồng, cao hơn gấp rưỡi so với năm 2016. Con số này tại ABBank là 429 tỉ đồng, tăng 122% so với cùng kỳ.
Ngân hàng Kiên Long vừa niêm yết trên UPCoM cũng công bố báo cáo tài chính với kết quả tăng trưởng ấn tượng. Lợi nhuận sau thuế lên tới hơn 153 tỉ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước chỉ đạt hơn 15,8 tỉ đồng. Một điểm chung dễ nhận thấy ở nhiều ngân hàng có quy mô nhỏ, đó là tỉ lệ nợ xấu theo báo cáo tài chính rất thấp, thường ở dưới mức 2%.
Ngay cả Sacombank, ngân hàng trong quá trình tái cấu trúc cũng báo cáo kết quả kinh doanh lạc quan, tiếp nối đà tăng trưởng khả quan trong báo cáo quý II trước đó. Sau khi ổn định nhân sự cấp cao, ngân hàng này báo cáo lợi nhuận sau thuế trong 9 tháng đầu năm đạt 771 tỉ đồng, so với mức gần 153 tỉ đồng cùng kỳ năm ngoái. Từ trường hợp Sacombank, có thể kỳ vọng danh sách ngân hàng có kết quả lạc quan dự kiến còn dài ra với những ngân hàng có báo cáo kinh doanh quý II tốt nhưng chưa có báo cáo quý III. Đó có thể là SHB (lợi nhuận sau thuế tăng 52% so với cùng kỳ), Ngân hàng Quân Đội, ACB hay Techcombank. Riêng Eximbank với kết quả kinh doanh cải thiện đáng kể trong nửa đầu năm 2017, được kỳ vọng sẽ tiếp tục tạo đà sau những trục trặc đang dần được giải quyết.
Vì sao tăng trưởng nhanh?
Hầu như mọi hoạt động kinh doanh của các ngân hàng đều có tốc độ tăng trưởng tốt, giúp ghi nhận lợi nhuận nhiều hơn, quy mô tài sản cũng mở rộng nhanh hơn. Phần hoạt động cốt lõi là thu nhập từ hoạt động cho vay được cải thiện đáng kể. Thống kê bình quân 7 ngân hàng đã có báo cáo tài chính tăng trưởng đến 37,6% và tốc độ cho vay bình quân đạt 18,1%.
Nhưng điều đáng chú ý hơn là hoạt động dịch vụ giúp các ngân hàng nâng lợi nhuận lên đáng kể. Thống kê ở những ngân hàng trên cho thấy lãi thu từ dịch vụ tăng đến 49,7%. Tăng trưởng mạnh nhất là TPBank (tăng 100% so với cùng kỳ), theo sau là VPBank (84%), Kiên Long (67,3%) và VIB (47,4%). Vietcombank mới đây cũng đầu tư mạnh vào bán lẻ khi lần đầu tiên bổ nhiệm nhân sự người nước ngoài vào vị trí giám đốc khối bán lẻ.
“Lợi nhuận của hệ thống tín dụng khả quan, chủ yếu nhờ đóng góp từ hoạt động tín dụng và dịch vụ”, theo nhận định trong báo cáo kinh tế đầu tháng 10 của Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia. Cụ thể, lợi nhuận sau thuế của hệ thống đạt 47.000 tỉ đồng, tăng 39% so với cùng kỳ năm 2016.
Một yếu tố khác giúp lợi nhuận tăng mạnh là con số dự phòng rủi ro đã giảm tương đối. Theo đó, tỉ lệ chi phí dự phòng rủi ro tín dụng trên tổng lợi nhuận trước trích lập dự phòng rủi ro khoảng 49%, giảm từ mức 53% so với cùng kỳ năm 2016.
Kết quả kinh doanh khả quan của ngành ngân hàng có vẻ như cũng tương ứng với tốc độ tăng trưởng kinh tế được báo cáo gần đây. Trong quý III/2017, GDP tăng trưởng được nhận định là “bất thường” với mức tăng 7,46% so với cùng kỳ. “Mức tăng này cao nhất trong vòng 7 năm qua, cao hơn nhiều so với quý trước (6,17%) cũng như cùng kỳ các năm trước (năm 2016 là 6,56%)”, VEPR nhận định trong báo cáo kinh tế quý III. Một trong những đóng góp đáng kể là từ lĩnh vực tài chính (bao gồm ngân hàng, bảo hiểm) và kinh doanh bất động sản tăng trưởng lần lượt 7,89% và 3,99% so với cùng kỳ, mức tăng cao nhất trong hơn nửa thập niên.
Tuy nhiên, không phải ngân hàng nào cũng tăng trưởng đột biến và nợ xấu vẫn là nỗi ám ảnh của nhiều ngân hàng. Như trường hợp của BIDV, lợi nhuận sau thuế đã giảm 8% so với cùng kỳ. “Lợi nhuận quý III/2017 của Ngân hàng ở mức thấp so với cùng kỳ có nguyên nhân chủ yếu là trong quý, trên cơ sở thận trọng, Ngân hàng đã tăng trích lập dự phòng rủi ro tín dụng nhằm nâng cao năng lực tài chính, đảm bảo khả năng bù đắp các tổn thất đối với các khoản tín dụng tiềm ẩn rủi ro”, BIDV thông báo. Trường hợp của BIDV cũng dễ đoán, khi theo báo cáo tài chính bán niên, lợi nhuận sau thuế của Ngân hàng chỉ tăng 4%, trong khi chi phí dự phòng rủi ro đã tăng 70,5% trong 9 tháng đầu năm 2017.
Từ trường hợp của BIDV, nhìn lại danh sách ngân hàng chưa công bố kết quả lợi nhuận, có thể dự kiến một vài ngân hàng sẽ bị chậm chân trong cuộc đua về mở rộng quy mô lợi nhuận. Chẳng hạn như VietinBank. Lợi nhuận sau thuế trong nửa đầu năm của ngân hàng này tăng trưởng chậm hơn so với các ngân hàng khác (ở mức 15%) trong khi quy mô trích lập dự phòng rủi ro lại tăng đáng kể.
Trước mắt các ngân hàng vẫn còn quý IV, là thời gian tăng trưởng tốt nhất trong năm. Tính đến ngày 20.9.2017, tăng trưởng tín dụng đạt 11,02% so với cuối năm ngoái, cao hơn so với cùng kỳ (10,5%) nhưng vẫn còn cách rất xa so với mục tiêu tăng trưởng tín dụng đã được nâng lên đến con số 21%.
Trên thực tế, lợi nhuận còn đến từ một bộ phận khác. “Chúng tôi kỳ vọng các ngân hàng đã và đang chủ động xử lý nợ xấu như Vietcombank, Techcombank, ACB và Ngân hàng Quân Đội sẽ báo cáo lợi nhuận bổ sung, trong khi các ngân hàng có nợ xấu lớn như BIDV, VietinBank, SHB, Eximbank và Sacombank sẽ giảm dự phòng gánh nặng chi phí trong tương lai nhờ thu nhập từ việc đảo ngược dự phòng và thu hồi nợ xấu”, báo cáo về ngành ngân hàng đầu tháng 10 của Công ty Chứng khoán SSI nhận định.
Nhìn chung, toàn hệ thống đang tạo ra lợi nhuận tốt hơn, đó là điều kiện tiên quyết giúp đẩy nhanh quá trình dọn dẹp nợ xấu. Mức sinh lời của các ngân hàng đã được cải thiện đáng kể, theo SSI, thông qua tỉ lệ cho vay trên huy động cao hơn, hoạt động bán lẻ có mức sinh lời tốt hơn. “Kết quả là khả năng giải quyết các vấn đề nợ xấu của nhiều ngân hàng đã được cải thiện rõ rệt”, SSI nhận định.
Theo Dũng Nguyễn/ Nhịp cầu đầu tư
>> ACB báo lãi hợp nhất 9 tháng vượt 2.000 tỷ đồng, tăng hơn 60% cùng kỳ